“Dân vận khéo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ sáu, ngày 23/09/2022
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO)

Người dân làng Chăm cùng chính quyền địa phương ra quân làm công tác dân vận

“Hiệp sĩ làng Chăm”

Ông Trịnh Đình Toan, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Hòa, cho biết trên địa bàn xã Minh Hòa hiện có 7 DTTS đang sinh sống. Nhìn chung, đời sống của các hộ đồng bào DTTS khá ổn định, công việc chủ yếu của các hộ này là làm nông, trồng các loại cây như cao su, điều và các loại cây ngắn ngày. Một số hộ kinh doanh, buôn bán nhỏ ngoài chợ, đa số có đất đai, nhà cửa ổn định, làm giàu chính đáng. Đồng bào DTTS ở đây tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tham gia tích cực vào các phong trào của địa phương, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận (CTDV) ở vùng đồng bào DTTS, những năm qua, Đảng ủy xã Minh Hòa đã ban hành nhiều chủ trương phù hợp, chỉ đạo kiện toàn, củng cố các bộ phận làm CTDV của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Về xã Minh Hòa, chúng tôi được nghe kể nhiều về những “hiệp sĩ” người đồng bào dân tộc Chăm. Nhắc đến “Tổ xung kích làng Chăm”, người dân trong vùng ai nấy đều tấm tắc khen ngợi. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết “Tổ xung kích làng Chăm” được thành lập từ năm 2015, trong những năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân là đồng bào dân tộc của mình, tổ còn phối hợp với lực lượng công an các cấp và các ban ngành, đoàn thể góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực đồng bào Chăm nói riêng, xã Minh Hòa nói chung. Lúc mới thành lập, tổ chỉ có 6 người tham gia, nay đã có 10 thành viên chính thức. Đây có thể được coi là một trong những mô hình “Dân vận khéo”, có sức lan tỏa ở xã Minh Hòa, góp phần động viên, khuyến khích đồng bào DTTS trên địa bàn đoàn kết, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Mô hình “Tổ xung kích làng Chăm” là một mô hình hay của xã Minh Hòa, đáng để các địa phương khác học hỏi nhằm giúp các tổ chức quần chúng tham gia giữ gìn ninh trật tự tại địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

“Dân vận khéo, việc gì cùng thành công”

Từ UBND xã Minh Hòa, chúng tôi đi vào thêm hơn chục cây số nữa để vào ấp Hòa Lộc. Vừa đặt chân đến đầu ấp, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là con đường trồng 2 hàng dài cây phong linh. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Minh Hòa, cây phong linh được trồng trên tuyến đường vào làng Chăm ở ấp Hòa Lộc có chiều dài 3km do cán bộ xã và người dân đồng bào Chăm tham gia trồng.

Trong tiết trời nắng chói chang, những cây phong linh đung đưa theo ngọn gió chiều, xanh tốt hứa hẹn một mùa hoa vàng rực nguyên một con đường. Người dân đồng bào Chăm ở đây háo hức, chờ đợi ngày cây phong linh nở, chờ đợi một con đường thật vàng tươi.

Ông Phạm Văn Hoàng Sang, Trưởng ban Điều hành ấp Hòa Lộc, phấn khởi kể về những đổi thay, về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của người dân đồng bào dân tộc Chăm nơi đây. Ông Sang chia sẻ: “Người dân đồng bào Chăm ở đây bây giờ tiến bộ, văn minh lắm! Họ tham gia rất tích cực vào các phong trào của địa phương, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để toàn dân đoàn kết, tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao, Ban Điều hành ấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức”.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong CTDV, ông Sang cho hay: “Việc kết nối, phát huy vai trò người có uy tín, cụ thể là Giáo cả của đồng bào có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động người dân. Người có uy tín trong đồng bào DTTS được ví như cầu nối giúp gắn kết ý Đảng với lòng dân, họ đã phát huy vai trò của mình trong cộng đồng và đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của Đảng, Nhà nước và các cơ quan trong hệ thống chính trị”.

Trong chuyến đi này, chúng tôi còn được nghe câu chuyện hiến đất để làm văn phòng ấp của bà Thạch Thị Ngọc, người dân tộc Khmer ở ấp Hòa Thành (xã Minh Hòa). Đây cũng là một minh chứng về hiệu quả CTDV trên địa bàn xã. Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, nhưng bà Ngọc đã không ngần ngại hiến hàng trăm m2 đất để chính quyền xây dựng văn phòng ấp. Có sự chung tay của bà Ngọc và nhiều người dân, không chỉ văn phòng ấp mà nhiều con đường mới được xây dựng, giúp bà con thuận lợi giao thương, sinh hoạt, làm cho vùng quê trở nên đổi thay.

Có thể nói, các mô hình, điển hình “dân vận khéo” ở xã Minh Hòa đã tập trung giải quyết nhiều việc mới, việc khó ở cơ sở. Qua đó, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tập hợp sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để nâng cao hiệu quả CTDV ở vùng đồng bào DTTS, những năm qua, Đảng ủy xã Minh Hòa đã ban hành nhiều chủ trương phù hợp, chỉ đạo kiện toàn, củng cố các bộ phận làm CTDV của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội.

HUỲNH THỦY

Từ khóa: