Tính đến thời điểm này, Bến Cát đã hoàn tất công việc triển khai, nghiên cứu quán triệt Nghị quyết Đại hội IX Tỉnh Đảng bộ và Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015. BCH Đảng bộ huyện cũng đã xây dựng xong chương trình hành động các nghị quyết.
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ huyện, trong lĩnh vực kinh tế, Bến Cát đề ra mục tiêu chính xây dựng địa phương thành huyện công nghiệp, kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, Bến Cát phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm từ 21 - 23%, cơ cấu kinh tế công nghiệp chiếm 76%, dịch vụ 19%, nông nghiệp 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, phấn đấu giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 18%; gắn kết chặt chẽ tăng trưởng kinh tế với đấu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường; phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa huyện nhà.
Chủ trương của Bến Cát là kêu gọi đầu tư nhằm lấp đầy các KCN đã quy hoạch
Để đạt được những nhiệm vụ trọng tâm này, Bến Cát đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó trọng tâm là tiếp tục tạo và giữ môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Phát triển công nghiệp theo hướng đa dạng, năng động, hợp lý và hướng mạnh về xuất khẩu. Chú trọng phát triển công nghiệp có hàm lượng kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại có giá trị gia tăng như chế tạo lắp ráp thiết bị, cơ điện, công nghệ thông tin... ở các KCN mới hình thành, tạo nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung đầu tư triển khai nhanh các dự án phát triển mới các KCN Bàu Bàng, An Tây, Cây Trường... tạo ra vùng động lực cho phát triển công nghiệp và đô thị hóa của huyện giai đoạn 2010-2015; đồng thời chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có; khuyến khích đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.
Mặc dù là huyện công nghiệp nhưng nhiệm kỳ qua tốc độ phát triển dịch vụ chưa tương xứng, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chỉ chiếm 5,6% trong cơ cấu kinh tế. Nhiệm kỳ 2010-2015 Bến Cát đề ra mục tiêu phát triển dịch vụ - thương mại 19%. Để đạt được mục tiêu này, Bến Cát vẫn giữ mục tiêu phát triển dịch vụ - thương mại theo hướng đa dạng hóa. Duy trì và phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ sẵn có tại các khu dân cư tập trung; khuyến khích phát triển mạng lưới, đại lý phân phối, hệ thống bán lẻ hàng hóa và hoàn chỉnh hệ thống chợ nông thôn. Tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển và cung ứng các loại hình dịch vụ trọng điểm như tài chánh, ngân hàng, du lịch, thương mại...
Trên lĩnh vực nông nghiệp, Bến Cát cũng tập trung nhiều giải pháp đầu tư phát triển Nông nghiệp theo hướng công nghiệp cao; xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa song song với mô hình nông nghiệp sinh thái đô thị tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường thời kỳ hội nhập; đẩy nhanh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, triển khai thí điểm và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, hiện đại như công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất sạch để người dân có điều kiện tiếp cận ứng dụng vào sản xuất, nhất là khâu chọn cây và con giống tốt chất lượng cao phù hợp với quy hoạch của địa phương. Để hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp, giai đoạn tới, Bến Cát cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư liên kết, hợp tác sản xuất nông nghiệp, chú trọng các loại hình kinh tế tập thể và kinh tế trang trại.
Bên cạnh những giải pháp đưa nhiệm vụ kinh tế vào cuộc sống, hàng loạt các giải pháp tập trung giải quyết tốt và kết hợp hài hòa kinh tế với văn hóa - xã hội cũng được Bến Cát triển khai. Mục tiêu chính tạo chuyển biến cơ bản về phát triển giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng các thiết chế về văn hóa; giải quyết tốt các chính sách xã hội và an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần; tiếp tục thực hiện tốt chủ trương giảm nghèo, giải quyết việc làm, đào tạo nghề và bảo trợ xã hội, phấn đấu đến năm 2015 có 60 - 70% lao động ở Bến Cát có tay nghề và giải quyết việc làm từ 10.000 - 15.000 lao động. Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa đào tạo nghề nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho lĩnh vực này...
Để hiện thực hóa các chỉ tiêu, nghị quyết, BCH Đảng bộ huyện cũng đang khẩn trương tiến hành xây dựng 6 đề án có tính chất chiến lược: Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; đề án nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh; xây dựng nông thôn mới Bến Cát năm 2010-2015, định hướng năm 2020; nâng cao chất lượng công tác chỉnh trang đô thị; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị và đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chánh. Ngoài ra 7 chương trình hành động trọng tâm mang tính đột phá để thống nhất trong chỉ đạo và điều hành đang được khẩn trương xây dựng. Đó là các chương trình hành động phát triển công nghiệp nhanh và bền vững; phát triển các ngành dịch vụ cao cấp gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị; đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đầu tư xây dựng mới trung tâm hành chính gắn với phát triển trung tâm đô thị Mỹ Phước; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xử lý rác thải và bảo vệ môi trường trong quá trình công nghiệp hóa và chương trình bảo đảm an ninh trật tự tại các khu công nghiệp và an ninh trật tự nông thôn đô thị...
HÒA NHÂN