Đằng sau việc Nga mua vũ khí của châu Âu

Cập nhật: 12-01-2010 | 00:00:00

 Việc Moscow đánh tiếng mua khí tài quân sự của các công ty châu Âu không chỉ vấp phải những tiếng phản đối ở chính nước Nga mà còn cả từ các nước láng giềng lân cận.

 

Khi giới lãnh đạo Nga lần đầu tiên tỏ ý quan tâm đến việc mua các tàu vận tải thuỷ bộ từ Hà Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Eimert van Middelkoop nói ông cảm thấy "ngạc nhiên". Tại sao một trong những cường quốc quốc phòng vĩ đại nhất thế giới, nhà sản xuất các thiết bị quân sự lừng danh, đáng kính trọng và đáng sợ, lại muốn mua khí tài quân sự từ một nước khác?

 

Công ty chế tạo tàu hải quân Damen Schelde của Hà Lan không phải là doanh nghiệp phương Tây duy nhất mà Moscow đánh tiếng trong vài tháng trở lại đây. Moscow cũng đã liên hệ với xưởng đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha và hãng sản xuất DCNS của Pháp. Tàu chiến Mistral của DCNS đã trở thành chủ đề của các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp François Fillon hồi cuối tháng 11 vừa qua.

 

Các kế hoạch dường như đã dấy lên cuộc tranh cãi nào đó trong giới quân sự và chính trị Nga, với việc nhiều nhân vật thuộc tầng lớp ưu tú công khai lên tiếng rằng đất nước họ không cần mua trang thiết bị quân sự từ nước ngoài. Đô đốc Valentin Selivanov, cựu Tham mưu trưởng lực lượng Hải quân chủ lực, đã gọi những dự định này là "hoàn toàn vô nghĩa".

 

Phó Thủ tướng Nga Igor Sechin lại khẳng định, tập đoàn đóng tàu United Shipbuilding Corporation của nước này có thể chế tạo một con tàu với khả năng tương đương Mistral. Chủ tịch Viện Khoa học quân sự, Tướng Lục quân Makhmut Gareev cũng nhấn mạnh, Nga "cần phải là một nước tự cung tự cấp ... Chúng ta sẽ thấy bản thân trong thế phụ thuộc đôi chút vào NATO và đặc biệt là Pháp. Chúng ta sẽ phải mua các bộ phận dự trữ, tạo ra một hệ thống hậu cần dựa trên các tiêu chuẩn của phương Tây ... Điều này, nói một cách nhẹ nhàng, không tốt đối với nền an ninh quốc gia".

 

Yếu kém của ngành công nghiệp quốc phòng Nga

 

Ngay cả khi không có hợp đồng nào được kí kết, sự thật rằng Nga đang cân nhắc nghiêm túc việc mua một tàu quân sự từ các cựu đối thủ thuộc NATO đã cho thấy nhiều điều về tình trạng nghèo nàn của các cơ sở sản xuất trong nước. Nhưng quan trọng hơn, đó là một dấu hiệu của việc châu Âu sẵn sàng giúp Nga hiện đại hoá quân đội tới mức nào - thậm chí với cái giá sinh mệnh của các đồng minh NATO cũ trên biên giới Nga.

 

Ngành công nghiệp quốc phòng của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh đã bước sang giai đoạn lạc hậu, kém hiệu quả và bị các đối thủ chính yếu vượt mặt. Xét ví dụ tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Bulava, vốn đang được phát triển để thay thế loại vũ khí thời Liên Xô. Cho tới hiện tại, loại tên lửa này đã thất bại trong 7 trên tổng số 12 lần thử nghiệm. Một số người trong lực lượng Hải quân Nga đổ lỗi những sai sót trong khâu sản xuất cho việc đầu tư ít vào ngành công nghiệp quốc phòng.

