Bài 4: Đòn đánh chiến lược
Chiến thắng Phước Thành là trận đánh đầu tiên vang dội trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Chiến thắng Phước Thành mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung..
Thanh niên huyện Phú Giáo tham quan Nhà truyền thống huyện trước khi lên đường nhập ngũ
Trong những ngày cuối tháng 3 lịch sử, chúng tôi lại có dịp lên Phú Giáo. Thời điểm này, địa phương đang hòa mình vào không khí sôi động với các hoạt động chào mừng Đại hội Đảng các cấp và kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Huyện Phú Giáo trước đây chính là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Phước Thành. Cách đây gần 54 năm, chiến thắng Phước Thành đã làm nức lòng nhân dân cả nước, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu.
Ngày 22-10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm ban hành Sắc lệnh 143/NV thành lập tỉnh Phước Thành gồm 3 quận Tân Uyên, Hiếu Liêm và Phú Giáo. Trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Phước Vĩnh, do thiếu tá Nguyễn Minh Mẫn làm Tỉnh trưởng với ý đồ xây dựng Phước Thành thành một tiểu khu mạnh cùng với Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài, Lộc Ninh, Phước Long, tạo thành một hệ thống cứ điểm quân sự liên hoàn bao vây chia cắt Chiến khu Đ với Chiến khu Dương Minh Châu, Chiến khu Đ với Nam Tây nguyên; đồng thời tạo thành tuyến phòng thủ về hướng đông và đông bắc Sài Gòn, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc đối với miền Nam. Từ giữa năm 1961, trên địa bàn tỉnh Phước Thành, địch tăng cường lực lượng, lập thêm đồn bốt, mở rộng tiểu khu Phước Thành thành một cứ điểm quân sự mạnh, làm bàn đạp đánh phá, chia cắt Chiến khu Đ. Tiếp đó, ngày 13-4-1961, địch bố trí lại chiến trường, thành lập khu chiến thuật 31 đảm nhiệm việc đánh phá cách mạng ở miền Đông, trong đó có tỉnh Phước Thành và Chiến khu Đ. Với kế hoạch bình định gom dân, Mỹ - Diệm đã gây cho cách mạng miền Nam một số khó khăn nhất định.
Với quyết tâm đánh bại kế hoạch bình định của địch, lực lượng ta đã kịp thời đưa ra các phương án thích hợp để chiến đấu. Tháng 9-1961, Khu ủy và Bộ Tư lệnh miền Đông quyết định tiến công vào tỉnh lỵ Phước Thành nhằm phá tan ý đồ bao vây chia cắt chiến khu, đánh phủ đầu vào ý đồ bình định của địch. Mục tiêu của trận đánh là tiêu diệt toàn bộ quân địch, làm chủ tiểu khu, giải thoát tù chính trị. Ngay sau đó, Ban Chỉ huy trận đánh được thành lập. Lực lượng tham gia đánh Phước Thành gồm cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 800 là tiểu đoàn quân chủ lực Khu miền Đông lúc đó gọi là D500, Đại đội C260, một phân đội đặc công, một trung đội DKZ (3 khẩu). Lực lượng vũ trang địa phương gồm một trung đội của tỉnh, một trung đội huyện Phú Giáo, hai tiểu đội huyện Tân Uyên và du kích các xã làm nhiệm vụ chặn viện, phá hoại, nghi binh và phối hợp đánh nhỏ với mặt trận chính. Khoảng 23 giờ 30 phút đêm 17-9-1961, trận đánh bắt đầu đến 1 giờ 30 phút sáng ngày 18-9-1961, ta làm chủ trận địa. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng chiếm đóng gần 2.000 tên gồm 1 tiểu đoàn biệt động, 1 tiểu đoàn bảo an, 1 chi đội thiết giáp, 1 đại đội pháo 105 ly, 1 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát dã chiến, 1 đại đội dân vệ; tiêu diệt hoàn toàn tiểu khu Phước Thành, chi khu Phú Giáo cùng toàn bộ bộ
máy hành chính của địch, tiêu diệt tên tỉnh trưởng Nguyễn Minh Mẫn, thu trên 400 súng các loại và rất nhiều quân trang quân dụng, giải thoát gần 300 tù chính trị. Mất cơ quan đầu não lại bị các lực lượng địa phương bức bách, 10 đồn bốt địch đóng trên đường Phước Sang đi Đồng Xoài đã hốt hoảng bỏ chạy. Tề ở các vùng xung quanh thị xã cũng tan rã hoặc bỏ trốn. Các tuyến đường lên Phước Long và các huyện nam Chiến khu Đ được giải phóng hầu hết. Căn cứ miền Đông của Quân khu 7 và sau này của cả Nam Trung bộ được mở rộng và hình thành vững chắc.
Chiến thắng Phước Thành có ý nghĩa vô cùng to lớn. Lần đầu tiên, lực lượng vũ trang ta tấn công một tỉnh lỵ của giặc, đập tan bộ máy kìm kẹp cấp tỉnh. Bước đầu đánh bại kế hoạch bình định của chúng ở địa phương, đánh đòn phủ đầu vào âm mưu bao vây chia cắt Chiến khu Đ của địch. Thắng lợi này có ý nghĩa lớn về tiêu diệt lực lượng quân sự địch, làm bàng hoàng Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, lần đầu tiên một tỉnh lỵ của địch ở miền Nam bị ta đánh chiếm; cổ vũ mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng miền Đông và cả miền Nam. Chiến thắng Phước Thành đã để lại những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là phát huy sức mạnh tổng hợp, đánh địch bằng cả 3 mũi, 3 thứ quân, kết hợp tấn công với nổi dậy; sự kết hợp đúng đắn đường lối chính trị, quân sự sáng tạo của Đảng ta, là kết tinh của tài trí và tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường của các lực lượng vũ trang cách mạng. Chiến thắng Phước Thành mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung.
Phát huy truyền thống chiến thắng Phước Thành năm xưa, hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Phú Giáo đang ra sức thi đua lao động sản xuất để đưa địa phương ngày càng phát triển. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Phú Giáo tăng bình quân 12%. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm của huyện tăng bình quân 5,57%, đời sống nhân dân được cải thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai đã góp phần làm cho bộ mặt nông thôn huyện có nhiều khởi sắc. Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện Phú Giáo đang trên đà phát triển.
Bài 5: Bông Trang - Nhà Đỏ, chiến thắng điển hình của tư tưởng tiến công
CAO SƠN - KIẾN GIANG