Gần 5 thập niên đã đi qua, Bàu Bàng (Bến Cát) vẫn là địa chỉ đỏ cho những ai muốn tìm về vinh quang quá khứ lẫn tương lai. Bàu Bàng anh hùng được nhuộm bằng xương, bằng máu, bằng những chiến công vang dội để rồi hôm nay vươn mình lớn mạnh từng ngày với dáng dấp đô thị phồn hoa phía trước.
Chiến thắng Bàu Bàng đã 47 năm lùi xa nhưng khi nhắc lại thì biết bao người con nơi đây vẫn bồi hồi xúc động và tự hào. Không tự hào sao được, thắng trận Bàu Bàng ta đã đánh thẳng, đánh trúng vào lực lượng mạnh nhất của quân đội Mỹ và lần đầu tiên chúng bị ta tiêu diệt đến lữ đoàn của chúng. Quân dân ta khắp chiến trường miền Nam củng cố thêm niềm tin vững chắc là ta nhất định sẽ đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Tạo được phong trào thi đua giết giặc lập công; tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt. Đây thực sự là câu trả lời đanh thép của người dân Bàu Bàng, hiện thân của nhân dân Việt Nam đối với bọn đế quốc xâm lược và bù nhìn tay sai bán nước. Tượng đài Chiến thắng Bàu Bàng, vinh danh vùng đất anh hùng
Chiến thắng Bàu Bàng, Sư đoàn số 1 bộ binh của Mỹ, mệnh danh là Sư đoàn “anh cả đỏ”, một đơn vị chưa hề thua trận nhưng đã bị thua đậm, bị tổn thất nặng nề ngay trong trận đầu ra quân tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Ý chí chiến đấu của sĩ quan, binh lính Mỹ bắt đầu sa sút. Chiến lược tìm diệt, ý đồ đánh gãy xương sống Việt cộng bước đầu thất bại; sau chuyển dần sang thế co cụm, phòng ngự từ xa. Âm mưu bình định miền Nam trong 18 tháng xem như đã bị phá sản hoàn toàn
Ngày 11 tháng 11 lịch sử
Bàu Bàng giờ này vẫn chưa hoàn tất trang sử cho riêng mình, nhưng mỗi con người bằng da, bằng thịt của Bàu Bàng là một trang sử sống động nhất. Bí thư xã Lai Uyên Nguyễn Thành Tốt có thâm niên 35 năm công tác tại “thủ phủ” Bàu Bàng cho biết: ngày 11-11-1965, Lữ đoàn 3 thuộc Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ cùng 2 chi đoàn thiết giáp, được hỏa lực của không quân, pháo binh yểm trợ tổ chức hành quân càn quét lên hướng Chơn Thành. Cho đến 16 giờ cùng ngày, chúng dừng lại ở khu vực Bàu Bàng và Đồng Sổ. Ở thời điểm này địch tập trung quân số trên 2.500 tên; có nhiều xe tăng - thiết giáp và hỏa lực mạnh, khả năng chi viện ứng cứu rất lớn. Không có công sự kiên cố nhưng địch lại ỷ lại vào xe tăng - thiết giáp; chủ quan nên canh phòng thiếu cẩn mật; lại cụm ở trảng trống, xung quanh là rừng cây rậm rạp, ta dễ tiếp cận tiêu diệt.
Về thăm Bàu Bàng trong những ngày này, mới biết lịch sử ở đây chuẩn bị sang trang mới. UBND tỉnh lập xong quy hoạch Bàu Bàng, còn huyện Bến Cát đang ráo riết chuẩn bị phiên họp HĐND bất thường để cho ý kiến kế hoạch nâng cấp Bàu Bàng lên thị trấn. Người dân Bàu Bàng xôn xao, bàn tán, chuyện đặt tên cho địa phương mình. Tên gọi là dân quyết định, chính quyền địa phương quả quyết vậy nên ngày 8-11-2012 toàn bộ người dân Bàu Bàng được lấy ý kiến về tên gọi cho đô thị mới này. Chưa dứt lời qua phần giới thiệu mục đích họp mặt bà con, một phụ nữ đứng tuổi, nhanh chóng nói ngay: Không thể đặt tên gì khác ngoài 4 chữ “Bàu Bàng và Đồng Sổ”, hai địa danh này khắc ghi vào từng người dân Bàu Bàng.
