Thế giới đã phải đợi đến tháng 7-1960, tức cách đây 50 năm mới có nữ lãnh đạo quốc gia dân cử đầu tiên. Cái chết, cũng như sự sống của bà đều dính chặt vào chính trị.
Thủ tướng mít ướt
Từ một bà nội trợ nhút nhát, Sirimavo Bandaranaike bước vào chính trường Ceylon (bây giờ là Sri Lanka) sau khi chồng bà, Thủ tướng Solomon Bandarankike bị ám sát năm 1959. Bà tiếp quản chức chủ tịch đảng Tự do do chồng sáng lập, giữ vững nó trong 40 năm và mau chóng chứng tỏ bản thân sinh ra không phải để làm một bà nội trợ nhút nhát. Chỉ một năm sau, vào năm 44 tuổi, Bandaranaike trúng cử chức thủ tướng, làm chấn động 5 châu. Sự kiện này khiến cả thế giới lúng túng bởi nó chưa có tiền lệ. Còn nhớ tờ London’s Evening News lúc bấy giờ viết: “Chúng ta cần phải có một từ mới. Có lẽ chúng ta nên gọi bà ấy là một nữ lãnh tụ”.
Bà Sirimavo Bandaranaike, nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới
Cái chết ở tuổi 84 của nữ lãnh đạo đầu tiên trên thế giới cũng kịch tính không kém. Bà lên cơn nhồi máu cơ tim trong xe hơi, lúc đang trên đường về nhà sau khi đi bỏ phiếu trong kỳ tổng tuyển cử năm 2000. Đó là kỳ bầu cử có ý nghĩa đi hay ở đối với con gái thứ 2 của bà, Tổng thống Chandrika Kumaratunga. Và lần đó, bà Chandrika đã tái đắc cử Tổng thống Sri Lanka trong nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp.
Đứng ở cương vị lãnh đạo chính phủ, Thủ tướng Bandaranaike mau chóng chứng tỏ khả năng lãnh đạo bằng những kỹ năng chính trị tài tình, sự quyết đoán hiếm có và những chương trình nghị sự kiên định. Chính Bandaranaike là người đã cắt đứt mọi “dính líu” với Anh, biến Ceylon - lãnh thổ tự trị thuộc Anh thành Cộng hòa Sri Lanka, đưa cái tên này lên bản đồ thế giới. Bà cũng rất biết cách sử dụng cảm xúc và nữ tính của mình để lôi kéo sự ủng hộ. Trước mặt công chúng, không ít lần nhà lãnh đạo cứng rắn đã bật khóc với lời hứa sẽ đi theo chính sách của người chồng quá cố. Điều này đã mang đến biệt danh “góa phụ mít ướt” cho nhà lãnh đạo này.
“Người đàn ông” duy nhất trong nội các
Nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của Bandaranaike bắt đầu từ tháng 7.1960, kéo dài đến năm 1965. Nhiệm kỳ 2 của bà diễn ra từ 1970-1977. Đến 1994, bà lại nắm cương vị lãnh đạo cho đến 2000. Người bổ nhiệm bà trong nhiệm kỳ cuối chính là cô con gái Chandrika Kumaratunga – tổng thống nữ đầu tiên của Sri Lanka. Bà Bandaranaike từ chức chỉ vài tháng trước khi qua đời vào năm 2000.
Bandaranaike đã tạo lập nên cả một triều đại chính trị, dù triều đại đó đã bị những người kế thừa làm xói mòn. Con gái thứ 2 Chandrika Kumaratunga trở thành Tổng thống Sri Lanka, còn con trai duy nhất Anura Bandaranaike là một lãnh đạo chủ chốt của đảng đối lập chính. Bà mẹ hừng hực máu chính trị đã hướng 2 đứa con của mình vào thế đối nghịch trên chính trường rồi ngồi giữa chứng kiến họ chỉ trích, bới móc nhau không thương tiếc.
Một năm sau ngày lên nắm quyền, nữ Thủ tướng buộc phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Cộng đồng Tamil thiểu số đã nổi loạn trước quyết định của bà trong việc bỏ hẳn tiếng Anh và dùng tiếng Sinhala của cộng đồng đa số tại Sri Lanka làm ngôn ngữ chính thức. Người Tamil gọi đây là động thái kỳ thị cố tình đẩy họ ra ngoài vòng pháp luật cũng như cản họ nắm giữ các chức vụ trong chính phủ.
Một vấn đề nhức đầu khác nảy sinh trong thời kỳ cầm quyền của bà là chính sách quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài, khiến Mỹ và Anh nổi giận áp đặt lệnh cấm vận kinh tế lên Sri Lanka. Thế là bà Bandaranaike đưa Sri Lanka xích lại gần Trung Quốc và Liên Xô (cũ), cũng như tích cực đấu tranh cho phong trào không liên kết.
Sau khi đập tan một âm mưu đảo chính, Bandaranaike còn phải đối mặt với một cuộc nổi dậy khiến suýt nữa chính phủ của bà bị lật đổ. Lực lượng quân đội nhỏ bé, chủ yếu mang tính nghi thức của Sri Lanka không tài nào chặn nổi cuộc nổi dậy. Đây là lúc Bandaranaike mang tài ngoại giao ra đối phó. Những người bạn của Sri Landa trong phong trào không liên kết lập tức đổ xô đến giúp đỡ bà. Trong một diễn biến rất hiếm hoi, Ấn Độ và Pakistan - 2 kẻ thù không đội trời chung với nhau - cùng lúc cử quân đội đến Sri Lanka để giúp dập tắt bạo động.
