Người Haiti đang cố chống chọi với hậu quả động đất
Tại thủ đô Port-au-Prine, những người Haiti giận dữ đã thiết lập rào chắn trên đường bằng xác chết nhằm phản đối việc cứu trợ khẩn cấp bị chậm trễ sau trận động đất kinh hoàng, một nhân chứng cho hay.
Shaul Schwarz, một phóng viên ảnh của tạp chí Time cho biết, đã nhìn thấy ít nhất hai rào chắn bằng thi thể các nạn nhân động đất và đá tảng trên đường phố.
"Họ bắt đầu dựng rào chắn bằng xác chết, mọi việc ở đây trở nên tồi tệ, mọi người chán ngán cảnh không nhận được giúp đỡ", phóng viên này nói với hãng tin Reuters.
Nhiều người Haiti tuyệt vọng nói, đất nước này giờ như rắn mất đầu.
Hôm qua (14-1), người dân Haiti đã biến những con đường đầy gạch vụn và chỗ để xe thành bệnh viện tạm và các trại trú ẩn do không nhận được bất cứ phản ứng đáng chú ý nào từ nhà chức trách Haiti sau trận động đất kinh hoàng hôm 12-1.
Do trận động đất 7 độ richter làm sập dinh Tổng thống, một loạt toà nhà các bộ và trụ sở chính của lực lượng gìn giữ hoà bình Liên Hợp Quốc tại Haiti nên quốc gia này đang đối mặt với một lỗ hổng nguy hiểm về an ninh và lãnh đạo.
Quốc gia nghèo nhất tây bán cầu với 9 triệu dân đã trải qua lịch sử biến động với các cuộc xung đột, bất ổn xã hội, độc tài, một thể chế mỏng manh và bị tàn phá bởi hàng loạt thảm hoạ thiên nhiên.
Nhiều người ở Port-au-Prince đang vật lộn bằng tay không ở những toà nhà bị sập với hy vọng tìm ra người thân. "Hãy nhìn chúng tôi đi. Có ai giúp chúng tôi không? Ngay lúc này, chẳng có ai cả", Jean Malesta, một sinh viên 19 tuổi, người duy nhất sống sót sau khi căn hộ của cô bị sập vì trận động đất, vốn có thể đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người.
Jean và hàng chục người khác trú trong một ngôi lều mà họ dựng lên tại bãi đỗ xe đối diện dinh Tổng thống. Sự yếu kém của nhà lãnh đạo này lẫn một chính phủ thiếu nguồn lực dường như không được chuẩn bị để đối phó với khủng hoảng, giới quan sát nhận định. Bộ máy lãnh đạo Haiti đang bị xáo trộn và rất khó để tìm một quan chức nào đó.
"Tới giờ, họ không mang cho chúng tôi thứ gì. Chúng tôi cần nước, lương thực, nơi trú ẩn, mọi thứ nhưng chúng tôi phải tự kiếm", Jean nói thêm trong tiếng khóc đồng tình của người phụ nữ nằm gần đó.
Nỗ lực cứu trợ quốc tế với quy mô lớn vẫn chưa được khởi động dù nhiều nhóm nhỏ, hầu hết là từ Mỹ, đã mau chóng đưa người tới Haiti bằng máy bay và đường bộ từ nước láng giềng của Haiti là Cộng hoà Dominica.
Người Haiti đã làm hết sức để sống sót trong điều kiện hỗn loạn, không có bất cứ sự lãnh đạo sáng suốt nào, chuyên gia về Mỹ Latinh Dan Erikson thuộc tổ chức cố vấn Đối thoại Mỹ-quốc tế đóng tại Washington nhận xét.
"Sự thật đáng buồn là hiện giờ không ai chịu trách nhiệm về Haiti. Lỗ hổng này, cùng với phản ứng ngay lập tức của chính quyền Obama chắc chắn đã tạo nên một tình huống mà Mỹ sẽ là người ra những quyết định tạm thời ở Haiti.
Theo VNN