 

Củng cố lĩnh vực chủ chốt này của nền kinh tế đã là một ưu tiên hàng đầu của cựu Tổng thống Nga Putin và người kế nhiệm Dmitry Medvedev - người đã tiêu tốn hàng tỉ Rúp vào các chương trình hiện đại hoá. Việc mua tàu chiến của một quốc gia khác sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho thấy, chính sách này đang được xúc tiến quá chậm chạp hoặc thậm chí đã thất bại như Tổng thống đương nhiệm Medvedev từng công khai thừa nhận.

 

"Thật không may, chính sách ’bịt các lỗ hổng’ vẫn đang được thực hiện và nói một cách thẳng thắn, ngành công nghiệp quốc phòng vẫn chưa đạt được mục tiêu nâng cấp công nghệ tới những tiêu chuẩn mới nhất. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng các sản phẩm được phân bổ tới các lực lượng vũ trang của chúng ta và tới các thị trường nước ngoài ... Đây là một vấn đề sống còn", ông Medvedev phát biểu trước đám đông các nhà tư bản công nghiệp quốc phòng hồi tháng 10 năm ngoái.

 

Trong thực tế, Nga đã kí kết nhiều hợp đồng với nước ngoài nhằm giúp giải quyết các vấn đề của ngành công nghiệp quốc phòng nội địa. Ví dụ như DCNS từ lâu đã có một mối quan hệ gần gũi với Nga. André Cherrière, người đứng đầu công ty của Pháp này, từng tiết lộ hồi đầu năm 2008 rằng "việc phát triển mối quan hệ với các đối tác Nga là một ưu tiên cho quá trình nghiên cứu và phát triển ... Trong khoảng thời gian dài hơn, đó là một tiềm năng thực sự".

 

Nga cũng thiết lập các quan hệ đối tác với hai công ty khác của Pháp là Thales và Safran nhằm tập trung nâng cao lĩnh vực "công nghệ cao" của nước này. Một nửa số chiến đấu cơ Sukhoi của Nga bán trên thị trường thế giới được trang bị thành tựu khoa học điện tử ứng dụng vào hàng không của Thales.

 

Cải thiện quan hệ Nga - phương Tây

 

Đây sẽ không phải là lần đầu tiên Moscow mua trang thiết bị của nước ngoài. Năm ngoái, họ đã thu mua các máy bay không người lái của Israel để nghiên cứu cải tiến những mẫu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, hợp đồng đó chỉ ở quy mô nhỏ và sẽ không đáng kể so với thoả thuận mua tàu loại Mistral của Pháp. Một thoả thuận như vậy giữa Nga với một quốc gia thành viên NATO sẽ có các tác động chính trị đáng kể.

 

Rõ ràng nhất là, nó sẽ cho thấy sự nổi bật của mối quan hệ ngày càng bình thường hoá giữa Nga với phần còn lại của châu Âu - một trong những mục tiêu chính sách đối ngoại trọng yếu của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Các cuộc gặp gỡ của Hội đồng NATO - Nga đã được khôi phục, tiếp sau sự đình hoãn do cuộc xung đột Nga - Grudia hồi tháng 8/2008.

 

Các cựu địch thủ đang lên kế hoạch cùng xem xét các thách thức của tương lai và chờ đợi hợp tác trong hoạt động chống buôn bán ma tuý và thiết lập hệ thống hoạch định chính sách khẩn cấp chung. Nga là một đối tác quan trọng trong cuộc chiến Afghanistan, cho phép binh sĩ và trang thiết bị của NATO đi qua lãnh thổ nước này để tới vùng chiến sự. Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thậm chí từng yêu cầu Nga cung cấp các trực thăng cho liên quân dù đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

 

Dù sẽ thật lố bịch khi miêu tả hai bên như những người bạn thân thiết nhưng việc nối lại tình hữu nghị song phương đang tiến triển. Trong bầu không khí này, đối với các chính phủ châu Âu, việc từ chối một yêu cầu của Nga về vũ khí thực sự còn lạ lẫm hơn việc chấp nhận nó.

 

Thủ tướng Pháp Fillon từng tuyên bố: "Sẽ không thể kêu gọi sự ổn định cho châu lục trong quan hệ cộng tác với Nga nếu chúng ta từ chối bán vũ khí cho họ. Một sự từ chối sẽ dẫn tới việc đi ngược lại lời diễn thuyết của chính chúng ta".

