Đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng

Cập nhật: 13-08-2024 | 07:53:34

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh, số doanh nghiệp tuyển dụng lao động trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ. Sau dịch bệnh Covid-19, nhiều công ty đã tái cơ cấu sản xuất và tự động hóa nên cần lao động có tay nghề cao. Trước vấn đề này, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhà tuyển dụng.

Tuyển dụng lao động tăng

Sở LĐTB&XH tỉnh vừa có buổi làm việc với Cục Việc làm Bộ LĐTB&XH về thị trường việc làm tại Bình Dương. Theo Sở LĐ-TB&XH, hiện Bình Dương có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, thu hút khoảng 1,3 triệu lao động. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các doanh nghiệp (DN) sản xuất chế biến gỗ, giày dép, dệt may đã chủ động được nguồn nguyên liệu, ký kết được nhiều đơn hàng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo nhận định, đây là tín hiệu tốt góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn tỉnh, nhờ đó nhu cầu sử dụng lao động tăng cao.

Một doanh nghiệp tuyển dụng thêm lao động đáp ứng nhu cầu sản xuất hiện nay. Ảnh: QUANG TÁM

Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 3.210 DN cần tuyển 40.854 lao động, tăng hơn 70% so với cùng kỳ. Các cơ quan chức năng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho hơn 54.000 người và tạo thêm 17.500 việc làm, đạt 47,4% kế hoạch năm. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong năm 2024 sẽ từ 60.000 đến 70.000 lao động, với khoảng 20.000 đến 25.000 lao động cần tuyển trong thời gian còn lại của năm.

Nâng cao tính dự báo để đáp ứng nhu cầu

Để đáp ứng nhu cầu việc làm trên địa bàn tỉnh hiện nay, bên cạnh đẩy mạnh kết nối cung cầu đến từng DN, Trung tâm DVVL tỉnh còn tích cực kết nối tìm lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước. Tỉnh đang thực hiện thu thập, cập nhật thông tin người lao động để xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác theo quy định (Đề án 06); kiến nghị Bộ LĐTB&XH tổ chức các lớp đào tạo nhân lực về công tác phân tích, dự báo thị trường lao động và vận hành hệ thống thông tin thị trường lao động cho các đơn vị Trung tâm DVVL và xây dựng ứng dụng phần mềm chung về cung cầu lao động thống nhất cả nước hoặc theo vùng để phục vụ công tác kết nối cung cầu lao động được tốt hơn.

Trước nhu cầu tuyển dụng lao động tăng, việc tạo “kênh” để kết nối cung cầu lao động là rất quan trọng. Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn nhưng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lao động.

Nguyên nhân là số lao động thất nghiệp phần nhiều ở độ tuổi ngoài 40, trong khi phần lớn DN tuyển dụng dưới 40 tuổi. Cùng với đó, khi hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động chưa quan tâm nhiều đến chính sách hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh thực hiện.

“Theo quy định, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp phải thông báo với Trung tâm DVVL tỉnh và chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có việc làm mới. Vì thế, nhiều lao động không có nhu cầu tìm việc làm chính thức mà chỉ muốn tìm việc làm thời vụ. Nhiều DN thông báo tuyển dụng, nhưng chưa đáp ứng được mức lương, thu nhập...”, ông Phạm Văn Tuyên nói.

Đào tạo lao động có tay nghề cao

Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH, sau đại dịch Covid-19, nhiều công ty trên địa bàn đã tái cơ cấu và tự động hóa dây chuyền sản xuất, không cần nhiều lao động phổ thông. Cụ thể như Công ty TNHH Sài Gòn Stec tại VSIP II, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, là DN đi đầu trong việc chuyển đổi. Hiện công ty có khoảng 700 lao động phổ thông, dư thừa so với kế hoạch.

Việc lập kế hoạch đào tạo nghề phù hợp sẽ tránh được tình trạng thừa, thiếu lao động về sau

Trong tương lai, công ty tiếp tục chuyển sang mô hình sản xuất tự động hóa, tăng cường tuyển dụng kỹ sư có trình độ cao, giảm dần sự phụ thuộc vào lao động thủ công. Hiện công ty tập trung tuyển dụng các vị trí kỹ sư người Việt để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý từ các chuyên gia của công ty mẹ, dần thay thế người nước ngoài.

Toàn tỉnh hiện có 70 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm: 6 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 18 trung tâm GDNN và 36 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Trung bình mỗi năm, các cơ sở GDNN đào tạo hơn 30 sinh viên, học viên ở mỗi khối ngành, nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng ngày càng cao của nhà tuyển dụng.

Để chủ động hơn về nguồn lực tại chỗ, đại diện Công ty TNHH Sài Gòn Stec mong địa phương có thêm các giải pháp đào tạo các nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết nhu cầu cho các DN trong thời gian tới.

Để đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề ngày càng tăng từ các DN, lãnh đạo Sở LĐTB&XH cho biết đang tích cực phối hợp với các sở, ngành rà soát, giải quyết những khó khăn mà các cơ sở, các trường trung cấp, cao đẳng nghề đang gặp phải để nâng cao chất lượng đào tạo nghề tốt hơn. Cùng với đó, đơn vị kiến nghị Bộ LĐTB&XH xem xét, nâng mức hỗ trợ học phí học nghề cho người lao động...

Làm việc với Sở LĐTB&XH, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐTB&XH, đánh giá cao việc kết nối cung cầu lao động của Trung tâm DVVL Bình Dương; đồng thời đề nghị tỉnh cần khảo sát và xây dựng cơ sở dữ liệu về tình hình chuyển dịch, nhu cầu lao động theo từng ngành nhằm đưa ra dự báo tuyển dụng chính xác, lập kế hoạch đào tạo nghề phù hợp. “Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các trung tâm DVVL; phối hợp chặt chẽ với các tỉnh thành khác để nắm tình hình dịch chuyển lao động, tránh tình trạng thừa, thiếu lao động và lãng phí nguồn lực chất lượng cao”, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm Bộ LĐTB&XH, đề xuất.

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2155
Quay lên trên