Một góc Khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng hôm nayLàm sao có thể thay thế được khi mà những chiến công oanh liệt vẫn còn nóng hổi trong ký ức hào hùng của mỗi người dân. Ngày 11-11-1965, Sư đoàn 9 hiệp đồng chặt chẽ với Tiểu đoàn Phú Lợi của tỉnh Bình Dương và dân quân du kích xã Lai Uyên, tấn công tiêu diệt Sở chỉ huy Lữ đoàn 3 bộ binh, Tiểu đoàn tăng - thiết giáp và Đại đội pháo 105 ly tại khu vực Bàu Bàng trong đêm 11 rạng ngày 12-11-1965; vây ép địch ở Đồng Sổ, sẵn sàng đánh quân địch ứng cứu bằng đường bộ hoặc đổ bộ đường không, là cơ sở cho chiến thắng Bàu Bàng ngày 12-11-1965; đồng chí Hoàng Cầm - Tư lệnh Sư đoàn 9 triệu tập ngay cán bộ chỉ huy các đơn vị để nghe quán triệt quyết tâm của sư đoàn và triển khai phương án tác chiến. Sư đoàn sử dụng Trung đoàn bộ binh 2 và tăng cường thêm Tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 1 cùng toàn bộ pháo binh sư đoàn và pháo cấp trên tăng cường, lấy Tiểu đoàn 1 làm mũi đột phá chủ yếu làm nên chiến công vang dội. Vì thế, hai địa danh Bàu Bàng và Đồng Sổ đã trở thành lịch sử không thể thay thế. Đất nước phát triển đến đâu, 2 địa danh này vẫn là niềm kêu hãnh của Bàu Bàng.
Cuộc họp kết thúc tốt đẹp với thống nhất cuối cùng của bà con đặt tên cho huyện mới của mình là Bàu Bàng, tên thị trấn là Đồng Sổ, một kết quả làm hài lòng những người khó tính nhất.
Tổng tiến công
Bí thư xã Nguyễn Thành Tốt nhớ lại, giải phóng rồi Bàu Bàng tan hoang, tiêu điều. Công cuộc tiến công cải tạo đồng ruộng, mảnh vườn do thương tích bom đạn được tất cả nhà nhà, người người xắn tay chung sức. Người dân phải đổ mồ hôi tới hàng chục năm ròng rã. Cuộc tiến công vào xóa đói, giảm nghèo mọi người hăm hở nô nức thi đua, đưa Lai Uyên nói chung Bàu Bàng nói riêng không lâu tiến vào thời kỳ mới giàu sang, sung túc.
Ông Tốt tâm sự: “Điều tôi vui nhất là người dân Lai Uyên vững vàng với một tư thế mới trong một tư duy sáng tạo, một niềm tin mãnh liệt vào chính sách đường lối đổi mới của Đảng. Họ miệt mài cần mẫn biến tấc đất thành tấc vàng. Hơn 8.000 ha của xã không nơi nào bỏ hoang, tất cả đều là cây trái, ruộng vườn”.
“ Khu công nghiệp và đô thị Bàu Bàng có diện tích 2.000 ha, hiện có 20 doanh nghiệp đang hoạt động, 20 doanh nghiệp đang xây dựng và hoàn thành thủ tục đầu tư.”
Trên mảnh đất bao nhiêu dấu thương tích của bom đạn, Nông trường Cao su Lai Uyên nhiều năm liền thắng lợi mùa “vàng trắng”. Đội ngũ công nhân nông trường là những chiến sĩ cần cù hăng say lao động, họ còn đi đầu trong nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, khai thác hiệu quả cao su.
Trước ngưỡng cửa vững bước đi lên của đất nước, Bàu Bàng, không chấp nhận “tư thế ngủ yên” và phẩm chất “chân quê”. Bàu Bàng đón tiếp cơ hội với hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, dân cư được quy hoạch đầu tư bài bản. Ở đó, 1.000 ha đất công nghiệp, 1.000 ha đất dân cư đô thị được quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng hẳn hoi. Khu công nghiệp và đô thị được xây dựng hiện đại bậc nhất nằm ngay bên quốc lộ 13, thuộc vùng cửa ngõ giao thương quan trọng của Đông Nam bộ và miền Trung Tây nguyên. Ở đó đang là tâm điểm chú ý của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Thành công ban đầu của khu công nghiệp và đô thị này đã đưa Bàu Bàng sang kỷ nguyên mới, với nhiều hứa hẹn mới.
HÒA NHÂN