Đắm say theo tà áo dài thướt tha

Cập nhật: 07-03-2023 | 10:03:36

Áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, hình ảnh áo dài thướt tha trở thành nguồn cảm xúc bất tận trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật.

Tăng chất thơ trong mỹ thuật

Có dịp chiêm ngưỡng những tác phẩm trong các đợt triển lãm mỹ thuật do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức, chúng tôi bị cuốn hút bởi hình ảnh tà áo dài trong tranh “Hoài Thu” của họa sĩ Hoàng Văn Cử và tranh “Mùa hoa” của họa sĩ Trương Anh Dũng.


 Tác phẩm “Hoài Thu” của họa sĩ Hoàng Văn Cử

Trong “Hoài Thu”, hình ảnh thiếu nữ mặc áo dài, cổ quàng chiếc khăn nhỏ xinh bên hoa thiên điểu trong sắc màu mùa thu rất lãng mạn và thanh thoát. Hoa văn của áo dài lấp lánh kim sa hòa cùng những mảng màu vàng, đỏ và của phông nền, sự sắc sảo của hoa thiên điểu càng cho thấy rõ sự tài ba trong thực hiện tác phẩm sơn mài của tác giả. Vì vậy, “Hoài Thu” là tranh sơn mài đoạt giải nhất trong cuộc thi “Bình Dương trên đường phát triển năm 2022”.

Nếu như áo dài trong “Hoài Thu” của Hoàng Văn Cử lấp lánh kim sa trên phông nền rực rỡ thì áo dài trong tranh “Mùa hoa” của Trương Anh Dũng chỉ đơn thuần một màu và có chút trầm lắng. Anh Dũng nói: “Tôi nhớ khi xưa mẹ hay mặc áo dài mỗi khi đi làm. Rồi dì út cũng vậy. Cứ ríu rít áo dài mỗi khi lễ, tết... Tôi thấy họ toát lên một niềm hạnh phúc kèm một ít kiêu hãnh ngầm khi được rạng ngời trong tà áo bay bay… Hình ảnh tuyệt vời này cứ thế chuyển vào tâm hồn tôi một cách tự nhiên và tình yêu với áo dài truyền thống cũng dần lớn lên theo năm tháng”.

Nói về sự trầm lắng trong “Mùa hoa”, họa sĩ cho biết: “Một chút trầm lắng để cái đẹp dậy lên. Với phụ nữ, điều này thật cần, còn với hội họa thì tôi kết hợp lại. Trong tranh, thiếu nữ khoác lên vẻ đẹp y phục và được cả vẻ đẹp thiên nhiên ôm lấy… Mảnh mai giữa những cành hoa thân gỗ rắn rỏi (tương phản) rất độc đáo. Trong tranh, cô gái ngắm hoa mà lòng dậy lên niềm vui. Đó là hạnh phúc của con người. Một hạnh phúc giản đơn mà mấy ai nhận ra khi được sống”. Những thông điệp đầy chất thơ của Anh Dũng đã chạm vào trái tim người xem và tác phẩm đã được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực miền Đông Nam bộ tại tỉnh Bình Phước năm 2022.

Tinh tế trong thơ nhạc

Với mỗi người Việt Nam, từ lâu lời bài hát “Một thoáng quê hương” của nhạc sĩ Từ Huy - Thanh Tùng đã trở thành những âm điệu quen thuộc mỗi khi nhắc đến áo dài. “Tà áo em bay bay trên phố dịu dàng”… “Dù ở đâu - Paris, London hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi…”.

Còn hình ảnh trong ca khúc “Áo dài ơi…” do nhạc sĩ Phạm Minh Thuận phổ nhạc từ thơ của Sen Nguyễn thì áo dài “tỏa sáng như ngôi sao” khiến “người thẫn thờ dệt nên những vần thơ”… Bằng những giai điệu tango, nhạc sĩ đã thổi thêm hồn vào bài thơ để đến với mọi người vừa sinh động, trẻ trung, vừa mang đầy tinh thần tự hào “áo dài di sản văn hóa Việt Nam”.

Chia sẻ với chúng tôi, nhạc sĩ Phạm Minh Thuận cho biết chiếc áo dài là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm như vậy. Cho nên khi tìm được những bài thơ hay về áo dài, nhạc sĩ rất phấn khởi và phổ nhạc ngay để hồn thơ bay bổng hơn như tà áo dài thướt tha bay bay trong gió. Ngoài “Áo dài ơi…”, Phạm Minh Thuận còn phổ nhạc bài “Lỡ hẹn áo dài” từ thơ của Đàm Chu Văn.

Giờ đây, áo dài được mặc trong nhiều sự kiện, từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao… cho đến biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt hàng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, tết cổ truyền, trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước… Với sự tiện dụng, vừa đơn giản, gọn gàng, vừa duyên dáng mà thanh lịch, áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hàng ngày của phụ nữ Việt Nam một cách tự nhiên và dễ dàng. Và trong bài thơ “Duyên dáng áo dài phụ nữ Việt Nam” của Huỳnh Lê Ba, niềm tự hào về áo dài được đặc tả bằng những mỹ từ góp thêm vẻ đẹp kiêu hãnh của người Việt Nam: “Qua tạo mẫu, toàn thân thêm rạng/ Nếp áo xưa tỏa sáng tương lai/ Áo dài ơi, thấp thoáng đường dài/ Việt Nam kiêu hãnh áo dài Việt Nam”.

THỤC VĂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên