Được tiến hành từ năm 2005 đến nay, chương trình đào tạo nghề nằm trong hoạt động khuyến công (KC) của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (TTKC&TVPTCN) thuộc Sở Công Thương thực hiện đã đem lại hiệu quả cao. Qua đó góp phần giúp doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả đầu tư.
Chương trình thiết thực
Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đồ gỗ xuất khẩu Minh Phương (Khánh Bình, Tân Uyên) Huỳnh Văn Hạnh khẳng định: “Sau 3 tháng đào tạo nghề gỗ nội thất cho 150 công nhân của công ty mới đây do TTKC&TVPTCN phối hợp với công ty tổ chức, hiệu quả của công tác đào tạo đã thấy rõ qua việc làm của người lao động (NLĐ). Nhờ được đào tạo bài bản, sau khóa học các lao động trên đều nâng cao tay nghề trong việc sử dụng máy móc, định hình chi tiết, công đoạn chà nhám, lắp ráp, sơn, đóng gói thành phẩm... Nhờ vậy, tỷ lệ hư hao không còn mà công suất sản xuất của DN được nâng lên đáng kể”.
Nhờ đào tạo nghề từ công tác KC, công nhân Công ty TNHH Đồ gỗ xuất khẩu Minh Phương nâng cao tay nghề chế biến gỗ
Giống như ý kiến từ Công ty TNHH Đồ gỗ xuất khẩu Minh Phương, nói đến việc đào tạo nghề trong công tác KC, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất - Xuất nhập khẩu Tuấn Linh, ông Nguyễn Đức Thắng cho biết: “Hoạt động trong lĩnh vực sản xuất hàng mây tre lá, ban đầu việc sản xuất của công ty cũng gặp không ít khó khăn do số lượng lao động yếu kém tay nghề. Nhưng được sự hỗ trợ của TTKC&TVPTCN tạo điều kiện để công ty mở lớp đào tạo nghề cho hơn 300 công nhân. Từ việc giảng dạy nâng cao tay nghề mà đến nay công ty đã có một đội ngũ công nhân lành nghề khoảng 300 người cùng với kinh nghiệm quản lý với nhiều trình độ khác nhau của nhiều bộ phận sản xuất giỏi đã góp phần tạo nên những thành quả lao động nhất định”.
Theo Sở Công Thương, công tác KC với nhiều hoạt động gắn với thực tiễn được TTKC&TVPTCN thuộc sở thực hiện rất hiệu quả. Thời gian qua đã tổ chức nhiều lớp đào tạo nhiều ngành nghề như: sản xuất sản phẩm mây tre lá, sản xuất sản phẩm từ sợi nhựa, đào tạo nâng cao kỹ năng công nhân may, công nhân ngành giày da... cho nhiều đơn vị như Hợp tác xã Ba Nhất, Công ty TNHH Thương mại - Sản xuất - Xuất nhập khẩu Tuấn Linh, Công ty TNHH Một thành viên may mặc Bình Dương, Công ty TNHH Đồ gỗ xuất khẩu Minh Phương, Công ty TNHH Liên Phát... Chính công tác đào tạo này đã hỗ trợ tích cực và tạo điều kiện cho các DN đầu tư phát triển sản xuất ổn định và bền vững hơn.
Lợi ích kép
Việc đào tạo từ KC không chỉ giúp DN ổn định được nguồn lực mà còn giúp cho chính NLĐ tăng thêm thu nhập. Trong tháng 2 vừa qua, tại buổi trao giấy chứng nhận đào tạo nghề da giày cho 300 công nhân Công ty TNHH Liên Phát (phường An Bình, TX. Dĩ An) do TTKC&TVPTCN phối hợp với công ty tổ chức, Giám đốc công ty Trương Thị Thúy Liên nhận định: “Việc đào tạo nghề từ chương trình KC của Nhà nước rất cần thiết. Qua đó giúp DN nguồn lực có tay nghề để ổn định sản xuất - kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu nhập của bản thân NLĐ cũng được tăng lên đáng kể”. Cùng quan điểm này, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Một thành viên may mặc Bình Dương Nguyễn Hồng Anh cho rằng: “Chương trình KC đã giúp cho các DN bổ sung thêm lực lượng lao động có tay nghề, kỹ năng và tăng năng suất lao động. Ngoài ra còn giúp cho người lao động tăng thêm thu nhập nhờ có tay nghề cao; cụ thể kinh nghiệm tại công ty cho thấy, trước khi đào tạo mức lương của NLĐ ở mức 2,2 triệu đồng/tháng, sau đào tạo thu nhập của NLĐ được nâng lên khoảng 3 triệu đồng/tháng”.
Theo Giám đốc TTKC&TVPTCN Lê Văn Chí, việc đào tạo nghề cho NLĐ có ý nghĩa rất thiết thực, giúp DN có nguồn nhân lực qua đào tạo nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm và gia tăng khả năng cạnh tranh khi xuất khẩu. Việc hỗ trợ một phần kinh phí KC trong đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho nhiều thành phần kinh tế đầu tư có hiệu quả nhằm phát triển sản xuất ổn định. Nhờ vậy mà nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống đã được giữ gìn, duy trì và phát triển, nhiều nghề mới được hình thành và nhân rộng. Từ đó đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, thu hút và giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ.
TRỌNG MINH