Dấu ấn một thời

Cập nhật: 07-07-2012 | 00:00:00
Mẹ Việt Nam anh hùng Quách Thị Lương Truyền, khi còn sống kể lại: Ngày con Trung, cô gái út tui hoạt động ở vùng này bị lộ - Nó còn nhỏ tuổi chưa dám nghĩ chuyện thoát ly. Tui biểu nó: Mày không hoạt động ở vùng này được nữa con à! Rồi tui sắm cho nó chiếc võng, tấm đắp và mấy bộ quần áo... Đợi chiều tối, tui dẫn nó vô cứ. Gặp mấy anh giải phóng, tui biểu: Má gửi em cho các con dìu dắt chớ để ở ngoài lỡ bị bắt không chịu nổi tra tấn, nó khai ra tổ chức thì mệt!Khi viết chuyện Hoạch & Quốc tôi mới biết, sau khi ám sát tên Thơi chỉ có Quốc bị lộ; Hoạch đang làm dân vệ của địch, nhưng là anh ruột Quốc. Nghi hai anh em ruột có liên quan với nhau, nửa đêm địch dùng điện đài lệnh tước vũ khí Hoạch.  Khi ấy Hoạch đang cùng lính đi kích ngoài đồng - Hoạch nghĩ mình bị lộ, nên bắn nhau với lính; anh bị thương và bị bắt! Sáu “Cao Giò” từ trại lính được tin  cũng chủ động lấy súng giặc chạy về C63 rồi thoát ly luôn.Dù bị địch bắt và tra tấn, các chiến sĩ du kích không ai khai báo gì hết. Nhưng phòng xa địch phát hiện được. Chị Út Trung mới 15 tuổi đã phải đi thoát ly.  Mẹ con chia tay nhau thật cảm động “Hôm mẹ tiễn con đi, mẹ dẫn tui đến cái chòi hoang ngoài vòng chiến lược. Gặp cán bộ xã, mẹ nói: “Đây! Mẹ còn đứa con út này, định để lại giúp nhà khi các anh nó vắng. Nhưng thôi! Mẹ mong các con nhận, thay mẹ dạy dỗ nó nên người, trăm sự nhờ các con!... 6 lần mẹ tui sinh con ra; rồi khi chúng tôi lớn lên. Lại 6 lần mẹ tiễn các con đi làm cách mạng” - chị viết.Chị làm văn thư cho Văn phòng Huyện ủy. Được 2 tháng, tổ chức điều chị về Tỉnh ủy Thủ Dầu Một. Cuối năm 1963 trên lại quyết định chị về công tác tại  Khu ủy Đông Nam bộ... ***Trước một năm Chiến dịch Mậu Thân - 1968 chị về làm bí thư chi bộ khu phố 4, chợ Búng. Chị nói: Nhiệm vụ của địa phương mùa xuân năm đó là, tải thương và tiếp tế cho chiến dịch; Hai là dẫn bộ đội chủ lực tập kích các vị trí, cơ sở của địch... Giờ G, đêm giao thừa xuân Mậu Thân: Tại Búng, bộ đội chủ lực kết hợp với bộ đội địa phương và du kích đồng loạt nổi dậy. Đợt một quân giải phóng làm chủ ấp Thạnh Bình trong 3 ngày tết.  Ngày mùng 4 do có lệnh rút, chủ lực giao cho du kích ấp lúc đó có 3 người chốt giữ. Do quân số ít ỏi, ngày mùng 5 tết, Tiểu đoàn 5 ngụy đã tràn vô chiếm lại ấp này; đợt hai vào khoảng tháng 2 âm lịch quân giải phóng cùng lực lượng nổi dậy tấn công địch ở nhiều nơi... Nhiều vị trí địch bị tan rã, binh sĩ bỏ ngũ hoảng loạn... Số còn lại co cụm lại tại Chi khu Lái Thiêu - Và khi quân ta ngừng tấn công, từ đây chúng đã phản kích trở lại.Nhớ lại một trận phản kích của địch, chị Út kể: Lần ấy tôi suýt mắc bẫy chiêu hồi Phan Bá Mậu(1), hắn từ một tiểu đoàn trưởng của ta nhưng chiêu hồi địch. Buổi tối sau khi trao đổi tình hình với tui, Mậu nói: “Thủ trưởng đẹp gái quá - cho tôi về hầm chị nghỉ lại, khuya đi được không?” - “Đẹp cũng không ăn uống gì được đâu anh” - Bấy giờ tui ở chung hầm bí mật với một đồng chí nữ, tui khước từ anh ta; 5 giờ sáng, tui cho anh em du kích đưa Mậu qua đường 13 cũ - đoạn nay là trường phổ thôngTrịnh Hoài Đức! Rồi 3 tiếng sau đó, khoảng 8 giờ sáng khi tui đang nằm trong hầm thì nghe giọng Mậu oang oang từ loa phóng thanh trên trực thăng của địch: “Tôi là Phan Bá Mậu - tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn... đã đầu hàng “Quốc gia”; anh em chiến sĩ hãy... Làm tui sửng sốt! ” - Chị  nói: Đấy là chuyện không vui, nhưng nó cũng là lịch sử của vùng này. Phan Bá Mậu chỉ điểm cho địch phản kích gây thiệt hại cho Đại đội 13 của chính tiểu đoàn y chỉ huy - Trong số chiến sĩ Đại đội 13 hy sinh tại đây, có liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hanh(2) (anh bà con với người viết truyện này)... *** Sau tổng tấn công Mậu Thân 1968. Địch trở lại vùng này, chúng tuyên bố: Quét sạch lá măng để tìm hầm bí mật! Chúng gây căng thẳng cho lực lượng đang bám trụ trong vùng! Sau những cuộc càn quét của địch, cơ sở bị tróc, một số phải nằm im, hoặc rút vô rừng - Quan hệ máu thịt giữa Đảng và dân bị ngăn cách; phong trào đấu tranh của quần chúng ở Búng tạm thời lắng xuống. Trước tình thế đó, Huyện ủy Lái Thiêu chỉ đạo cán bộ phải ra khỏi hầm để bám dân... Cũng trong thời gian này chị Trung bị bắt. Chị kể lại: Sau nhiều lần bắt hụt, địch treo giải: “30.000 đồng tiền ngụy nếu bắn chết, hoặc 50.000 đồng nếu bắt sống được Út Trung” - Rồi một lần tui đi công tác bám dân, bất ngờ gặp tốp lính địch tại chùa Phước Tường. Tên hạ sĩ cầm đầu nhận ra tui: - Thái Thị Bạch (3), người đã bị bắt!... Hắn la lớn.Tui hơi giật mình vì chúng gọi đúng tên “cúng cơm” của mình.- Tui đi chợ, sao bắt tui? Tui đáp lại khi  cả tụi chĩa súng vây quanh .  Rồi tui vặn lại chúng:- Tui hỏi, tại sao các ông bắt người? - Bà cầm đầu bọn Cộng sản vùng này! Tên hạ sĩ gằn giọng. Sau rồi, tui nghe bọn lính kháo nhau:- Lần này được thưởng 50.000 đồng, hạ sĩ dư sức mua chiếc xe honđa đỏ, còn dư mấy chục nữa; nhậu không hạ sĩ?  - Nhậu chứ!... Tên khác xen vô:  - Ủa! Tui tưởng sếp Việt cộng phải  dữ dằn lắm chớ? Ai ngờ con nít trơn hà! - Cha mày! Có mày lính trơn, chứ làm gì có con nít trơn? Tên hạ sĩ xẵng giọng. Hắn  cười  nói  với đồng bọn:- Sếp quá đẹp phải không mày?  ...Không khuất phục được chị Trung, địch tống chị vô khám đường Phú Lợi. Má con gặp nhau trong nhà lao: Mừng hết sức má biểu - “Người ta nói mày chiêu hồi, tao hổng tin - tụi nó xạo lắm!”. Chị Trung ôm má vào lòng - Má cố ý nói lớn cho người trong khám nghe để phòng giọng lưỡi của địch. Bọn chúng tức giận tới phòng giam hách dịch: “Tui cấm bà nói chuyện với con!” - “Các ông nói lạ? Con tui đẻ ra, má con nói chuyện với nhau là thường”.Chị Trung không chào cờ địch khiến chúng tức giận: “Bà phải biểu con bà chào cờ, không được chống nội quy - Nếu không nó sẽ bị tống đi Côn Đảo!” - Má nói: “Nó là con tui thiệt - Nó chống chào cờ, chống nội quy là quyền của nó tui không can thiệp được” - Thêm lần nữa chúng thua má... Chị bị đày ra Côn Đảo, khi mới 21 tuổi. Chị cống hiến cho đất nước khi còn niên thiếu, chia tay mẹ lúc mới 15 tuổi - Mẹ Truyền, tính giữ cô gái út ở bên cạnh đỡ đần mình khi các anh nó vắng nhà, mà không được - mẹ nói; trong tuổi thanh xuân của mình, chị đã trải qua các nhà tù -  Đó là những tháng năm không thể nào quên của chị.                                                                 ***Trải qua các nhà tù với những cực hình tàn bạo của chúng; nhưng bên cạnh  đó là khí phách kiên cường của những người Cộng sản - Chị kể: Tui bị giặc bắt vào ngày 22-6-1969. Sau một thời gian tra tấn, đánh đập, chúng giải tui về khám đường Bình Dương. Là một người tù có án tôi biết giặc sẽ đưa mình đến nhà tù Thủ Đức.Trước khi đi đày tui rất băn khoăn nhưng cũng may gặp được một đồng chí từ nhà tù Thủ Đức trở về. Tôi làm quen và tìm hiểu cách thức của nhà tù này. Đồng chí cho biết: “Nhà tù Thủ Đức có hai chế độ. Một là thi hành, hai là kỷ luật biệt giam: Thi hành là chào cờ giặc, hô khẩu hiệu chống lại cách mạng; còn kỷ luật là chống lại các hình thức trên - Đồng chí muốn đi chế độ nào? Kỷ luật thì bị nhốt xà lim, chịu tra tấn đánh đập, bỏ đói bỏ khát, phơi nắng không cho tắm rửa và  còn nhiều trò khác không sao lường trước được. Phải liệu sức mình, đừng để đi rồi lại rớt xuống Thi hành” - Tui nằm gác tay suy nghĩ mãi về lời đồng chí ấy nói. Lẽ nào mình lại đi chào cờ giặc, hô khẩu hiệu chống lại Đảng, chống lại cách mạng, còn kỷ luật liệu mình có qua được không?Nhớ lại những ngày mới bị bắt vào đây, mình đã kiên quyết không khai báo gì? Lòng tự trọng trong tui trỗi dậy: Hãy giữ vững phẩm chất đạo đức người Cộng sản - Thế là tôi chọn chế độ hai... Khi đến Thủ Đức, theo lời của đồng chí ấy tui  không nhận thẻ bài (thẻ có tên và số tù đeo trước ngực). Một trận đòn phủ đầu ác liệt, rồi nhiều trận sau đó cũng ác liệt không kém. Trận nào cũng máu chảy thịt bầm!Thể xác bầm dập, nhưng tui luôn nhẩm mấy câu thơ bất tử đọc được của một đồng chí nào đó viết trên vách hầm giam ở nhà tù Phú Lợi:“Đây dấu vết của những người đi trước Họ đã bước và còn đang tiến bước Đi tìm hương xây đắp cho đời.Trong đau thương vẫn thản nhiên cười                                     ………Mong sao đời sớm nở hoaDù trên mồ trẻ trăng tà trăng soi!...”.Rồi tui cũng đi qua Kỷ luật để trở thành người tù biệt giam. Cùng với những đồng chí nữ tù khác, tui bị tù đày từ Thủ Đức đến Tân Hiệp, rồi Chí Hòa và cuối cùng là Côn Đảo. Đến đâu chúng tôi cũng học tập gương của những người đi trước để tui rèn ý chí của mình...Hiệp định Pari được ký kết, hơn 500 nữ tù được tách ra làm hai. Một số chúng đưa đi trao trả, một số chúng nhốt lại - Một cuộc hành hình mới lại tiếp tục mà không ai biết trước được điều gì; bởi vì kẻ thù càng thua càng lồng lộn điên cuồng. Rồi chuyện đến đã phải đến; cuộc chia ly giữa người được trao trả và kẻ ở lại Côn Đảo đã diễn ra đầm đìa nước mắt!... Thay vì số