Nhiều nhà chuyên môn cảnh báo các loại trái cây được tẩm nhúng hóa chất công nghiệp để tươi lâu cả tháng có thể gây hại cho người dùng
Trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc được giữ tươi rất lâu Cách nay vài năm, thông tin về nhiều loại trái cây Trung Quốc (TQ) tẩm ướp hóa chất để làm tươi lâu đã gây hoang mang dư luận. Gần đây, tình trạng này đang có dấu hiện bùng phát cả với các loại trái cây nhập khẩu lẫn hàng trong nước. Đã có ý kiến phản ánh của người tiêu dùng đến cơ quan báo chí về tình trạng mua trái cây chưng Tết nhưng đến nay vẫn còn tươi nguyên.
Để cả tháng không hư
Chợ đầu mối Thủ Đức (TPHCM) hằng ngày có đến 300 tấn trái cây TQ (gồm lê, táo, nho, cam, quýt, hồng, đào, lựu…) nhập về. Tại chợ đầu mối Hóc Môn - TPHCM cũng có cả trăm tấn trái cây TQ nhập về mỗi ngày… Khi trái cây TQ ra chợ lẻ, vào siêu thị, cửa hàng hay các điểm bán dọc đường đều được người bán giới thiệu là của Mỹ, Pháp, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Chile… Thế là người tiêu dùng tin tưởng và lại tiếp tục mua hàng TQ về dùng vô tư. Trái cây TQ không chỉ tiêu thụ ở các TP lớn mà còn len lỏi về vùng nông thôn.
Thời gian gần đây, trên thị trường trong nước còn xuất hiện cả loại trái cây “đểu”, bề ngoài chín vàng nhưng ruột còn non, ăn không được. Chuối có màu vàng tươi rất đẹp nhưng ruột vừa nhạt vừa sượng; sầu riêng cũng có mùi thơm thoang thoảng nhưng phần cơm bên trong thì lạt nhách và nhão nhoẹt… Nhiều người kinh doanh trái cây lâu năm tiết lộ: “Loại trái cây “đểu” này là do thương lái “cấy” hóa chất vào bên trong hoặc ngâm để ép chín chỉ sau một vài ngày”.
Theo các nhà chuyên môn: Để bảo quản trái cây, người ta có thể sử dụng sáp, màng nhựa bao bọc nhằm ngăn chặn quá trình chuyển hóa giúp tươi lâu hơn. Đồng thời, người ta cũng có thể dùng các loại hóa chất chống mốc, diệt nấm, thậm chí sử dụng cả các chất độc hại dùng trong công nghiệp để phun hoặc ngâm trái cây. Các loại hóa chất độc hại này khi được dùng tẩm ướp trái cây sẽ ngấm qua lớp vỏ để xâm nhập bên trong ruột.
Thạc sĩ Đỗ Minh Hiền, Phòng Công nghệ sau thu hoạch Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, cho biết người ta còn sử dụng cả hóa chất khai hoang, diệt cỏ (chất 2,4D) để bảo quản trái cây. Đây là loại hóa chất rất nguy hiểm, khi xâm nhập cơ thể con người sẽ gây nhiều chứng bệnh ung thư khó lường. Theo TS Phạm Thành Quân, Trưởng Khoa Kỹ thuật Hóa học Trường Đại học Bách khoa TPHCM, rất nhiều loại hóa chất độc hại có thể dùng để bảo quản trái cây, trong đó loại gốc clo, peroxít không mùi, không vị, không màu thường được sử dụng vì người tiêu dùng không thể nào nhận biết được.
Quản lý “bó tay”?
Một cán bộ Sở Y tế TPHCM thừa nhận thực trạng ngâm tẩm hóa chất độc hại để bảo quản trái cây đã diễn ra lâu nay và cơ quan y tế cũng đã nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng “lực bất tòng tâm” vì không có phương tiện để truy tìm tận gốc những chất độc hại. Cũng theo vị này, chỉ riêng kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu cũng chỉ tìm được 20-30 loại chứ chưa thể phát hiện được hết hàng trăm loại có trong danh mục cho phép sử dụng. Các hóa chất bảo quản (diệt nấm, chống mốc…) cũng có hàng trăm loại khác nhau. Vị này giải thích: Chi phí kiểm nghiệm để tìm ra một chất thường rất cao (từ 3-4 triệu đồng) nên cơ quan chức năng ngại kiểm tra nhiều (chỉ làm tượng trưng) vì không có đủ kinh phí…
Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TPHCM, cho biết chi cục lâu nay chủ yếu kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu trên rau củ quả; còn kiểm tra, kiểm nghiệm chất bảo quản thì gần như “bó tay”. Theo ông Tiến, trước đây chi cục đã lấy mẫu trái cây TQ để kiểm nghiệm nhưng do thiết bị còn hạn chế nên chưa tìm ra được các chất bảo quản độc hại. Để kiểm tra những chất này cần phải có máy móc thiết bị hiện đại hơn.
Dùng cả chất ướp xác
Phần lớn các điểm bán hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 6 - TPHCM) hiện nay đều có bán các loại hóa chất bảo quản, làm chín trái cây với giá khá rẻ. Tại một điểm bán hóa chất ở chợ này, người bán cho biết: “Những loại hóa chất bảo quản trái cây bán rất chạy. Mối lái ra đây lấy hàng nhiều lắm. Tẩm hóa chất này, trái cây để đến vài tháng cũng không hề hấn gì. Trái cây nhúng loại hóa chất này nếu hư thối trong vòng một, hai tháng mang ra đây tôi đền tiền gấp đôi”.
Quan sát các loại hóa chất này, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều không có nhãn mác. Dạng nước có giá từ 15.000 - 32.000 đồng/kg, dạng bột 100.000 - 300.000 đồng/kg. Một số người bán còn tiết lộ cả chất phoóc- môn (dùng để ướp xác) cũng có công hiệu bảo quản trái cây rất tốt. “Xài các loại hóa chất này không chỉ giữ trái cây lâu hư mà còn có tác dụng làm cho trái căng mọng, bóng láng, trông rất bắt mắt”- một người bán tiếp thị.
Không dùng trái cây bất thường
Theo kinh nghiệm hơn 30 năm buôn bán trái cây, bà Bùi Thị Tám ở TPHCM lưu ý: Khi chọn mua trái cây, nên chú ý đến màu sắc tự nhiên của từng loại (mỗi loại có màu sắc riêng), không nên chọn màu sắc khác thường. Không nên chọn loại trái cây có kích thước quá to một cách bất thường. Nên chọn trái cây mà vỏ còn có lớp phấn mỏng tự nhiên (loại có lớp vỏ bóng láng bất thường không nên chọn), có mùi thơm đặc trưng. Nếu phát hiện có mùi lạ, coi chừng trái cây đã bị tẩm hóa chất.
Theo NLĐ