Đánh thuế phá giá, doanh nghiệp xe đạp trong nước khốn đốn

Cập nhật: 28-05-2010 | 00:00:00

Đại diện Cục quản lý cạnh tranh cho rằng, việc EC có khả năng tiến hành rà soát và gia hạn thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu đang gây quan ngại không chỉ trong các doanh nghiệp Việt Nam mà cả trong các nhà đầu tư, các đối tác kinh doanh hiện tại và tiềm năng của Việt Nam.

 

Tại buổi họp báo sáng 28-5 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, ông Vũ Bá Phú cho biết theo quyết định của EC ban hành tháng 7-2005, mức thuế chống bán phá giá 34% đối với xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ hết hạn vào ngày 15-7 tới.

  Lượng xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang EU đã sụt giảm một cách nghiêm trọng. Ảnh minh họa.  

Tuy nhiên, hiện nay Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét để đưa ra quyết định rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam, do mới đây Hiệp hội các nhà sản xuất xe đạp châu Âu (EMBA) đã gửi đơn yêu cầu EC rà soát cuối kỳ nhắm tới mục tiêu tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp của Việt Nam và Trung Quốc trong năm năm nữa.

 

Cũng theo ông Phú, nếu EC bác bỏ đơn của EMBA, thuế chống phá giá đối với xe đạp Việt Nam sẽ được chấm dứt vào ngày 15-7. Trường hợp EC chấp nhận đơn của EMBA, việc rà soát sẽ được tiến hành trong vòng 12 tháng và mức thuế chống bán phá giá sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi có kết quả rà soát.

 

Đánh giá về tình hình sản xuất kinh doanh của ngành xe đạp Việt Nam trong năm năm bị áp thuế chống bán phá giá, ông Phú cho biết tác động của việc áp thuế này là “hết sức nặng nề và tiêu cực,” khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải phá sản hoặc chuyển đổi sản xuất.

 

Trong năm năm chịu thuế chống bán phá giá, lượng xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đã sụt giảm một cách nghiêm trọng, từ trên 1 triệu chiếc năm 2005 xuống còn trên 21.400 chiếc năm 2009. Trong các năm 2007 và 2008, lượng xe đạp xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này chỉ còn chiếm lần lượt 0,61% và 0,40% tổng lượng xe đạp nhập khẩu của EU.

 

Giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang EU cũng liên tục giảm, điển hình năm 2007, kim ngạch xuất khẩu xe đạp sang thị trường này giảm tới 95,3% so với năm trước.

 

Bên cạnh đó, quyết định áp thuế chống bán phá giá của EC đối với xe đạp Việt Nam còn gây ảnh hưởng lớn đến người lao động của ngành này. Trước năm 2005, tổng số lao động của ngành sản xuất xe đạp Việt Nam là 210.000 người, nhưng đến đầu năm nay, con số này chỉ còn 5.000 lao động.

 

Nhấn mạnh thị phần xe đạp Việt Nam xuất sang EU rất nhỏ nên “không có khả năng gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất xe đạp châu Âu,” ông Phú đồng thời khẳng định việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá đối với xe đạp xuất khẩu của Việt Nam là “không phù hợp với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam và EC, trong khi Việt Nam đang làm hết sức để tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư châu Âu.”

 

Mới đây, Bộ Công Thương đã có công hàm gửi Tổng vụ Thương mại-Ủy ban châu Âu để phân tích tình hình, diễn biễn liên quan cũng như những ảnh hưởng của việc áp thuế này đối với ngành sản xuất xe đạp Việt Nam.

 

(THEO TTXVN)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên