Việc UBND tỉnh đã thông qua Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại bán đảo Tha La, hồ Dầu Tiếng được kỳ vọng sẽ hình thành điểm mới về du lịch sinh thái bền vững, một cực phát triển mới cho huyện Dầu Tiếng.

Tiềm năng vẫy gọi
Bán đảo Tha La có điều kiện cảnh quan tự nhiên thuận lợi, nằm trên địa hình đồi thoải lượn sóng. Đây là một cảnh quan tự nhiên lớn, quan trọng trong khu vực, như phần nền, phần hậu cảnh không thể thiếu trong bất cứ góc nhìn hay quang cảnh nào khi nhìn từ hồ Dầu Tiếng vào bán đảo. Không gian bầu trời rộng lớn kết hợp với địa hình tự nhiên cũng chính là nét chính của cảnh quan khu vực bán đảo Tha La.
Nhiều du khách đến đây chia sẻ, đón mặt trời mọc ở hồ Dầu Tiếng là một trải nghiệm không nên bỏ lỡ. Khi bầu trời chuyển từ đêm tối sang ngày mới, sự xuất hiện của những tia nắng đầu tiên khiến cho cả không gian nơi đây bừng sáng. Bình minh hồ Dầu Tiếng mang đến sự tĩnh lặng và yên bình, giúp bắt đầu ngày mới với tâm trạng thư thái và đầy năng lượng.
Lợi thế cảnh quan mặt nước hồ Dầu Tiếng là diện tích mặt hồ trải dài, rộng khoảng 27.000 ha. Nơi đây được đánh giá có vẻ đẹp nên thơ, mặt hồ trong xanh, cùng với đồi núi chập chùng được thiên nhiên sắp xếp hài hòa tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Nước xanh, thảm cỏ, mây trời là ba thứ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho hồ Dầu Tiếng. Đây là lợi thế lớn để địa phương phát triển kinh tế du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, xung quanh Núi Cậu, cạnh hồ Dầu Tiếng có khu rừng xanh quanh năm và
suối Trúc thơ mộng. Trên Núi Cậu còn có chùa Thái Sơn, đây là nơi tham quan du lịch lý tưởng cho những ai yêu vẻ đẹp thiên nhiên khi đến Bình Dương. Quần thể Núi Cậu có tổng diện tích hơn 1.600 ha, gồm 21 ngọn núi lớn nhỏ. Ngọn núi cao nhất là núi Cửa Ông cao 295m, tiếp theo là núi Ông cao 285m, núi Tha La cao 198m và núi thấp nhất là núi Chúa cao 63m...
Kỳ vọng trong thời gian tới, khi Khu dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại bán đảo Tha La, hồ Dầu Tiếng đi vào hoạt động nơi đây sẽ thu hút đông đảo du khách gần xa, tạo nguồn phát triển, doanh thu lớn cho kinh tế địa phương.
Phát triển bền vững
Theo lãnh đạo huyện Dầu Tiếng, thời gian qua địa phương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc Công văn số 1453/UBND-KT ngày 1-4-2024 của UBND tỉnh về việc giao UBND huyện Dầu Tiếng tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch phân khu xây dựng tại bán đảo Tha La, hồ Dầu Tiếng. Đến nay, tỉnh đã thông qua Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí tại bán đảo Tha La, hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng.
Việc tỉnh thông qua quy hoạch đã góp phần để địa phương sớm hình thành một trong những điểm mới về du lịch sinh thái bền vững trên địa bàn tỉnh, một cực phát triển mới cho huyện Dầu Tiếng nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung. Đồng thời, qua đó làm cơ sở để địa phương triển khai công tác nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết xây dựng, quản lý xây dựng và hoạt động đầu tư phát triển trên địa bàn; cụ thể hóa các định hướng của Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040, cũng như các chiến lược về phát triển kinh tế du lịch và bảo vệ tài nguyên - môi trường trên địa bàn tỉnh.
Huyện Dầu Tiếng xác định không gian phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng phù hợp với vai trò, tính chất, chức năng của khu du lịch vùng huyện Dầu Tiếng; phát huy hiệu quả tiềm năng của khu vực, xây dựng khu vực bán đảo Tha La trở thành một khu dịch vụ, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp với các sản phẩm phù hợp. Cùng với đó, huyện sẽ khai thác hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo, tạo dựng một không gian kinh tế du lịch xanh phát triển đa mục tiêu, góp phần để địa phương chuyển đổi cơ cấu lao động bền vững, tạo cơ hội việc làm mới và nguồn thu từ du lịch dịch vụ nhằm hỗ trợ công tác bảo vệ môi trường lòng hồ Dầu Tiếng và rừng Núi Cậu.
Song song đó, huyện Dầu Tiếng nghiên cứu các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật phù hợp với khu vực lập quy hoạch và khai thác có hiệu quả giá trị sử dụng đất, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với xu hướng phát triển chung. Huyện cũng sẽ lập quy định quản lý làm cơ sở pháp lý để mời gọi đầu tư, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, lập dự án đầu tư xây dựng, quản lý xây dựng và kiểm soát phát triển theo quy hoạch trên địa bàn.
Trên cơ sở Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Dầu Tiếng đến năm 2040 đã được tỉnh phê duyệt, huyện Dầu Tiếng chú trọng phát triển du lịch, trong đó dành khoảng 3.580 ha quỹ đất để phát triển du lịch với nhiều loại hình du lịch đa dạng, mang tầm quốc tế; là tiền đề thu hút, mời gọi đầu tư. Dự kiến, đến năm 2030 huyện Dầu Tiếng thu hút khoảng 1,5 triệu khách du lịch trong và ngoài nước/năm... |
DUY KHANG - TÚ BÌNH