Dấu ấn thành phố trẻ

Thứ sáu, ngày 29/03/2024
Theo dõi Báo Bình Dương trên

(BDO) Sau 10 năm thành lập, Tân Uyên hôm nay thật sự tươi đẹp, chất lượng sống của người dân nâng lên, một thành phố năng động và hiện đại, phát triển bền vững. Thành quả đó đem đến niềm tự hào, đó là dấu ấn của trí tuệ, bản lĩnh kiến tạo, xây dựng của các thế hệ cán bộ, nhân dân, cùng cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.

 Diện mạo đô thị Tân Uyên ngày càng văn minh, hiện đại

Vươn mình mạnh mẽ

TP.Tân Uyên đã vươn mình một cách mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực, được đánh giá là vùng đất có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển thành vùng kinh tế động lực của Bình Dương nói riêng, vùng Đông Nam bộ nói chung. Hiện TP.Tân Uyên có 3 khu công nghiệp (KCN), 3 cụm công nghiệp với hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) trong nước, tổng vốn đăng ký hơn 34.000 tỷ đồng; gần 650 DN nước ngoài, tổng vốn đăng ký hơn 5,3 tỷ đô la Mỹ. TP.Tân Uyên đang có 2 dự án KCN VSIP lớn nhất Bình Dương và cả nước, đó là VSIP II có quy mô 2.045 ha và VSIP III hơn 1.000 ha.

Thương mại - dịch vụ phát triển sôi động, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được đầu tư đáp ứng yêu cầu mua sắm của người dân. Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên, cho biết với định hướng ưu tiên phát triển nhanh, mạnh ngành thương mại - dịch vụ, thành phố đang tiếp tục tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ. Chính quyền và nhân dân thành phố không ngừng phát huy những lợi thế sẵn có, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Song song với phát triển kinh tế, TP.Tân Uyên luôn chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện kịp thời các chính sách chăm lo cho người có công, người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2023, thành phố đã giới thiệu việc làm cho 15.529 lao động, đạt 258,8% nghị quyết, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89,09%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,55% theo tiêu chí của tỉnh.

Cơ sở vật chất ngành giáo dục - đào tạo được quan tâm đầu tư, đội ngũ giáo viên ngày càng nâng cao trình độ. 100% thí sinh các trường THPT đậu tốt nghiệp năm 2023. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,78%. Trung tâm Y tế TP.Tân Uyên được UBND tỉnh công nhận là bệnh viện hạng II, nâng quy mô lên 200 giường, với nhiều kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là triển khai chạy thận nhân tạo, góp phần chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho nhân dân thành phố và các khu vực lân cận.

Bên cạnh đó, Lễ hội Hương bưởi Bạch Đằng qua 3 lần tổ chức đã mang lại nhiều ấn tượng cho hàng trăm ngàn lượt khách tham quan. Đề án Xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 gắn với xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng bước đầu đạt kết quả tích cực, làm đổi thay dáng hình nông thôn mới, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Xây dựng đô thị xứng tầm

Phải khẳng định trong những năm trở lại đây, TP.Tân Uyên đã thay màu áo mới. Diện mạo đô thị Tân Uyên hôm nay không còn mang dáng dấp của một vùng đất thuần nông nhỏ bé nằm nép mình bên dòng sông Đồng Nai ngày nào. Vùng đất này đang mạnh mẽ chuyển mình, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp ngày xưa, nay được đầu tư mở rộng khang trang, sạch đẹp, giúp việc đi lại, giao thương của người dân thuận lợi.

 Phát huy lợi thế, khai thác tốt tiềm năng, TP.Tân Uyên vươn mình phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Một góc Khu công nghiệp Nam Tân Uyên

Theo UBND TP.Tân Uyên, ngay sau khi được công nhận đạt đô thị loại III vào năm 2018, Tân Uyên đã có bước chuyển mạnh trong phát triển đô thị. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị ngày càng hoàn chỉnh theo hướng đồng bộ, văn minh, hiện đại. 100% các tuyến đường do thành phố quản lý được nhựa hóa. Hệ thống giao thông đồng bộ, liên kết tới các khu vực trong và ngoài tỉnh bao gồm giao thông thủy, bộ, hệ thống bến cảng, kho bãi...

Các dự án đường kết nối vùng như Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành… đi qua địa bàn Tân Uyên mở thêm cơ hội kết nối kinh tế, giao thương, tạo đà phát triển về kinh tế - xã hội mới. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh khó khăn được chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo kịp thời, từ đó người dân cảm thấy thêm yêu, tự hào về quê hương mình.

Ông Trần Thanh Giàu, ngụ phường Thái Hòa, cho biết: “So với 10 năm trước, Tân Uyên hôm nay thay đổi rất nhiều. Đường sá rộng thênh thang, nhà cửa khang trang, phố xá sầm uất. Chứng kiến sự đổi thay này, tôi cảm thấy rất đỗi vui mừng và tự hào. Tôi hy vọng trong hành trình tiếp theo, Tân Uyên sẽ có thêm nhiều những thành tựu mới, để mọi người dân trong địa phương được hưởng cuộc sống ấm no và hạnh phúc”.

Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TP.Tân Uyên: Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng. Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của thành phố phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tạo ra thế và lực mới thúc đẩy sự phát triển của TP.Tân Uyên trong thời gian tới.

Xung lực phát triển mới

Sau 1 năm được công nhận là thành phố, Tân Uyên đang nỗ lực hoàn thiện để có những bước phát triển toàn diện hơn về mọi mặt. Hiện kinh tế - xã hội của thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng cao, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại. Chính quyền và nhân dân thành phố trẻ này đang không ngừng phát huy những lợi thế sẵn có, quyết tâm đưa TP.Tân Uyên trở thành đô thị loại II trong thời gian sớm nhất.

Tân Uyên xác định mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố trở thành một trung tâm lớn phía nam tỉnh Bình Dương về công nghiệp, dịch vụ thương mại, tài chính, văn hóa - du lịch; đô thị mới hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút người dân từ các địa phương đến sinh sống và làm việc. Không gian liên kết giữa đô thị Tân Uyên và đô thị Bình Dương cũng như TP.Hồ Chí Minh, TP.Biên Hòa sẽ được kết nối thành một đại đô thị phía Nam đất nước, là đầu mối giao thông quan trọng của tỉnh và của vùng.

Mới đây, Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Tân Uyên đến năm 2040 đã được UBND tỉnh thông qua. Theo đó, Tân Uyên định hướng đến năm 2030 là đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái; đến năm 2040 là đô thị dịch vụ - công nghiệp - đầu mối giao thông cấp vùng và nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái. Trong đó, công nghiệp phát triển theo hướng sạch, công nghệ cao.

Thành phố xác định quan điểm phát triển là khai thác lợi thế và tiềm năng mới, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế kỹ thuật - xã hội theo hướng phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị - nông nghiệp đô thị; đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, tạo nền tảng để Tân Uyên trở thành trung tâm dịch vụ đô thị. Theo định hướng phát triển, thành phố sẽ tập trung đầu tư vào một số dự án hạ tầng khung như cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh, đường đi cảng Thạnh Phước, cầu Bạch Đằng 2, mở rộng đường ĐT742, ĐT747A... Khai thác quỹ đất công xây dựng các công trình hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, giải quyết an sinh xã hội và nâng cao mức sống dân cư đô thị, đầu tư các công trình dịch vụ, công cộng bảo đảm các tiêu chí đô thị loại II.

 NGỌC THANH