Đánh thức tiềm năng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu

Cập nhật: 04-03-2024 | 08:53:38

 Mặc dù là lĩnh vực vận tải và có nhiều thế mạnh, nhưng do không được đầu tư đúng mức đã khiến ngành đường sắt chưa phát huy hết tiềm năng vốn có. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới còn nhiều biến động, thì việc “nhanh chân” khai thác vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt có thể giúp đưa hàng Việt đi sâu vào Trung Quốc và các nước thứ 3 với lợi thế cả về chi phí và thời gian.

 Đoàn tàu chở trên 200 tấn nông sản đầu tiên năm Giáp Thìn 2024 được khởi hành từ Sóng Thần đi Trung Quốc

 Vận tải đường sắt được “đánh thức”

Theo Cục Hải quan tỉnh, Bình Dương là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam với 33 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp tập trung. Bình Dương hiện có khoảng 3.483 doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) thường xuyên, đứng thứ 4 cả nước. Trong đó, thị trường Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu (Kazakhstan, Nga, Belarus và các nước châu Âu) đứng thứ 2 trong các nước, khối nước có hoạt động XNK của các DN trên địa bàn tỉnh. Lũy kế đến cuối năm 2023, kim ngạch XNK với Trung Quốc chiếm khoảng 40% của các DN trên địa bàn đã cho thấy thị trường này đóng vai trò quan trọng.

Ông Nguyễn Trần Hiệu, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương, cho biết cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động XNK của Bình Dương được đầu tư phát triển tương tối đồng bộ, hiện đại, kết nối với các cảng biển lớn như Cát Lái, Cái Mép,… thông qua hệ thống giao thông đường bộ và cảng sông quốc tế. Tuy nhiên, đến nay hầu hết hàng hóa XNK với thị trường Trung Quốc và các nước trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu chủ yếu thực hiện bằng đường biển, qua 2 cảng biển chính là Cái Mép và Cát Lái.

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có ga liên vận quốc tế Sóng Thần, là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam, đồng thời là ga lập tàu và giải thể tàu, ga kỹ thuật, có 13 đường xếp dỡ và 7 bãi hàng hóa là một lợi thế giao thông lớn của tỉnh. Tuy nhiên, thời gian qua ga Sóng Thần chỉ mới phục vụ vận chuyển hàng hóa nội địa, chưa tham gia vào hoạt động XNK, chưa phát huy được tiềm năng. Do đó, việc mở rộng phát triển phương thức vận chuyển bằng đường sắt, đặc biệt là đường sắt liên vận quốc tế tại ga Sóng Thần đi Trung Quốc sẽ giúp cho DN logistics tiếp cận dễ dàng hơn đối với các trung tâm sản xuất hàng hóa, nguyên liệu phục vụ quá trình phát triển, đồng thời tạo ra cơ hội cho dịch vụ logistics phát triển.

Ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc điều hành Công ty TBS Logistics, chia sẻ việc vận hành đoàn tàu liên vận quốc tế từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc từ tháng 9-2023 là tín hiệu vui cho DN xuất khẩu nói chung và DN làm dịch vụ xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc nói riêng. Trước đây, muốn đưa hàng sang Trung Quốc, DN phải vận chuyển bằng đường bộ ra ga Yên Viên (Hà Nội) hoặc ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), sau đó mới làm thủ tục mở tờ khai để xuất khẩu. Nay DN có thể mở tờ khai trực tiếp tại Cục Hải quan Bình Dương và ga Sóng Thần đưa thẳng hàng hóa sang nước bạn. Điều này rút ngắn được thời gian, chi phí cho DN rất nhiều.

Chở theo những kỳ vọng

Mới đây, ngày 21-2, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã khai trương đoàn tàu chở nông sản xuất khẩu từ ga liên vận quốc tế Sóng Thần đi Trung Quốc. Đoàn tàu gồm 21 toa xe, trong đó có 9 container lạnh chở trên 200 tấn hoa quả và thực phẩm. Đây cũng là chuyến hàng đầu tiên năm Giáp Thìn 2024 được khởi hành từ Sóng Thần (Bình Dương) đi Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc).

Bộ Giao thông - Vận tải đã và đang triển khai các dự án nâng cấp, cải tạo ga Sóng Thần, dự kiến sau khi hoàn thành các dự án này, năng lực ga Sóng Thần sẽ đạt đến 3,5 triệu tấn/năm và trở thành ga hàng hóa đầu mối lớn nhất trong hệ thống các ga đường sắt Việt Nam. Sau khi cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động logistics được hoàn thiện và đáp ứng đủ yêu cầu, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lập kế hoạch khai thác ga liên vận quốc tế Sóng Thần để tổ chức các đoàn tàu chuyên tuyến chạy thẳng từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc, quá cảnh sang nước thứ ba và ngược lại.

(Ông Hoàng Gia Khánh,

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam)

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết đây là chuyến hàng đầu tiên từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kết nối, hoàn thiện hệ thống logistics để thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lựa chọn Bình Dương để tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu liên vận quốc tế chở hàng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc có rất nhiều ý nghĩa.

“Bình Dương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam. Phục vụ cho hoạt động XNK, cơ sở hạ tầng giao thông tỉnh được đầu tư phát triển tương tối đồng bộ, hiện đại kết nối với các phương tiện vận tải đường biển, đường bộ, hàng không và đường sắt. Bình Dương có ga liên vận quốc tế Sóng Thần là ga hàng hóa lớn nhất phía Nam. Trong thời gian vừa qua, tỉnh đã dành sự quan tâm đặc biệt đến hoạt động vận tải đường sắt để đa dạng hóa hình thức vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh”, ông Khánh chia sẻ.

Ông Trương Tồn Vỹ, Tổng Giám đốc Công ty HH Âu Việt Thông Hà Nam (Trung Quốc), cho biết hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất lớn, nhưng thông qua đường sắt chiếm tỷ lệ nhỏ so với đường bộ. “Chúng tôi hy vọng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng như các bộ, ngành liên quan sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa nhằm rút ngắn thời gian vận tải từ Sóng Thần đến ga Đồng Đăng (Lạng Sơn). Điều này sẽ giúp vận tải đường sắt đủ sức cạnh tranh với các phương tiện vận tải khác, thu hút thêm số lượng hàng hóa, mang lại ưu thế cho vận tải liên vận quốc tế”, ông Trương Tồn Vỹ mong muốn.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=631
Quay lên trên