Đáp ứng tín chỉ carbon để phát triển sản xuất, kinh doanh

Cập nhật: 09-01-2024 | 08:31:34

 Hiện nay, giảm phát thải không chỉ là quy định của pháp luật mà còn là yêu cầu tất yếu để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Hầu hết doanh nghiệp (DN) nỗ lực đầu tư hệ thống thu hồi nhiệt, xử lý nước thải để tái sử dụng, đầu tư máy móc thiết bị mới nhằm giảm tiêu thụ điện hoặc gắn pin năng lượng mặt trời phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, hiện nhiều DN còn loay hoay với giải pháp thực hiện, công cụ chứng minh có thể bù trừ lượng phát thải, có được tín chỉ carbon.

 Công ty TNHH Cơ khí ván ép Nhật Nam (TX.Bến Cát) đang chuyển hướng sản xuất xanh để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

 Doanh nghiệp gặp khó

Để đạt được trạng thái phát thải bằng 0 trong sản xuất là điều rất khó, song DN có thể trung hòa phát thải bằng cách mua hoặc tự tạo ra tín chỉ carbon để bù vào lượng phát thải ra môi trường. Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cách tự tạo tín chỉ carbon. Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí ván ép Nhật Nam (TX.Bến Cát), cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến công tác quản lý và thực hiện nhất quán các yêu cầu của Nhà nước về an toàn, môi trường. DN đã được ngành công thương hỗ trợ sản xuất sạch hơn, kiểm kê khí thải nhà kính, mục đích tìm giải pháp thực hiện giảm phát thải. Tuy nhiên, DN chưa nắm được trường hợp lắp đặt điện mặt trời mái nhà vừa tạo ra năng lượng xanh cho sản xuất, vừa giảm phát thải khí nhà kính có được xem như tín chỉ carbon không?”.

Ông Lê Quang Linh, cố vấn phát triển thị trường carbon, Công ty Cổ phần Khoa học và môi trường Giant Barb (TP.Hà Nội) cho rằng, Việt Nam chưa có thị trường carbon trong nước để hỗ trợ DN trong chiến lược phát triển bền vững và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Tương lai, DN có thể gặp khó khăn trong cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ sang các thị trường lớn, có yêu cầu cao về tín chỉ này. DN có thể tự tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách kiểm kê xem khâu nào phát thải nhiều, từ đó thay đổi hoạt động để giảm phát thải, áp dụng công nghệ để biến chất thải thành điện hoặc hơi cung cấp ngược lại cho sản xuất hoặc bán lại cho nhà máy kế bên, thu hồi chất thải trơ làm vật liệu xây dựng.

Trên thực tế, Việt Nam chưa có thị trường mua bán, trao đổi tín chỉ carbon trong nước, các hoạt động cắt giảm khí thải nhà kính cũng chưa được xác nhận để quy đổi ra tín chỉ carbon. Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh về yếu tố “xanh” của sản phẩm, không ít DN đã và đang thực hiện giảm phát thải. Đây là bước khởi đầu quan trọng để có thể đạt trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết.

Nhiều giải pháp

Thực tế hỗ trợ phát triển sản xuất sạch hơn tại nhà máy của Công ty Nhật Nam, theo TS.Trần Văn Thanh, chuyên gia đánh giá sản xuất sạch hơn cho biết, trên cơ sở đo tổng phát thải của Nhà máy ván ép Nhật Nam là 833 tấn CO2/năm, nhóm thực hiện đánh giá kiến nghị công ty sớm thực hiện giải pháp thay thế lò hơi mới có công suất tương tự nhưng hiệu suất cao, bảo tồn đường ống nước ngưng, đường ống dẫn hơi tại vị trí bị bong tróc… Thay thế dần mô tơ tiêu chuẩn bằng các động cơ hiệu suất cao, chuyển đổi máy hút chân không sử dụng dầu để hiệu suất vận hành cao hơn và ít phát thải nước thải, trang bị hút bụi di động để hạn chế phát tán bụi mịn. Cùng với đó tối ưu kích thước ván, hạn chế ván vụn, cho tro vào khu chứa có mái che, sản xuất, sơ chế tro thành nguyên liệu cho sản xuất phân bón cải tạo đất phục vụ nông nghiệp...

Ông Trần Văn Phước, Giám đốc Công ty TNHH Thành Thái (TP.Thủ Dầu Một), cho biết Việt Nam chưa bắt buộc thực hiện giảm phát thải khí nhà kính nhưng nhiều thị trường nước ngoài đã khá khắt khe với việc này. Do đó, nhiều DN trong ngành gỗ tiến hành đánh giá sản xuất sạch hơn đã kiểm kê khí thải nhà kính. Đầu tư hệ thống lò đốt chất thải để thu hồi hơi thay vì đốt bỏ như trước, việc này giúp công ty tiết kiệm được dầu dùng để đốt, tránh lãng phí chất thải, thu được nhiệt. Bên cạnh đó, công ty nghiên cứu lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Để các DN thuận lợi hơn trong tiến trình giảm phát thải, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể về kinh tế tuần hoàn. Tháo gỡ các vướng mắc về quy định liên quan đến tái sử dụng nước thải, tái chế và tái sử dụng chất thải, sử dụng điện năng lượng mặt trời, cộng sinh công nghiệp.

Trong kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, xác định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Tỉnh Bình Dương đang hướng đến xây dựng hệ thống môi trường bền vững theo lộ trình Net zero của Chính phủ. Theo đó, tỉnh đang thực hiện chính sách ứng dụng công nghệ, thực hiện phát triển xanh với việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái - cộng sinh công nghiệp, quy hoạch giao thông thông minh, công nghệ thông minh, phát triển xanh với việc phục hồi các hành lang kênh rạch, công viên dọc sông, thiết lập các vành đai xanh kiểm soát phát triển đô thị - công nghiệp.

 Tại hội thảo chuyên đề “Hệ thống môi trường bền vững cho Bình Dương theo lộ trình Net zero của Chính phủ”, ông Chuah Hock Seong, chuyên gia (Singapore), cho biết Singapore đã số hóa công nghệ cây xanh để nhập liệu, lưu trữ tất cả các loại cây đã hình thành, phát triển hệ sinh thái khoa học và công nghệ, kiểm soát cơ sở dữ liệu cây xanh. Đây chính là nền tảng ứng dụng phủ xanh để giúp các đơn vị có thể nhập liệu, cùng đưa ra kiến nghị để xử lý tình huống, sử dụng các công cụ thông minh, các thiết bị kiểm tra sức khỏe cho cây… nhằm giúp người dân tận hưởng nguồn sống, cùng chia sẻ thông tin để mọi người tương tác, nâng cao nhận thức và hướng về một tầm nhìn chung.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên