Trong quá trình 6 năm công tác tại trường THPT Bàu Bàng, thầy giáo trẻ Đặng Tuấn Duy luôn trăn trở đổi mới phương pháp giáo dục tích cực, hiệu quả hơn. Chính vì vậy, anh không ngừng tìm tòi những phương pháp giáo dục tích cực vừa phù hợp với nội dung bài giảng, vừa bảo đảm hiệu quả học tập của học sinh (HS).
Đổi mới phương pháp dạy
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, năm 2015, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, trường Đại học Thủ Dầu Một và có một năm trải nghiệm công việc ngoài chuyên môn, anh Đặng Tuấn Duy đã về quê hương phục vụ địa phương với sự nghiệp “trồng người”. Những ngày đầu đứng lớp không khỏi khiến thầy có nhiều bỡ ngỡ cũng như nhiều kỷ niệm đáng nhớ, đặc biệt là khoảng thời gian làm chủ nhiệm các lớp HS cá biệt, nhưng khi thấy được thành quả của giáo dục, thành tích của lớp ngày một tốt hơn, các em từ một lớp HS chưa ngoan, đã nỗ lực vươn lên đứng trong tốp các lớp thi đua hàng đầu của khối, đã khiến thầy càng yêu nghề và quyết tâm gắn bó với nghề.
Trong suốt quá trình công tác, thầy Đặng Tuấn Duy luôn trăn trở về phương pháp giáo dục tích cực, hiệu quả cho HS
“Bản thân người thầy phải có nguyên tắc nhưng cũng phải khéo léo trong quá trình tìm hiểu đặc điểm lớp học, hoàn cảnh của HS để có thể đề ra giải pháp phù hợp. Đặc biệt, trong quá trình giảng dạy, tôi cho rằng yếu tố tiên quyết tạo nên quá trình học tập hiệu quả không chỉ với môn ngữ văn mà còn đối với các môn học khác chính là thái độ tiếp nhận của các em HS. Vì vậy, trong lớp học tôi luôn cố gắng duy trì không khí lớp học cởi mở, để các em có cơ hội tham gia thảo luận và chia sẻ những suy nghĩ của mình xung quanh bài học. Ngoài ra, tôi sử dụng sơ đồ tư duy, bảng biểu tư duy, sử dụng phương pháp nhập vai kể chuyện hay phiên tòa giả định; đặc biệt là chú trọng khai thác các mặt kỹ năng cho HS thông qua các tiết học dự án hay chương trình hoạt động trải nghiệm văn hóa, và điều này đã mang đến sự tác động rất tích cực đối với quá trình học tập bộ môn của các em”, thầy Duy chia sẻ.
Phát huy sáng kiến
Trong suốt 6 năm dạy học, thầy Duy luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học và đồng thời có những giải pháp hay đề tài để nâng cao chất lượng giáo dục, với 6 sáng kiến đều được ngành giáo dục - đào tạo công nhận về hiệu quả áp dụng, điển hình, như: Sáng kiến “Giúp HS ôn tập văn học dân gian hiệu quả bằng cách lồng ghép trò chơi và hoạt động tập thể”; “Nâng cao hiệu quả dạy học ngữ văn 11 bằng phương pháp sử dụng sơ đồ, biểu bảng tư duy”; “Nâng cao hiệu quả dạy học bằng phương pháp sử dụng sơ đồ, bảng biểu tư duy trong thiết kế giảng dạy ngữ văn 12”; “Những biện pháp quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức HS trong công tác chủ nhiệm ”
Đối với sáng kiến kinh nghiệm, gần đây nhất thầy Duy đưa ra “Giải pháp nâng cao giáo dục kỹ năng sống và nhận thức bảo vệ môi trường cho HS thông qua hoạt động ngoại khóa Em yêu môi trường xanh”. Thầy đã tiến hành xây dựng giải pháp nhằm mục đích bồi dưỡng và rèn luyện cho HS các kiến thức, thái độ cũng như kỹ năng trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp. Qua đó, góp phần làm cho trái đất sạch hơn từ ý thức cho đến hành động, ngoài ra thông qua việc thực hiện giải pháp còn tạo lập cho HS khả năng thích ứng an toàn đối với dịch bệnh Covid- 19, bảo đảm an toàn cho cá nhân HS và cộng đồng…
Thời gian qua, khi đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 diễn ra, thầy Duy cũng đã đăng ký tham gia đội hình tình nguyện chống dịch tại địa phương. Thầy bộc bạch: “Tôi nghĩ rằng, những việc tôi làm như nhập liệu, lấy mẫu, trực chốt tại địa phương hay phân phát thức ăn cho người dân trong khu cách ly… cũng chẳng là gì to tát so với nhiều anh chị đồng nghiệp đã xông pha tham gia tuyến đầu chống dịch. Họ đã xông pha vào những nơi phức tạp và nguy hiểm nhất, thậm chí là đã bị phơi nhiễm. Bản thân tôi chỉ nghĩ đơn giản một điều rằng, mình còn trẻ, mình còn khỏe vì vậy nếu có cơ hội đóng góp cho cộng đồng thì hãy cứ làm bằng chính trái tim và tinh thần trách nhiệm”.
Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn của nghề, thầy Duy cho biết, nghề dạy học hiện nay phải đối mặt với không ít khó khăn như áp lực ngày càng cao. Dựa trên sự phát triển của xã hội thì những áp lực từ phụ huynh, xã hội đang khiến giáo viên phải gồng mình để đảm nhận các yêu cầu khắt khe mà xã hội giao phó. Thứ nữa, đó là trách nhiệm trong việc duy trì chất lượng học tập của HS, bảo đảm chỉ tiêu thi đua. Ngoài ra, quá trình thích ứng với sự thay đổi trong chương trình giáo dục, giáo viên phải thích ứng liên tục để thực hiện các yêu cầu đổi mới trong khi đồng lương phần nào cũng chỉ cơ bản đáp ứng được cuộc sống…
Tuy nhiên, theo thầy Duy, niềm vui của người giáo viên khi nhận được, đó là trong thời kỳ nào người thầy giáo, cô giáo cũng được tôn trọng. Người giáo viên luôn có cơ hội học tập và trau dồi kiến thức, kỹ năng để phát triển năng lực bản thân. Ngoài ra, trong thời kỳ công nghệ thông tin phát triển, mỗi người thầy giáo, cô giáo lại có thêm điều kiện để đa dạng hóa phương pháp và linh hoạt trong tiến trình dạy học.
Từ năm 2017-2021, thầy Đặng Tuấn Duy được công nhận là chiến sĩ thi đua cơ sở 4 năm liên tiếp; đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp cơ sở 5 năm liên tiếp (2016-2021); đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp cơ sở năm học 2020-2021; đạt danh hiệu giáo viên trẻ tiêu biểu huyện Bàu Bàng năm 2021. Thầy cũng đã vinh dự nhận giấy khen của UBND huyện Bàu Bàng vì có thành tích tham gia phòng, chống dịch bệnh; danh hiệu Giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu tỉnh Bình Dương lần thứ V, năm 2021 do Tỉnh đoàn và Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức trao tặng.
NGỌC NHƯ