Nếu ai từng đặt chân đến Bình Dương hay yêu mến vùng đất này, ắt hẳn từng nghe qua những vùng “đất lửa” như Chiến khu Đ, Chiến khu Vĩnh Lợi, Chiến khu Thuận An Hòa, Địa đạo Tam giác sắt... Những địa danh từng ngập chìm trong bom rơi, đạn lửa một thời nay vươn mình mạnh mẽ, tạo ra những công trình mang tầm chiến lược của cả nước bằng ý chí, khát vọng của bao thế hệ người Bình Dương.
Chiến khu xưa nay bừng sáng ánh đèn của phố xá thương mại về đêm. Trong ảnh: Siêu thị Aeon tọa lạc trên vùng đất Chiến khu Thuận An Hòa ngày xưa. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Làng quê thay “áo mới”
Khoảng 20 năm trước, khi đặt chân đến những vùng đất của Chiến khu Đ, Chiến khu Vĩnh Lợi, Chiến khu Thuận An Hòa hay Địa đạo Tam giác sắt, ai cũng dễ nhận ra dấu ấn của một vùng quê mộc mạc. Đời sống của người nông dân lúc đó còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp thuần túy. Những con đường sỏi đỏ quanh co nối dài trong thôn xóm. Nhưng nay, khi trở lại những vùng đất ấy, người ta khó mà nhận diện rõ đâu là làng quê, đâu là phố thị. Anh Nguyễn Quốc Việt, chủ khu nhà trọ gần Khu công nghiệp Việt Hương I, TP.Thuận An, chia sẻ: “Khoảng 15 năm trước, anh em chúng tôi còn di chuyển bằng xe đạp, người nào khá hơn thì có xe gắn máy, đi làm công kiếm sống. Bây giờ đường nhựa phủ khắp, nhà nào cũng có ô tô, bước chân ra đường là chợ búa, siêu thị, trung tâm thương mại. Vùng quê xưa đã thay đổi chóng mặt”.
Trong khi đó, ông Vũ Đình Toàn, ngụ xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên, người đảm nhiệm công việc giao liên tại vùng Chiến khu Đ, tâm sự: “Gia đình tôi cũng như bà con trong xã, sau giải phóng cặm cụi làm nông, khai phá đất. Đó là những ngày tháng phải ăn cháo, khoai thay cơm, thiếu thốn đủ bề. Bây giờ nhà nào cũng vươn lên khá giả. Nhiều nhà xây dựng được trang trại nông nghiệp công nghệ cao, thu tiền tỷ mỗi năm. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng thuận, quyết tâm vượt khó của người dân đã giúp Bình Dương phát triển vượt bậc”.
Trong những điển hình phát triển của những vùng “đất lửa” Bình Dương phải kể đến Chiến khu Thuận An Hòa. Có lợi thế về vị trí chiến lược khi giáp với cảng sông, cảng biển và trung tâm kinh tế lớn là TP.Hồ Chí Minh nên từ hơn 20 năm trước, lãnh đạo các cấp đã tập trung hợp tác, phát triển vùng đất này theo hướng công nghiệp, đô thị. Khu công nghiệp VSIP I ra đời với diện tích 500 ha, quy tụ những doanh nghiệp lớn về sản xuất, công nghệ cao trên toàn thế giới đã trở thành động lực phát triển của Bình Dương về sau. Vùng chiến khu xưa nay trở thành trung tâm phố thị bậc nhất của tỉnh. Ông Hồ Thanh Tâm, cán bộ khu phố tại phường Thuận Giao, người con vùng chiến khu, bồi hồi xúc động: “Tôi luôn cảm thấy tự hào khi được làm người con của Bình Dương. Tự hào về sự quyết tâm, quả cảm của những người cha, người ông không tiếc máu xương giành lấy độc lập, giải phóng đất nước. Và hôm nay, một lần nữa, tôi tự hào về sự phát triển vượt bậc về mọi mặt của Bình Dương”.
Những ngày cuối năm, nhiều cán bộ lão thành tại vùng Chiến khu Thuận An Hòa chia sẻ niềm vui, sự đầy đủ, ấm no với P.V
Nâng tầm đô thị, mức sống
Những năm gần đây, cùng với chủ trương phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, đô thị Bình Dương cũng từng bước được nâng tầm. Các trục giao thông kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm, các vùng chiến khu năm nào như Mỹ Phước - Tân Vạn, Quốc lộ 13 được mở rộng, các trục Vành đai 3, Vành đai 4, đường tạo lực Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng đã và đang được đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, đã và sẽ tạo đà cho sự phát triển mạnh về kinh tế toàn tỉnh trong thời gian tới.
Cùng với việc phát triển vượt bậc về kinh tế, Bình Dương còn đạt nhiều thành tựu quan trọng khác, đời sống người dân cả thành thị và nông thôn được quan tâm về mọi mặt. Thật tự hào khi hiện nay Bình Dương là tỉnh đứng đầu cả nước về thu nhập bình quân trên đầu người. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã xóa nhòa khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đang tạo ra những làng thông minh đáng sống, đầy đủ tiện nghi. Các chương trình y tế, giáo dục, văn hóa được tỉnh đầu tư đúng mức.
Theo năm tháng, bằng sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh, sự đồng lòng của người dân, những vùng đất ngập tràn hố bom, mảnh đạn ngày nào được thay bằng những làng quê trù phú xanh màu cây trái, hay những khu công nghiệp nối dài, những nhà máy tỷ đô. |
Nhiều người ví Bình Dương là vùng đất lành, vùng đất hội tụ. Và cũng không ít người cảm nhận Bình Dương còn là vùng đất nhân ái, nghĩa tình. Để trân quý công lao những người đã và đang đóng góp xây dựng Bình Dương, lãnh đạo các cấp đã đưa ra chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động từ nhiều năm trước. Hiện chương trình này đang đi đầu trong cả nước với hàng trăm ngàn căn nhà đã và đang được xây dựng. Mỗi năm, bằng sự chung tay, góp sức, các cấp chính quyền trong tỉnh luôn chăm lo chu đáo tết cho người lao động. Dịch bệnh ập đến, tỉnh nhà đã tích cực hỗ trợ người lao động bằng nhiều nguồn kinh phí, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc.
Và trên hết, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” mà các cấp lãnh đạo quan tâm thực hiện chu đáo, xuyên suốt trong thời gian qua đã mang nhiều niềm vui đến người có công, gia đình chính sách. Vùng chiến khu xưa đổi mới phát triển, cuộc sống của các gia đình chính sách, người có công cũng được cải thiện đáng kể. Từ khát vọng đổi mới, những vùng “đất lửa” năm nào nay thực sự đã vươn mình, trở thành cầu nối trung tâm về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kết nối vùng và xa hơn là vươn tầm quốc tế. “Đất lửa” hồi sinh và Bình Dương vươn mình.
QUANG TÁM