Dấu ấn doanh nghiệp Việt trên đất Myanmar

Cập nhật: 09-04-2012 | 00:00:00

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước bắt đầu “dòm ngó” đến thị trường Myanmar, một quốc gia nằm trong vùng Đông Nam Á được đánh giá là có nhiều tiềm năng và đang trong giai đoạn đổi mới.   Ông Trịnh Chí Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến giới thiệu sản phẩm với lãnh đạo TP.Yangon

Từng bước xây thương hiệu

DN Việt Nam bắt đầu để ý tìm hiểu, khai thác thị trường Myanmar vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Myanmar cách đây vừa tròn 2 năm. Trong số các doanh nhân Việt Nam tháp tùng cùng Thủ tướng ngày ấy, ở Bình Dương có ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen (KCN Sóng Thần, TX.Dĩ An).

Báo cáo trước đại hội đồng cổ đông của công ty trước đó, ông Lê Phước Vũ nhận định Myanmar là một thị trường đầy tiềm năng, lại không xa Việt Nam, có nhiều nét văn hóa tương đồng và đang trong quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển. Vì thế, Tập đoàn Hoa Sen quyết định thâm nhập thị trường này. Để mở đường cho việc thiết lập mối quan hệ thương mại với các đối tác ở thị trường đất nước đang phát triển này, Tập đoàn Hoa Sen đã ký kết và trở thành nhà tài trợ chính của Đội tuyển bóng đá quốc gia và Đội tuyển Olympic Myanmar trong vòng 3 năm liền. Tổng giá trị hợp đồng trong thời gian hợp đồng hiệu lực là 300.000 USD. Thời hạn hiệu lực hợp đồng tính từ ngày ký kết (17-5-2010) cho đến 2012. Đổi lại, tên của nhà tài trợ là Hoa Sen Việt Nam sẽ gắn với hoạt động của Đội tuyển bóng đá Nam Quốc gia Myanma và Đội tuyển Nam Olympic Quốc gia Myanmar. Thương hiệu DN Việt Nam nói chung, Hoa Sen nói riêng cũng từ đó bắt đầu “thấm” dần vào trong tiềm thức của người dân nước này. Không những thế, sự kiện này còn đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hợp tác song phương, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc, mở ra cơ hội phát triển mới không riêng kinh tế mà còn văn hóa, xã hội, thể thao giữa hai quốc gia.

Mới đây nhất, vào trung tuần tháng 3, một đoàn DN Việt Nam gồm 11 đơn vị, gồm: CT Group, Công ty TNHH Thép BMB, Nhựa Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến, Hương liệu Đông Dương, Fiditour, Saigontourist... đã tham gia khảo sát thị trường và xúc tiến đầu tư vào Myanmar dưới sự chủ trì của lãnh đạo 2 thành phố là TP.HCM và TP.Yangon (Myanmar). Qua đó, nhiều hợp đồng đã được ký kết, nhiều mặt hàng đã được giới thiệu đến người dân thị trường mới này. Theo đại diện của Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến, tại sự kiện này, đơn vị trưng bày triển lãm những mặt hàng nhựa gia dụng cao cấp mang nhãn hiệu, như: Household, Sina, Foodpak. Thông qua sự kiện ký kết hợp tác chiến lược với đối tác phân phối tại Myanmar, Công ty Đại Đồng Tiến đang đẩy mạnh nâng cao tỷ lệ xuất khẩu lên trên mức 10% so với tổng sản lượng hàng năm của công ty, mở rộng thị phần tại các quốc gia trong khu vực, hướng đến toàn cầu hóa thương hiệu theo định hướng phát triển của công ty. Đây cũng là một trong những đơn vị sản xuất và kinh doanh nhựa gia dụng hàng đầu Việt Nam.

Chủ động và giữ uy tín

Hiện nay, Myanmar đang trong giai đoạn mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Chính phủ nước này cũng đã công bố thả nổi tỷ giá đồng kyat bắt đầu từ tháng 4-2012. Dự thảo Luật Đầu tư mới của Myanmar đang đề nghị cho nhà đầu tư nước ngoài hưởng chế độ giãn thuế trong vòng 8 năm thay vì 5 năm như trước. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các DN Việt Nam cũng xem đây là cơ hội vàng để đầu tư vào thị trường tiềm năng này.

Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng lớn, thuận lợi bước đầu thì vẫn có những khó khăn cần phải biết trong quá trình chinh phục thị trường này. Đó là thu nhập bình quân đầu người của người dân nơi đây còn rất thấp, hàng Việt Nam không phải “độc diễn” ở thị trường mà còn phải cạnh tranh với rất nhiều hàng hóa khác đến từ Trung Quốc, Thái Lan... với giá rẻ, mẫu mã đẹp. Vì thế, tham gia vào thị trường này, DN Việt Nam cần phải có bước đi cẩn thận, chu đáo và có chiến lược rõ ràng; cần phân tích thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và điều đặc biệt cần quan tâm là phải giữ uy tín, không vì cái lợi trước mắt mà đánh đổi, ảnh hưởng đến thương hiệu của DN nói riêng, thương hiệu Việt Nam nói chung, ảnh hưởng xấu đến tình cảm của người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam.

Theo Công ty Cổ phần Đại Đồng Tiến thì hiện nay công ty này đang xuất sang Myanmar một lô hàng đồ nhựa gia dụng trị giá 10.000 đôla Mỹ cho đối tác là nhà phân phối độc quyền của công ty. Trong giai đoạn đầu, đối tác sẽ lo việc phân phối hàng hóa, quảng bá thương hiệu tại các thành phố lớn. Sau đó, công ty sẽ đánh giá lại hiệu quả kinh doanh và tiến tới mở văn phòng đại diện ở Myanmar, mở rộng thị trường này. Còn đại diện Công ty Vissan thì cho rằng, cơ hội vẫn nhiều hơn khó khăn nên cần phải nỗ lực. Trong chuyến tham gia khảo sát thị trường vừa qua, Vissan đã mang theo 100kg sản phẩm khô các loại và đã nhận được nhiều lời khen từ người tiêu dùng bản địa. Vì thế, công ty sẽ mở hệ thống phân phối thực phẩm khô với 2 dòng sản phẩm được người tiêu dùng Myanmar đánh giá cao do khẩu vị phù hợp là đồ hộp và xúc xích tiệt trùng.

Với những dấu ấn ban đầu của các DN Việt Nam tại thị trường Myanmar, cho thấy khả năng chinh phục thành công thị trường này là khá lớn. Đây là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và một số thị trường truyền thống cũng đang rơi vào tình trạng ảm đạm. Tuy nhiên, khi vào thị trường này, DN có thành công mỹ mãn như mong muốn hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào nội lực của các DN và sự “hiếu khách” từ phía Chính phủ của đất nước đang cố gắng thay đổi này.

Myanmar có diện tích 678.500km2, dân số hơn 47 triệu người, trong đó lực lượng lao động hơn 30 triệu, cơ cấu kinh tế là nông nghiệp, dịch vụ và công nghiệp với tỷ trọng tương ứng 70 - 23 và 7%. Hạ tầng Myanmar nói chung đang rất thiếu nên sẽ là tiềm năng cho các nhà đầu tư Việt Nam. Văn hóa của hai nước Myanmar và Việt Nam cũng có những nét tương đồng nhất định, bởi người theo đạo phật của Myanmar chiếm tới 89% dân số.

T.ĐỒNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên