Bé gái Vinice Mabansag (nằm cùng mẹ), công dân thứ 8 tỷ của thế giới, chào đời tại Manila, Philippines
Ngày 15-11-2022 đã trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của xã hội loài người khi dân số thế giới chính thức đạt 8 tỷ người.
Dấu mốc 8 tỷ người đạt được 12 năm sau khi dân số toàn cầu chạm ngưỡng 7 tỷ, đã tạo thêm động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, đồng thời cũng mang tới không ít thách thức trên hành trình hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.
Liên hợp quốc khẳng định rằng bằng cách bảo vệ các quyền lợi và lựa chọn của tất cả mọi người, với cột mốc dân số 8 tỷ người, loài người đang nắm giữ chìa khóa giải phóng những tiềm năng không giới hạn của mỗi một cá nhân trên toàn thế giới để cùng giải quyết các thách thức và những vấn đề toàn cầu đang cản trở nhân loại.
Cùng tập hợp, thế giới 8 tỷ người là thế giới với những khả năng và sức mạnh vô hạn để hành động, phát triển và thay đổi.
Theo Quỹ Dân số thế giới (UNFPA) của Liên hợp quốc, dân số 8 tỷ là nguồn lực to lớn để cùng thực hiện những mục tiêu đã đề ra về phát triển con người, bởi đây là nguồn lao động dồi dào và quý báu.
Quy mô dân số lớn đồng nghĩa với quy mô nguồn nhân lực lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công lao động xã hội, tạo ra lực lượng lao động đông đảo, đủ mạnh để thúc đẩy các ngành kinh tế-xã hội phát triển, để mỗi quốc gia thực hiện các mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đặc biệt, thời kỳ "dân số vàng" (dân số có khả năng lao động chiếm tỷ lệ cao) là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển bền vững, bởi nguồn lao động dồi dào sẽ là cơ sở để nâng cao chất lượng dân số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, cơ hội này đã đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua.
Việt Nam cũng đang trong giai đoạn cơ cấu "dân số vàng" với gần 70% dân số trong độ tuổi lao động (khoảng 65 triệu người).
Theo ước tính, đến giai đoạn 2034-2039, con số này sẽ lên đến cực đại, với khoảng 72 triệu người, và đây là dư lợi lớn của dân số vàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Cột mốc 8 tỷ người cũng là thước đo phản ánh sự phát triển của xã hội loài người.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định dân số thế giới cán mốc 8 tỷ chính là minh chứng rõ nét nhất cho những đột phá về khoa học công nghệ, cải tiến về dinh dưỡng, y tế cộng đồng và vệ sinh môi trường.
Bước tiến bộ của khoa học công nghệ và sự phát triển của y học làm gia tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh..., trong khi mức sống cao hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn giúp nhiều quốc gia duy trì được quy mô dân số hợp lý.
Như thông điệp của Giám đốc điều hành UNFPA Natalia Kanem, cột mốc 8 tỷ người là một câu chuyện thành công, khi tỷ lệ người được giáo dục và sống lành mạnh nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đây trong lịch sử và thế giới đã đạt những bước tiến lớn trong nỗ lực giảm nghèo và những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, đi kèm với tăng dân số là không ít thách thức. Trên bình diện quốc tế, dân số 8 tỷ người tạo áp lực đáng kể đối với môi trường, hệ sinh thái, dẫn tới nguy cơ làm cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, tác động tới an ninh lương thực, an ninh nguồn nước...
Trên thực tế, thế giới năm 2022 đang đối mặt với những tác động của đại dịch |COVID-19, các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường..., đe dọa các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và tạo ra những cuộc khủng hoảng mới về lương thực, năng lượng, tài chính...
Những cuộc khủng hoảng này rất có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do gánh nặng dân số.
Đối với mỗi quốc gia, dân số tăng sẽ tạo áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, các phúc lợi và dịch vụ xã hội thiết yếu như y tế, giáo dục, tạo việc làm, chưa kể ngày càng có nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu-nghèo gia tăng.
Theo báo cáo về Triển vọng dân số thế giới năm 2022 của Liên hợp quốc, Ấn Độ nhiều khả năng sẽ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023, trước 4 năm so với ước tính đưa ra năm 2019.
Dự kiến tới năm 2050, hơn một nửa mức gia tăng dân số toàn cầu sẽ tập trung ở 8 quốc gia và Ấn Độ nằm trong số đó (cùng với CHDC Congo, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Pakistan, Philippines và Tanzania).
Liên hợp quốc dự báo Ấn Độ sẽ có 1,668 tỷ dân vào năm 2050, vượt xa con số 1,317 tỷ dân của Trung Quốc vào giữa thế kỷ này. Đây là thách thức lớn về kinh tế, xã hội và môi trường, tác động tới việc bảo đảm chất lượng cuộc sống.
Liên hợp quốc khẳng định dân số là chìa khóa để phát triển bền vững. Bởi vậy, với cột mốc dân số 8 tỷ, có thể nói loài người đang nắm giữ "chìa khóa vàng" để thúc đẩy thế giới hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.
Điều quan trọng nhất là tập trung đầu tư vào con người để có thể vượt qua thách thức, khai thác và phát huy tiềm năng, sức mạnh của 8 tỷ người./.
Theo TTXVN