Đặt tên chiến dịch Hồ Chí Minh: Quyết định lịch sử

Cập nhật: 14-04-2014 | 00:00:00

Ngày 1-4-1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ chỉ huy chiến dịch đặt tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

“Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”

Trước sự phát triển mau lẹ của chiến trường, Bộ Chính trị họp và khẳng định cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã bước vào trận quyết chiến chiến lược cuối cùng với quyết tâm: “Nắm vững thời cơ chiến lược, hơn nữa với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm”, thực hiện hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước. Ngày 14-4-1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Quân ủy Trung ương đang theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: TƯ LIỆU

Trước đó, ngày 1-4-1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu được chuẩn bị theo tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”. Như một bức tranh hoành tráng, xe pháo và tàu thuyền đủ loại, bộ đội và du kích, dân công và thanh niên xung phong, những ngả đường tấp nập..., cả dân tộc từ Bắc chí Nam đang hành quân, hậu phương đang dốc toàn lực ra tiền tuyến, nửa miền Nam vừa được giải phóng cũng góp sức vào chuẩn bị giải phóng nửa còn lại.

Từ ngày 2-4-1975, trước sự phát triển rất nhanh của tình hình, Thường vụ Trung ương Cục đã chỉ thị cho các Tỉnh ủy và lực lượng vũ trang: “Táo bạo đánh các điểm then chốt kể cả các tiểu khu, thị xã, khi có thời cơ”, với quyết tâm cao nhất “bằng tất cả khả năng sẵn có của địa phương mà mạnh dạn, táo bạo, phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh bằng lực lượng của bản thân phối hợp với chiến trường chung”.

Bản đồ các mũi tấn công của chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư Liệu

Dốc toàn lực giải phóng tỉnh nhà

Cùng với cả nước, tại Bình Dương, đầu tháng 4-1975, các đơn vị vũ trang nhận được Chỉ thị số 03/CT-TU của Thường vụ Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Chỉ thị nêu rõ thời cơ thuận lợi chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ mà Đảng bộ, quân và dân địa phương với “một ngày phát triển bằng 20 năm lúc bình thường”. Các lực lượng “phải hết sức nhạy bén với tình hình mới, phóng tay hết sức, mạnh dạn, táo bạo phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa bằng tất cả khả năng hiện có của mình để ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”.

Ngày 8-4-1975, Sư đoàn 320B đơn vị đi đầu của Quân đoàn 1, sau đó là Sư đoàn 312 hành quân đến vị trí tập kết tại Đồng Xoài. Mấy ngày sau, các đơn vị của Quân đoàn 3 vào đến Dầu Tiếng. Trong khi đó, các lực lượng vũ trang địa phương tích cực, khẩn trương chuẩn bị mọi mặt bước vào chiến đấu phối hợp chiến trường trong những ngày sắp tới.

Đến giữa tháng 4-1975, lực lượng địch trên toàn tỉnh vẫn còn hơn 3 vạn tên, gồm lính chủ lực Sư đoàn 5 bộ binh, 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 1 chiến đoàn thiết giáp, 10 tiểu đoàn bảo an cùng với lực lượng dân vệ, phòng vệ dân sự và hơn 50 khẩu pháo… được bố trí trên hơn 200 cứ điểm quân sự lớn nhỏ. Từ đầu tháng 4-1975, địch điều chỉnh lực lượng hình thành hai tuyến phòng ngự, vừa ngăn chặn, vừa chi viện cho nhau, gồm: tuyến ngoài, từ Bến Cát nối qua Phú Giáo; tuyến trong gồm Tân Uyên, Châu Thành, Lái Thiêu, thị xã.

Trong nội ô thị xã, trên các trục vào trung tâm, địch cho đào hào, xây hầm chống tăng, bố trí mìn bẫy, lập chướng ngại, hệ thống vật cản dài hàng chục kilômét để ngăn chặn ta tấn công. Nhưng mọi cố gắng của địch lúc này chỉ là sự phòng ngự bị động, chống đỡ trong thế không thể cứu vãn.

Từ ngày 14 đến 16-4-1975, Tỉnh ủy mở hội nghị cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để phổ biến nhiệm vụ cho quân và dân toàn tỉnh trong chiến dịch tiến công và nổi dậy giải phóng tỉnh và thực hiện nhiệm vụ phối hợp với các quân đoàn chủ lực trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Đồng chí Nguyễn Văn Luôn (Sáu Phát), Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Đây là thời cơ ngàn năm có một để quân dân ta tiến công, nổi dậy giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà, cùng quân dân toàn miền và cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam”. Tỉnh ủy trực tiếp giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang và các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Thị ủy. Theo đó, toàn bộ lực lượng (cả lực lượng vũ trang, lực lượng cán bộ các ngành dân chính đảng, lực lượng lộ, mật) phối hợp với lực lượng của trên đánh chiếm các mục tiêu bên trong tỉnh, quét sạch tàn quân địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà…

Thắng lợi của quân và dân Bình Dương đã góp phần cùng cả nước vào thắng lợi chung của toàn dân tộc trong cuộc chiến tranh 30 năm vừa qua, một cuộc chiến tranh “mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ hai mươi, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế và có tính thời sự sâu sắc”.

(Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần IV)

 

C.T (Theo Lịch sử Lực lượng vũ trang tỉnh Bình Dương 1945-2005)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1536
Quay lên trên