Đám tang: Nên bỏ những hủ tục mê tín!

Cập nhật: 23-01-2013 | 00:00:00

Đừng làm cho… người sống!

Đám tang là một nghi lễ lớn để “kết thúc hành trình” sống của một con người. Chúng ta vốn trọng lễ nghi nên ai nấy đều mong một đám tang chu toàn nhất. Có sự khác nhau về sự sa đà trong tập tục giữa các vùng miền trong tổ chức đám tang. Miền Bắc, miền Trung thì khóc lóc, lăn lộn rất thảm sầu khi người thân mất. Có đám còn thuê đội khóc mướn (đến chút tình cảm cho người mất mà còn… giả thì quả là không nên!). Tôi từng chứng kiến nhiều đám tang ở quê và thấy sợ quá! Khóc quá nhiều. Những đám chết chồng càng khóc kinh hoàng hơn. Chưa hết, khi chuẩn bị cho quan tài hạ huyệt, có người còn… nhảy xuống huyệt mộ đòi chết chung báo hại mấy người khác phải nhảy xuống kéo lên.   Một đám tang có màn xiếc rất phản cảm và tiền thưởng được nhét vào ngực của người biểu diễn

Vào miền Nam sống, thời gian đầu lại thấy “lạ quá” đám tang ở trong này. Nhạc sống, múa lửa, múa bụng rồi hát hò vô tư: “Em ơi có bao nhiêu/ 60 năm cuộc đời”, “Anh num-bờ-oan đẹp trai dễ thương/ Và con tim rất chung tình…” thôi thì đủ cả. Khi đưa đám, có nhà còn thuê đội thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh (có ngựa thật luôn!) để đi trước quan tài với quan niệm đưa người chết về miền cực lạc… Hỏi, nhiều người cho biết, đám tang ai không buồn thương nhưng làm thế để nhẹ nhàng, bớt không khí u ám. Rồi thì những đêm đám tang là ăn khuya, đánh bài, nhậu nhẹt… Có một gia đình đám tang để đúng tuần. Con cháu làm thực đơn ăn ngày, ăn đêm như… nhà hàng để phục vụ bà con đến viếng.

Nhiều gia đình còn muốn kéo dài thời gian để tiện cho bà con gần xa nhất là khi gia đình có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Từ nhu cầu này, các dịch vụ tang chay thường có những thầy tụng nhận “trọn gói”. Họ có thể chọn ngày theo yêu cầu của gia chủ. Tất cả nghi lễ là dành sự thuận lợi cho người sống với niềm tin để ăn nên làm ra, công việc hanh thông. Bởi thế, xét cho cùng thì sự kỹ lưỡng chọn ngày, giờ trong đám tang chỉ nhằm vào lợi ích của những người còn sống chứ chẳng phải dành cho người chết. Chưa kể là việc kéo dài tang lễ sẽ dẫn đến tốn kém, mất thời gian và hao tốn tiền của.

Trang trọng và không mê tín

Tùy tôn giáo, tùy lễ nghi của từng vùng miền mà việc tang lễ mỗi nơi một khác. Tuy nhiên, cần tổ chức một tang lễ trang trọng, không màu mè và nhất là đừng mê tín dị đoan để tang gia thêm lo lắng, bối rối. Thượng tọa Thích Huệ Thông, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Bình Dương cho biết: “Phật giáo trọng bi - trí - huệ và đã có trí tức phải làm theo khoa học, không mê tín, nghe theo nhiều lời khuyên khác nhau trong chọn ngày giờ, tổ chức nghi lễ rồi người thân thêm lo lắng thậm chí hục hặc nhau. Không nên kiêng kỵ ngày tốt xấu mà theo phong tục tập quán nhưng phải văn minh, giản dị, dựa theo quy định của địa phương mà tổ chức tang lễ thật trang trọng nhưng không cầu kỳ, xa hoa, hình thức…”.

Nghị định số 105/2012/ NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17-12-2012 về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức trong đó có các quy định như: “Việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần phải trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng; hạn chế, từng bước loại bỏ những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí. Linh cữu được để không quá 48 giờ, kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức lễ an táng. Không rắc vàng mã và các loại tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành và ngoại tệ trong quá trình đưa tang”…

Bác Nguyễn Văn Chính, Trưởng Ban quý tế đình Bình Hưng, xã Bạch Đằng, Tân Uyên cho biết: “Ở địa phương tôi có quy định đám tang theo hương ước hẳn hoi. Đám để không quá 3 ngày. Những gia đình cán bộ càng phải nêu gương. Một số quy định cụ thể như: Khi có người mất, gia đình phải báo tử và tổ chức tang lễ theo quy định; người chết vì nguyên nhân thông thường, nhập quan trước 9 - 10 tiếng, chôn cất trước 72 tiếng. Người chết vì bệnh truyền nhiễm thì chôn ngay, không quá 24 tiếng. Nghi thức tang lễ đơn giản, vệ sinh, văn minh. Không tổ chức cờ bạc trá hình tại đám tang, không mở nhạc sau 23 giờ và trước 5 giờ…”.

Tất cả những quy định về việc hiếu hỷ đều theo tinh thần văn minh, tiết kiệm nên chính quyền cũng rất mong và động viên người dân có ý thức chấp hành. Đừng vì “sự tham sân si” của người sống để làm những điều vô lý, mê tín dị đoan trong đám tang cũng là cách sống văn minh, nhẹ nhàng vậy…

Kỳ 2: Đám cưới: Không phải… rườm rà mới ấn tượng!

QUỲNH NHƯ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1020
Quay lên trên