Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến nhân dân có 14 chương, 210 điều (tăng 4 điều). Dự thảo đã luật hóa các quy định áp dụng ổn định trong thực tiễn, bao gồm các quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc sử dụng đất, người sử dụng đất, người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất; người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý, khuyến khích đầu tư vào đất đai, phân loại đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính về đất đai, giá đất; hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữliệu đất đai; chế độ sử dụng các loại đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai; giám sát, thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai.
Tại dự thảo, quyền và trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, thống nhất quản lý nhà nước đối với đất đai đã quy định rõ ràng và cụ thể hơn trong dự thảo luật. Các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất đã được rà soát và quy định cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, từng hình thức sử dụng đất như đất giao không thu tiền sử dụng đất, giao có thu tiền sử dụng đất, đất thuê hàng năm và đất thuê trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, đất do nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp tiếp tục được hoàn thiện theo hướng mở rộng thời hạn giao đất đất nông nghiệp trong hạn mức cho hộ gia đình, cá nhân; mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích việc nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để tập trung đất đai nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; quy định chặt chẽ chế độ sử dụng đất trồng lúa, đất rừng nhằm bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia.
Quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường đã được tăng cường, trong đó đã hạn chế các trường hợp được Nhà nước giao đất, chuyển cơ bản sang áp dụng hình thức thuê đất; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; thực hiện định giá đất theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước để tính thu các nghĩa vụ tài chính khi giao đất, cho thuê đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất nhằm tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai, khắc phục tình trạng “xin - cho” trong sử dụng đất.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định khung pháp lý về thông tin đất đai, cơ sở dữliệu đất đai, quyền tiếp cận thông tin đất đai; hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình lập, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất, góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và làm giảm các khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
THÚY HẰNG