 

Nghi ngại

 

Tuy nhiên, một số khác, cụ thể là các quốc gia láng giềng trong tầm bắn xa của Nga, lại mong mỏi điều ngược lại. Một tàu chở trực thăng giống như Mistral khiến Nga trở nên nguy hiểm hơn nhiều đối với các nước lân cận như Grudia và Estonia - những quốc gia hiện đã cảm nhận được sự gây hấn tiếp tục từ chế độ Putin. Người đứng đầu Hải quân Nga - Đô đốc Vladimir Vysotsky từng nhấn mạnh rằng, nếu lực lượng của ông sở hữu một chiếc Mistral trong cuộc chiến với Grudia cách đây gần 2 năm thì các binh sĩ đã có thể đổ bộ vào bờ biển Grudia chỉ trong 40 phút thay vì 26 tiếng đồng hồ như thực tế.

 

"Điểm đến duy nhất của loại tàu này là Hắc hải. Hậu quả có thể mang tính tàn phá ... Chúng tôi vô cùng lo lắng", Ngoại trưởng Grudia Grigol Vashadze cho biết.

 

"Nếu người Pháp cuối cùng cũng bán con tàu đó, chúng ta nên cân nhắc các biện pháp an ninh phòng trường hợp nó được triển khai ở biển Baltic", Tướng Ants Laaneots, Tổng tư lệnh các lực lượng quốc phòng Estonia, phát biểu trên một kênh truyền hình nước này hồi tháng 11-2009.

 

Tuy nhiên, những phản đối này dường như khó có khả năng gây ảnh hưởng trong trụ sở các chính phủ châu Âu. Tham vọng gia nhập NATO của Grudia có vẻ đã tan biến trong năm qua, bất chấp sự nhấn mạnh điều ngược lại từ Rasmussen và các lãnh đạo liên minh khác. Ngay cả các nước thành viên NATO như Estonia cũng cảm thấy ảnh hưởng của họ bắt đầu suy yếu khi phương Tây và đặc biệt là Washington cùng nỗ lực tăng cường quan hệ với Nga.

 

"Hiện đã xuất hiện quan ngại trong các quốc gia Đông và Trung Âu rằng NATO đang không đánh giá cao họ với mức độ nghiêm túc cần có", Tomas Valasek, người phụ trách chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Trung tâm cải cách châu Âu nhận định.

 

Điều này không có khả năng tác động đến kết quả của các cuộc đàm phán hiện tại. Việc bán những tàu chiến lớn cho Nga rõ ràng sẽ là một món lợi tài chính quan trọng đối với các nước châu Âu. Các tàu loại Mistral trị giá 400 triệu Euro mỗi chiếc. Thêm vào đó, một hợp đồng được kí kết sẽ mang lại các việc làm và hỗ trợ ngành công nghiệp tại địa phương. Vì vậy, một thoả thuận với Moscow chắc chắn sẽ vượt qua được những tiếng la ó phản đối ở Amsterdam, Paris và Madrid.

 

Liệu việc mua bán này có đồng thời là một món hời chính trị hay không, là một câu hỏi phức tạp hơn. Cho tới khi có những dấu hiệu sáng tỏ hơn về việc thoả thuận mua bán sẽ được thực hiện, có thể quá sớm để nói nó sẽ được nhìn nhận như thế nào ở Tây Âu. Các lãnh đạo cộng đồng người Grudia ở Pháp đã phát động chiến dịch kêu gọi công chúng phản đối các dự án. Tuy nhiên, khi không còn giải pháp dễ dàng nào khác, triển vọng về tăng cường quan hệ với nước sản xuất dầu mỏ, cung cấp khí đốt hùng mạnh như Nga có thể được đặt lên trên việc làm buồn lòng các đồng minh từng thuộc Liên Xô cũ, còn ngờ vực của NATO .

 

(Theo VNN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=364
Quay lên trên