Trải qua những năm đầy sóng gió, Bandaranaike luôn chứng tỏ bản lĩnh thép mà nhiều đồng nghiệp nam phải nể mặt, đến nỗi một cấp dưới của bà phải thốt lên: “Bà ấy là người đàn ông duy nhất trong nội các”.
Một số nữ lãnh đạo nổi bật trong 50 năm qua
Indira Gandhi - Ấn Độ
Bà được nuôi dưỡng dưới sự giám sát cẩn trọng của người cha Jawaharlal Nehru, Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên sau khi giành độc lập từ Anh, và của cả đất nước. Sau khi Indira Gandhi thắng cử vang dội vào tháng 1.1966, tạp chí Time chạy tít ở trang bìa: “Ấn Độ đầy rắc rối đang trong tay một phụ nữ”. Không ngờ đôi bàn tay ấy đã lãnh đạo Ấn Độ trong gần 2 thập niên, trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế, nạn đói kém, lúc Ấn Độ thử quả bom hạt nhân đầu tiên và cuộc chiến tranh với nước
Pakistan láng giềng. Bà là nữ thủ tướng có thời gian cầm quyền dài nhất từ trước đến nay.
Golda Meir - Israel
Một người phụ nữ rắn rỏi, một nhân vật “đáng gờm” trên chính trường Israel. Cao, gầy, thẳng thừng và quyết đoán - người đàn bà này đã cho thế giới thấy một Israel rất ngoan cường. Câu nói nổi tiếng của bà: “Trên đời này có một loại phụ nữ: không để cho chồng mình bó hẹp tầm nhìn”. Sau hàng loạt chức vụ cao cấp trên chính trường, trong đó có bộ trưởng lao động và ngoại trưởng, đến tuổi 70, người đàn bà này vẫn không chịu nghỉ hưu mà “làm ráng” thêm một công việc nữa: Thủ tướng Israel (từ năm 1969 đến 1974).
Margaret Thatcher - Anh quốc
Dễ nổi nóng và thích uống whiskey - đó là nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. Từ một bà nội trợ, Thatcher đã trở thành một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới, cầm quyền từ 1979 đến tận 1990. Bà chính là nữ thủ tướng đầu tiên của Anh quốc và cũng là thủ tướng duy nhất của nước này thắng cử liên tiếp 3 nhiệm kỳ. Bà được xem là nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất ở Anh kể từ thời Winston Churchill.
Corazon Aquino - Philippines
Sau khi người chồng đầy uy tín của mình bị ám sát chết, góa phụ Corazon Aquino gạt nước mắt bước ra chính trường, mau chóng thu phục công chúng. Hình ảnh hàng triệu người đổ ra đường chào mừng sự kiện bà Aquino bước vào dinh Tổng thống Philippines hồi tháng 2.1986 cho thấy người dân ủng hộ bà đến mức nào.Trải qua bao nhiêu âm mưu đảo chính và bao thăng trầm khác, người đàn bà này đã giữ được nền dân chủ mà người chồng của mình đã chết vì nó. Corazon Aquino được tạp chí Time vinh danh là nhân vật tiêu biểu trong năm 1986, trở thành phụ nữ đầu tiên được nhận danh hiệu này kể từ thời nữ hoàng Elizabeth II hồi năm 1952. Con trai bà Benigno Aquni III cũng vừa chính thức nhậm chức tổng thống Philippines hồi tháng trước.
Benazir Bhutto - Pakistan
Benazir Bhutto theo cha bước chân vào chính trị để rồi cả 2 đều chết vì nó. Cha bà, Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto bị tử hình, còn bản thân bà bị ám sát vào năm 2007. Bà Bhutto lãnh đạo Pakistan trong cương vị thủ tướng từ năm 1988 đến 1990, rồi sau đó là giai đoạn 1993 đến 1996. Trong cả 2 lần, bà đều bị tổng thống truất phế vì cáo buộc tham nhũng - điều bà luôn phủ nhận, cho rằng phía sau đó là động cơ chính trị. Chồng bà là ông Asif Ali Zardari hiện đang nắm chức tổng thống Pakistan.
Angela Merkel - Đức
Angela Merkel là một hiện tượng lạ trên chính trường Đức: là thủ tướng đầu tiên có xuất thân từ Đông Đức, là nữ lãnh đạo đầu tiên và cũng là người trẻ nhất. Merkel đã dẫn dắt nước Đức khỏi suy thoái, cùng lúc trở thành một ngôi sao trên chính trường thế giới. Nhân kỷ niệm 100 ngày cầm quyền đầu tiên, một cuộc thăm dò dư luận quy mô lớn đã được thực hiện với kết quả: Merkel là thủ tướng được yêu mến nhất trong lịch sử nước Đức. Tuy nhiên, hiện uy tín của cá nhân bà và chính phủ liên hiệp đang bị đe dọa khi ngày càng có nhiều người bất mãn về cách bà xử lý khủng hoảng tài chính tại châu Âu.
Theo Thanh Niên