Khi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA, hay còn được biết đến là thỏa thuận hạt nhân Iran) được ký kết vào năm 2015, thỏa thuận này nhanh chóng được coi là thành công đầu tiên trong ngoại giao toàn cầu của Liên minh châu Âu (EU).
Châu Âu đã nỗ lực duy trì thỏa thuận này, ngay cả khi cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hồi năm 2018. Có thể thấy, ngay từ khi được ký kết, châu Âu luôn kiên quyết ủng hộ JCPOA và cuộc chiến ở Ukraine chỉ càng củng cố thêm quyết tâm đó. Vậy động lực nào đã thúc đẩy châu Âu quyết tâm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran?
Trong khoảng một năm qua, Iran và các nước gồm Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc đã tham gia đàm phán trực tiếp tại Vienna (Áo) nhằm khôi phục thỏa thuận lịch sử. Mỹ tham gia gián tiếp thông qua vai trò điều phối của EU. Mục đích chính của các vòng đàm phán tại Vienna là để đưa Mỹ và Iran trở lại thỏa thuận. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng khi Mỹ và Iran liên tục đổ lỗi cho nhau gây đình trệ. Hồi đầu tháng 5, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết ông đang tìm kiếm giải pháp để chấm dứt thế bế tắc hiện nay, vốn đe dọa hủy hoại những nỗ lực ngoại giao của châu Âu hơn một năm qua để đạt được thỏa thuận hồi sinh JCPOA.
Vòng đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vienna, Áo ngày 9-12-2021.
Châu Âu luôn lo ngại rằng chương trình hạt nhân mở rộng của Iran gây ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân. Sau khi Nga có hành động quân sự với Ukraine và Moscow phải tận dụng khả năng hạt nhân của mình để kiềm chế các chính sách của phương Tây nhằm bảo vệ Ukraine, người dân châu Âu càng tin rằng bằng mọi giá phải tránh kịch bản Iran được trang bị vũ khí hạt nhân. Mặc dù JCPOA luôn là một thỏa thuận không hoàn hảo nhưng thỏa thuận này đã giúp cắt giảm khả năng hạt nhân của Iran.
Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), sau khi JCPOA được ký kết, Iran đã chuyển 98% urani được làm giàu ra khỏi lãnh thổ nước này, giới hạn mức độ làm giàu urani ở 3,67%, loại bỏ 2/3 số máy ly tâm đã lắp đặt, đồng ý chuyển đổi nhà máy làm giàu urani Fordow thành một cơ sở nghiên cứu và thiết kế lại lò phản ứng nước nặng Arak. Các thanh sát viên của IAEA, những người có khả năng tiếp cận hợp lý các cơ sở hạt nhân của Iran, luôn khẳng định rằng Tehran tuân thủ JCPOA.
Ngoài ra, JCPOA cung cấp một nền tảng để giải quyết căng thẳng và các mối đe dọa bằng con đường ngoại giao thay vì quân sự. Châu Âu từ lâu đã muốn tránh một kịch bản trong đó Mỹ, Israel hoặc cả hai sẽ tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào đất nước 80 triệu dân, nằm ở ngã tư giữa châu Á và châu Âu này. Điều này càng trở nên phù hợp hơn sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan, vì sự sụp đổ tiềm tàng của Iran sẽ tạo ra một vòng cung bất ổn, trực tiếp nối Afghanistan với Địa Trung Hải thông qua Iraq và Syria. Một vòng cung như vậy có thể trở thành hành lang trung chuyển thuận lợi cho tội phạm, các phần tử thánh chiến và nhiều mối đe dọa khác.
Một lý do khác đằng sau việc EU bảo vệ JCPOA có liên quan đến niềm tin cốt lõi vào giá trị của việc duy trì một hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ - hệ thống vận hành của chính EU, hệ thống mà châu Âu tin rằng đang bị tấn công bởi các cường quốc đối địch như Nga và Trung Quốc. Đối với châu Âu, đối lập với hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ là tình trạng vô chính phủ, điều chắc chắn sẽ dẫn đến bạo lực và bất ổn. Ngược lại, như đã thấy khi JCPOA bị đình trệ trong giai đoạn 2018-2021, sự sụp đổ của thỏa thuận này sẽ đẩy Iran vào quan hệ đối tác chiến lược với Nga và Trung Quốc. Vì lý do tương tự, châu Âu ủng hộ mạnh mẽ các cuộc đàm phán tiếp theo nhằm giảm leo thang trong khu vực và kiểm soát vũ khí, sẽ được tổ chức sau khi JCPOA được ký kết và được đưa vào các tuyên bố cam kết chính trị.
Cuối cùng, châu Âu đã nhận thấy giá trị kinh tế trong quan hệ với Iran sau khi JCPOA được ký kết. Nhìn vào dữ liệu do Eurostat tổng hợp trong giai đoạn 24 tháng sau khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng vào năm 2016, xuất khẩu hằng tháng của EU sang Iran tăng 47%, trong khi nhập khẩu của EU từ Iran tăng 560%, nhờ vào việc mua dầu của Iran, bao gồm cả dầu thô. Vào thời điểm đó, các công ty châu Âu nhận thức sâu sắc về các cơ hội do việc giảm trừng phạt mang lại khi xét tới quy mô của thị trường Iran và chủ động tiến hành các thỏa thuận đầu tư trong các lĩnh vực khác nhau bao gồm năng lượng, sản xuất, công nghiệp hóa chất và dược phẩm và cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, sau đó các công ty và nhà đầu tư châu Âu - những người bị mất vốn và các cơ hội do hậu quả của các lệnh trừng phạt của Mỹ dưới thời ông Trump - trở nên do dự hơn trong việc hợp tác làm ăn với Iran. Dù vậy, xung đột Nga-Ukraine đã tác động nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của EU và khiến châu Âu đi đến quyết định không thể đảo ngược là đa dạng hóa, không để phụ thuộc vào dầu khí của Nga.
Các nhà sản xuất dầu và khí đốt khác, đặc biệt là các đối thủ của Iran ở Vùng Vịnh, đã do dự trong việc đẩy mạnh sản xuất và hỗ trợ an ninh năng lượng của châu Âu. Điều này củng cố những tiếng nói trong châu Âu khuyến khích các quốc gia thành viên EU xem Iran như một đối tác tiềm năng, cùng với các đối tác khác, nhằm đạt được an ninh năng lượng và thị trường năng lượng ổn định hơn. Các công ty châu Âu đã phải rút những khoản đầu tư khỏi lĩnh vực năng lượng của Nga sẽ xem xét nghiêm túc việc chuyển hướng nguồn vốn đó sang Iran, để đẩy nhanh quá trình đổi mới đang rất cần thiết đối với ngành năng lượng của Tehran.
Với tất cả những lý do trên, người châu Âu vẫn quan tâm đến việc duy trì các cuộc đàm phán JCPOA bất chấp việc phải đối mặt với nhiều rào cản. Quả thực, nếu các cuộc đàm phán hoàn toàn sụp đổ, người châu Âu vẫn sẽ không từ bỏ những ưu tiên này, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng và sẽ điều chỉnh lập trường cho phù hợp.
Theo TTXVN