nữ tù chính trị theo hiệp định sẽ được trao trả, nhưng địch thay thế đám tay sai ác ôn, với âm mưu về sau làm hậu thuẫn cho chúng; vì thế chúng phải thủ tiêu toàn bộ số nữ tù còn lại - Bên ngoài mỗi phòng chúng đã cài đặt chất nổ ở vách tường.Thực hiện ý đồ này, chúng cho chuyển toàn bộ chị em sang gian Nhân hiệp đảng (Nhân hiệp đảng là tù trộm cướp lưu manh). Buổi sáng mới thức dậy: Trước cửa phòng đã tập trung tất cả bọn trật tự, giám thị, cảnh sát. Trên tay mỗi thằng đều có dùi cui, bá trác, lựu đạn cay. Chúng ào vô, lôi kéo chúng tui ra khỏi phòng, chở về trại 2 để lăn tay chụp hình, làm lại hồ sơ - mà thực chất là giả chứng cứ hòng che mắt Ban liên hợp bốn bên của HĐ Pari, sau khi sát hại họ - Chúng sẽ nói thác đi, đây là những tử tù trộm cướp, lưu manh...Không mắc mưu chúng, chị em chúng tôi đã chống lại quyết liệt: Chúng tôi tìm cách đấu tranh không cho chúng thực hiện ý đồ; vì vậy địch đàn áp tàn nhẫn, có chị ngất xỉu tại chỗ, chị máu chảy đầm đìa... Nhưng họ xiết chặt lấy nhau, người gục đầu, người làm méo mặt, quẹo tay, để chúng không chụp hình được - (đến nay những hình ảnh tư liệu ấy vẫn được lưu giữ tại bảo tàng Côn Đảo). Phụ nữ chúng tôi, ai cũng muốn mình đẹp dù ở tuổi nào, hoàn cảnh nào. Ngày ấy chị em chúng tôi phần lớn đang ở độ tuổi thanh xuân, đầy mơ mộng. Nhưng để bảo vệ những điều thiêng liêng cao quý nhất của mình; và để bẻ gãy mọi ý đồ của giặc, những người con gái ấy không ngại bất kỳ khó khăn nào, kể cả việc làm bớt phần duyên dáng vốn có của mình”...***Ngày 30-4-1975, chị Trung từ Côn đảo trở về trong Khúc Khải Hoàn ca chiến  thắng. Cùng với những hy sinh mất mát lớn của cả dân tộc, mẹ Truyền có 6 người con đều tham gia kháng chiến. Ngày giải phóng, 5 con trai đã hy sinh hết - Mẹ đã khóc bao nhiêu nước mắt; chỉ còn duy nhất cô con gái Út trở về. Ôm chặt Út Trung vào lòng mà bà vẫn chưa tin là thật...  Truyện ký: NGUYỄN BÁ NHÂN Ghi chú :(1)Chiêu hồi Phan Bá Mậu (sử Lái Thiêu chép lại: Mậu từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6, thuộc Trung đoàn 165, Sư đoàn 7 - Mậu chiêu hồi địch tại Lái Thiêu vào đợt hai  cuộc Tổng tấn công năm Mậu Thân 1968 khi đang phụ trách Tiểu đoàn 6, gây thiệt hại cho Đại đội 13 của tiểu đoàn này - Một số chiến sĩ Đại đội 13 đã hy sinh tại đây). (2)Tháng 12-2010. Gia đình liệt sĩ Nguyễn Ngọc Hanh đã tìm thấy hài cốt anh Hanh ở cánh đồng Bưng, xã Bình Chuẩn,  Thuận An, Bình Dương (do chị Út Trung và chồng chị là anh Hai Cơ - nguyên Huyện ủy viên huyện Lái Thiêu thời bấy giờ; hai người năm xưa am hiểu vùng này, đã tận tình giúp đỡ công việc này). Hiện nay anh chị đang sống hạnh phúc với đàn cháu (con những người anh liệt sĩ để lại) tại An Thạnh, Thuận An, Bình Dương - Vợ chồng chị Trung đã kết hôn sau ngày giải phóng miền Nam, nhưng không có con.(3)Thái Thị Bạch, tên hồi nhỏ của chị Trung theo họ cha chị  là ông Thái Văn Đầy.
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=341
Quay lên trên