Đào tạo nghề cho xã hội

Cập nhật: 23-05-2013 | 00:00:00

Đó là khẳng định của các đại biểu tham dự hội thảo hoàn thiện đề án “Nâng cao năng lực cơ sở dạy nghề của tổ chức CĐ đến năm 2020 có sự hỗ trợ của Nhà nước” vào sáng 22.5 tại Hà Tĩnh.  Và cũng từ khẳng định đó nên các đại biểu thống nhất cao về việc nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với các cơ sở đào tạo nghề của tổ chức CĐ.

Trường nào cũng gặp khó

  Các đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính cho biết, TLĐ có 40 cơ sở dạy nghề, trong đó có 3 trường cao đẳng, 18 trường trung cấp và 12 trung tâm. Các trường dạy nghề của CĐ hầu hết mới được thành lập sau năm 2000, và nâng cấp từ các trung tâm giới thiệu việc làm. Do vậy mà các trường này rất khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề...

Ông Nguyễn Ngọc Thảo – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Bến Tre - cho rằng: Đang có sự không công bằng trong việc cấp kinh phí giữa các trường dạy nghề. Cùng một quy mô, số lượng như nhau nhưng trường ông chỉ được cấp hơn 1,6 tỉ đồng/năm cho hoạt động thường xuyên, còn trường dạy nghề công lập lại được cấp từ 10 đến 16 tỉ đồng. Do kinh phí quá ít ỏi nên chúng tôi rất sợ đào tạo nghề dài hạn, vì càng dạy càng lỗ. Việc xây dựng cơ sở vật chất cũng vô cùng khó khăn. Trường CĐ Nghề Bến Tre được phê duyệt dự án xây dựng cơ sở vật chất với số tiền 99 tỉ đồng, trung ương cấp hơn 70 tỉ, còn lại là vốn đối ứng của địa phương. Thế nhưng tỉnh Bến Tre đã trả lời là tỉnh không có kinh phí, chỉ có 6ha đất mà thôi” - ông Thảo cho biết.

Trường Trung cấp Nghề số 9 Quảng Bình là một trong số ít trường được Bộ LĐTBXH đánh giá đạt cấp độ 3 về dạy nghề. Mỗi năm, trường thu hút được 450 học sinh theo học trung cấp nghề và 1.000 sơ cấp nghề. Nhà trường đang phải sống cảnh “độc canh” từ dạy nghề mà không có nguồn thu nào khác. Vì thế nên phải tăng học phí gây nên khó khăn cho người học và cả cho trường vì sẽ có một bộ phận không đủ tiền theo học. Hiệu trưởng Lê Mạnh Sơn rất băn khoăn: “Do các trường dạy nghề CĐ khó khăn nên giáo viên không yên tâm công tác, họ so đo với các trường bạn và có cơ hội là xin đi ngay”.

Ông Lê Hòa – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Thừa Thiên – Huế - phát biểu rất ngắn: “Chúng tôi chỉ thu có 180.000 đồng học phí/học sinh mà Sở LĐTBXH đã kêu là cao quá, trong lúc thực tế là không đủ chi. Khó khăn đến mức, chúng tôi không thể chi trả được chế độ thâm niên cho giáo viên...”.

Rất cần được hỗ trợ

Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐTBXH - khẳng định: Các cơ sở dạy nghề CĐ là các đơn vị công lập. Vậy thì đầu tư phải là Nhà nước. Hiện nay khó khăn lớn nhất của các cơ sở này là cơ sở vật chất, do vậy mà Bộ KHĐT cần bố trí vốn để các cơ sở dạy nghề CĐ được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trước khi được đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học.

Bà Đỗ Thị Thúy Hằng - đại diện Bộ Tài chính dự hội thảo - đã có những ý kiến rất cụ thể và thẳng thắn góp ý xây dựng đề án. Theo bà Hằng, các cơ sở dạy nghề của CĐ đang đào tạo nghề cho xã hội, không phải đào tạo CBCĐ. Do vậy mà không thể dùng kinh phí 2% của CĐ để sử dụng vào việc dạy nghề như một số ý kiến khác, vì làm thế là trái với Luật CĐ. Mà đã đào tạo nghề cho xã hội thì Nhà nước phải hỗ trợ. Tuy nhiên, đề án cần phải tính toán cụ thể về cơ cấu học phí, thay vì tính chi phí trên đầu người học thì phải xác định cho được chi phí để học một nghề là bao nhiêu. Phần nào các trường không thu của dân thì Nhà nước hỗ trợ...”.

Theo Lao Động

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên