Đảng bộ xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên: “Làm cái gì dân cần, làm cái gì dân muốn… ”
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Từ xuất phát điểm của một địa phương còn gặp nhiều khó khăn khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), nhưng với sự quyết tâm và đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã Bình Mỹ đã tạo ra bước đột phá trong xây dựng NTM. Bài học về sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân của xã Bình Mỹ trong xây dựng NTM cần được phát huy.
Từ sự đóng góp của nhân dân, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Bình Mỹ đã được bê tông hóa, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân.
Ảnh: T.BÌNH
Lấy sức dân lo cho dân
Trong các bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, đường giao thông nông thôn (GTNT) được coi là khó nhất, nhưng những năm qua xã Bình Mỹ lại thực hiện rất tốt tiêu chí này. Xuất phát điểm thấp, kinh tế chưa phát triển, hạ tầng kém nhưng Bình Mỹ đã tận dụng sức dân để làm lợi cho dân bằng cách huy động nhân dân đóng góp công sức, tiền của làm đường GTNT.
Điển hình tại ấp Chòi Dúng, người dân đã đoàn kết đóng góp đất, ngày công, tiền của để làm đường. Bà Nguyễn Thị Cương, Bí thư Chi bộ ấp chia sẻ: “Lúc đầu vận động dân rất khó, Ban điều hành giải thích cho dân hiểu, đồng thời dự toán kinh phí chi tiết từng công đoạn để dân bàn bạc và quyết định. Vừa tham gia thi công, vừa giám sát công trình nên người dân thấy công khai, minh bạch và tin tưởng”. 5 năm qua (2011-2015), 5 tổ với gần 300 hộ đã góp công sức và hơn 180 triệu đồng đổ bê tông, cứng hóa 6 tuyến đường xương cá dài gần 4km. Nhiều hộ khá giả hưởng ứng bằng cách ủng hộ thêm tiền. Ngoài ra người dân trong ấp còn tự nguyện đóng góp trên 70 triệu đồng để lắp đặt đèn đường chiếu sáng góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Lê Đình Quang, Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ, cho biết hệ thống giao thông của xã chủ yếu là đường đất đỏ và đường sỏi đỏ nhưng đã xuống cấp, gây khó khăn cho người dân. Sau khi có chủ trương xây dựng NTM giai đoạn 2, Đảng ủy, chính quyền đã chỉ đạo các hội, đoàn thể và Ban điều hành các ấp thành lập Ban dân vận, Ban phát triển NTM cho 5 ấp; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân hiểu và sẵn sàng góp sức làm đường. Đến nay, xã đã hoàn thành 17,5km đường bê tông và nhựa hóa 2 tuyến dài 12,7km với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Đặc biệt, trong 58 tuyến đường ngõ hẻm vào xóm khu dân cư dài hơn 18km, xã đã vận động người dân góp tiền và ngày công được gần 2,5 tỷ đồng, làm được 1,8km đường bê tông xi măng (rộng 3m, dày 0,1m) tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho người dân...
“Tư duy phải xuất phát từ cái chung”
Theo ông Lê Đình Quang, để thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM, địa phương đã biết kế thừa và phát huy rất nhiều bài học kinh nghiệm thành công từ các chương trình mục tiêu, các phong trào vận động quần chúng trước đây để vận dụng, sáng tạo vào xây dựng NTM; trong đó bài học xuyên suốt là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quyết định đóng góp và hưởng thụ”.
“Trong quá trình chỉ đạo, Đảng bộ, chính quyền xã phải bàn cái gì dân cần, làm cái gì dân muốn. Mọi tư duy phải xuất phát từ cái chung, vì dân, không vì lợi ích cá nhân ai thì mới có hiệu quả bền vững, từ đó mới khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, là nhân tố quyết định thành công của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM”, ông Quang nói.
Cùng với đó, Đảng bộ, chính quyền, các ngành, đoàn thể chính trị xã hội đã xác định phải đồng lòng, đồng sức đoàn kết, quyết tâm xây dựng phong trào vững mạnh toàn diện; với những tiêu chí khó, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo cấp trên bằng cả tinh thần và vật chất cũng như cơ chế, chính sách; cần có đội ngũ cán bộ đoàn kết, năng động, hành động quyết liệt bằng cả tấm lòng, tâm huyết với quê hương, trách nhiệm với phong trào. Bởi vì có những thời điểm, xã còn cần cả sự hy sinh quyền lợi của những người đi đầu khi hiến đất làm đường và các công trình phúc lợi.
Tuy đã được công nhận là xã đạt chuẩn NTM, song theo ông Lê Đình Quang, không vì thế mà xã chủ quan. Đảng bộ, chính quyền xã luôn xác định, xây dựng thành công xã NTM đã khó, giữ vững xã NTM càng khó khăn hơn. Từ nhận thức đó, xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số giải pháp cụ thể, như: Tiếp tục tuyên truyền để cán bộ và nhân dân trong xã nhận thức sâu hơn về ý thức, trách nhiệm của quê hương khi xây dựng NTM, từ đó quyết tâm phấn đấu xây dựng nông thôn bền vững, đời sống dân chủ, ấm no, văn minh; tiếp tục rà soát các tiêu chí còn đạt thấp, xây dựng kế hoạch tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Xã luôn chú trọng tạo điều kiện để phát triển ngành nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, xã luôn xác định phải huy động sức dân gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng NTM.
Trước khi xây dựng NTM, xã Bình Mỹ chưa có hợp tác xã hay tổ hợp tác, chủ yếu phát triển kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún. Hiện xã đã hoàn thành tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất với 3 tổ hợp tác chăn nuôi, 1 tổ hợp tác giết mổ gia cầm. Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, các hộ dân đã phát huy lợi thế trong sản xuất, kinh doanh và mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Hiện 2 tổ hợp tác chăn nuôi bồ câu và nuôi nhím có 8 thành viên, đang nuôi hơn 3.000 con bồ câu; 100 con nhím với tổng số vốn 260 triệu đồng; 7 tháng đầu năm cho lợi nhuận gần 100 triệu đồng; còn tổ hợp tác giết mổ gia cầm có 7 thành viên, đang hoạt động hiệu quả với số vốn 2 tỷ đồng, cho lợi nhuận 455 triệu đồng... Qua đó, đã góp phần giảm hết hộ nghèo, chỉ còn 20 hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, hiện là 43,17 triệu đồng/người/năm.
TÂM BÌNH