LTS: Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Đề án thành phố thông (TPTM), Bình Dương đã đạt được những kết quả tích cực. Tiêu biểu là trong 3 năm liền 2019, 2020, 2021, Bình Dương được vinh danh là 1 trong 21 địa phương có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới. Xác định con người là yếu tố trung tâm trong xây dựng TPTM, Bình Dương đã thực hiện các bước đột phá, đổi mới, sáng tạo trong giáo dục đào tạo (GD-ĐT) để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu xây dựng TPTM.
Kỳ 1: Xây dựng môi trường học tập thông minh
Xây dựng thành phố thông minh cần có những con người thông minh. Với sứ mệnh trồng người, ngành GD-ĐT Bình Dương đã và đang có những bước đi vững chắc, đột phá đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh mà chiến lược lâu dài là xây dựng thành phố thông minh.
Trang bị thiết bị dạy học hiện đại
Muốn có con người thông minh đáp ứng cho sự phát triển của xã hội hiện đại, cần xây dựng trường học thông minh. Trước yêu cầu đổi mới hiện nay, toàn ngành GD-ĐT đẩy mạnh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Bên cạnh thực hiện đổi mới thực chất, cùng với nâng chất người thầy, đổi mới hình thức tổ chức dạy học, ngành GD-ĐT còn tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho trường học các cấp.
Tiết học thực hành lắp ráp robot của HS trường THCS Định Hòa
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, ngành GD-ĐT luôn quan tâm đầu tư mua sắm bổ sung, thay thế thiết bị dạy học, nhất là các thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới phương pháp, tổ chức dạy và học của các nhà trường. Giai đoạn 2016-2020, công tác đầu tư mua sắm thiết bị dạy học trang bị cho trường học các cấp đạt nhiều kết quả khả quan, đáp ứng được yêu cầu tổ chức hoạt động dạy học và quản lý giáo dục. Chỉ riêng năm 2020, Sở GD-ĐT đã tổ chức 2 đợt mua sắm tập trung đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục cho năm học 2020-2021 với tổng kinh phí gần 600 tỷ đồng; đầu tư 2.400 phòng học có trang bị thiết bị dạy học tiên tiến cho 97 trường. Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện mua sắm các thiết bị dạy học tiên tiến, hiện đại phục vụ hoạt động dạy học và quản lý giáo dục ở các nhà trường.
Đẩy mạnh giáo dục STEM cho HS, năm học này Sở GD-ĐT đã trang bị 54 phòng học STEM cho các trường tiểu học, THCS, THPT trong tỉnh. Kinh phí trang bị phòng STEM cho cấp tiểu học là 1 tỷ đồng, THCS và THPT trên 2 tỷ đồng. |
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, giảng dạy, góp phần tích cực xây dựng môi trường giáo dục thông minh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững GD-ĐT và nâng cao chất lượng dạy học thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, ngành GD-ĐT tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT. Theo đánh giá của ngành, đa số giáo viên các trường đã quen dần với việc sử dụng các thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, việc thiết kế bài giảng phù hợp hơn với nội dung tiết học, bài dạy. Giáo viên có sự tìm tòi, nghiên cứu các phần mềm, ứng dụng phù hợp với chuyên môn giảng dạy; một số giáo viên đã ứng dụng soạn bài giảng e-learning vào dạy học. Hiện nay, có trên 14.000 giáo viên ứng dụng CNTT dạy học trên lớp học, hơn 6.000 giáo viên có thể soạn bài giảng e-learning.
Đẩy mạnh giáo dục STEM
Giáo dục STEM đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Đầu năm học này, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên theo định hướng STEM/STEAM cho giáo viên THCS, THPT các bộ môn: Toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học và công nghệ. Các thầy cô được trang bị những kiến thức cơ bản và được hướng dẫn thực hành đúng tiêu chuẩn phù hợp cho các chương trình giáo dục STEM/STEAM hiện đại; những kiến thức và kỹ năng xây dựng các bài giảng tích hợp STEM/STEAM thực tế dành cho học sinh (HS).
Không chỉ trong năm học này, mà nhiều năm học qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường thực hiện đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của HS.
Giáo dục STEM là dạy học gắn với thực tiễn, thực hiện học đi đôi với hành, học qua nghiên cứu giúp HS tìm tòi, khám quá, thể hiện qua cuộc thi khoa học kỹ thuật do ngành tổ chức hàng năm. Cuộc thi là một sân chơi bổ ích, là tiền đề để HS khơi dậy sự đam mê sáng tạo, đặc biệt là các em mạnh dạn ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế, tạo ra những sản phẩm khoa học phục vụ học tập và nuôi dưỡng ý tưởng sáng tạo của HS.
Trường THCS Định Hòa là một trong 3 trường THCS của TP.Thủ Dầu Một được trang bị phòng học STEM. Phòng học được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, sử dụng cho nhiều bộ môn như: Công nghệ, vật lý, sinh học, tin học... Theo đó, các linh kiện được phục vụ dạy môn vật lý; còn với môn tin, HS học thực hành lắp ráp robot; môn công nghệ có máy in 3D, cùng với các máy cưa, máy đục, giáo viên có thể tùy biến dạy HS thực hành. Giáo viên các bộ môn trên đã được tập huấn và đã từng bước áp dụng giảng dạy STEM cho HS. HS tỏ ra vô cùng thích thú khi được học trong phòng học hiện đại, được vận dụng kiến thức đã học để lắp ráp thành công robot.
Có thể nói việc đầu tư bài bản, có trọng tâm của tỉnh đã mang lại những “quả ngọt” khi Bình Dương luôn đạt kết quả cao trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia, thi tốt nghiệp THPT, các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật các cấp và hiệu quả lâu dài là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, phục vụ chiến lược xây dựng thành phố thông minh Bình Dương. (Còn tiếp)
HỒNG THÁI