Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bàu Bàng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy Bàu Bàng đã ban hành Chương trình số 03-CTr/HU về “Xây dựng nông thôn mới (NTM) trong quá trình đô thị hóa, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Phát triển kinh tế nông thôn
Năm 2023 đối với ông Nguyễn Văn Bình, ở ấp Ông Chài, xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng là một năm có nhiều niềm vui trong phát triển kinh tế gia đình. Vui bởi vườn sầu riêng mới của ông đã cho sản lượng thu hoạch ngày càng tăng. Với vườn sầu riêng mới đưa vào thu hoạch, gia đình ông Bình hiện đã có 2 ha sầu riêng. Năm nay, sầu riêng vừa được mùa, giá bán lại khá cao, khoảng từ 60.000 – 80.000 đồng/ kg. Kết mùa, ông Bình nhẩm tính sau khi trừ chi phí mỗi ha lãi khoảng 1 tỷ đồng. “So với cây cao su thì trồng sầu riêng lợi nhuận nhiều gấp hàng chục lần. Hiện nay, nhiều hộ trong xã cũng đang đầu tư chuyển đổi trồng sầu riêng để tăng thu nhập...”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch phát triển lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với chế biến và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thời gian qua, huyện Bàu Bàng đã tập trung vận động nông dân phát triển các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng ở địa phương. Trong đó, cao su vẫn là cây trồng chủ lực của huyện với diện tích trên 18.130 ha, năng suất cao su toàn huyện đạt bình quân 1,46 tấn/ha, giá bán hiện nay 35 triệu đồng/ tấn, doanh thu đạt 54,4 triệu đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, diện tích cây ăn trái trên 360 ha, chủ yếu là cây có múi (cam, quýt, bưởi da xanh, chuối cấy mô, dưa lưới…). Cam, quýt, bưởi da xanh, sầu riêng tập trung tại các xã: Long Nguyên, Cây trường II, Trừ Văn Thố và một phần ở xã Lai Hưng, Tân Hưng với tổng diện tích đang thu hoạch là 273 ha. Đối với cây có múi doanh thu đạt từ 1,4 - 1,6 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận thu về ước đạt 880 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, hiện toàn huyện có 120 ha măng tre Điền Trúc tại xã Cây Trường II cho thu nhập bình quân 180 triệu đồng/ha/năm, sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước là chính.
Ông Nguyễn Văn Bình (giữa), xã Cây Trường II, giới thiệu về vườn sầu riêng cho thu nhập tiền tỷ
Cùng với việc đa dạng hóa cây trồng, nhiều xã còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ, sản xuất sản phẩm theo hướng xanh, sạch, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua việc đăng ký sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, OCOP. Mặt khác, thời gian qua huyện cũng luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, cá nhân đầu tư sản xuất, khuyến khích phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ nông thôn, cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.
Phấn đấu “về đích” trước 2 năm
Mục tiêu của Chương trình số 03-CTr/HU về “Xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; xây dựng NTM gắn với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; định hướng quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng và các dịch vụ xã hội phù hợp với định hướng đô thị hóa, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn. Mục tiêu đến năm 2025, 100% xã của huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Từ nay đến cuối năm 2025, huyện Bàu Bàng phấn đấu xây dựng xã Long Nguyên, Lai Hưng và Trừ Văn Thố được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; huyện Bàu Bàng được công nhận huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; phấn đấu có ít nhất thêm 20 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng đạt 3 sao trở lên; 100% số xã trên địa bàn huyện có sản phẩm đăng ký tham gia OCOP. |
Thời gian qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức như dịch bệnh Covid-19, kinh tế suy giảm, xung đột quân sự trên thế giới... đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói chung và việc thực hiện chương trình đột phá “Xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” nói riêng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng chung sức của nhân dân, việc thực hiện chương trình quốc gia xây dựng NTM của huyện vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đánh giá của UBND huyện Bàu Bàng, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (giai đoạn 2021-2023), đến nay với sự nỗ lực không ngừng của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân, chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đa số nhân dân tích cực tham gia, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM đã từng bước được nâng lên..., góp phần quyết định trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân cũng như hoàn thành vượt mức các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Đến nay, 50% số xã (Long Nguyên, Lai Hưng và Cây Trường II) đạt NTM nâng cao. Thời gian qua, các ngành, địa phương đã chủ động huy động, lồng ghép các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vệ sinh môi trường…; chất lượng tiêu chí ở các xã đạt chuẩn NTM nâng cao cơ bản được duy trì, giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng tiêu chí.
Hiện nay, việc xây dựng chuẩn NTM nâng cao căn cứ theo Quyết định số 2459/QĐ-UBND ngày 3-10-2022 của UBND tỉnh. Quyết định này có bộ tiêu chí mới vẫn bao gồm 19 tiêu chí, nhưng bổ sung thêm 32 chỉ tiêu (từ 43 chỉ tiêu lên 75 chỉ tiêu), trong đó có nhiều nội dung cần nâng chất, điều kiện khó và cao hơn. Do đó, hiện nay các xã đang nỗ lực thực hiện hoàn thành các tiêu chí theo quy định. Hiện tất cả các xã đã đạt từ 16 đến 18/19 tiêu chí theo quy định. Huyện Bàu Bàng quyết tâm đến cuối năm 2023 sẽ có 100% xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Kết quả này nếu đạt được sẽ giúp huyện “về đích” sớm trước 2 năm so với kế hoạch đề ra.
TRÍ DŨNG - PHÚ HÀO