Dấu ấn xuất khẩu Bình Dương

Cập nhật: 18-01-2023 | 08:16:06

Năm 2022, Bình Dương vẫn duy trì đà xuất siêu tại nhiều thị trường, đứng thứ 3 cả nước về kim ngạch xuất khập khẩu. Những con số xuất khẩu của Bình Dương thực sự là một điểm sáng ấn tượng của kinh tế năm vừa qua giữa bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu.

 Các doanh nghiệp ngành cơ khí nỗ lực xuất khẩu, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp FDI, phát triển chuỗi cung ứng. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên)

 Địa phương xuất khẩu chủ lực

Theo số liệu thống kê Tổng cục Hải quan vừa công bố, năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 371,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,5%, tương ứng tăng 35,14 tỷ đô la Mỹ so với năm 2021. Trong đó, Bình Dương có đóng góp quan trọng vào kết quả trên với vị trí là những địa phương chủ lực có kim ngạch “chục tỷ đô”. Bình Dương đứng thứ 3 cả nước với tổng kim ngạch đạt 34,33 tỷ đô la Mỹ.

Nhìn lại năm 2022, với những nỗ lực vượt khó, Bình Dương đã xuất siêu 9,1 tỷ đô la Mỹ. Con số này đã góp phần cân đối cán cân thương mại, mang lại giá trị thặng dư cao cho cả nước. Kết quả này có được đến từ sự nỗ lực của các ngành kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc khai thác hiệu quả lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Thiên Lộc cho biết năm 2022, vấn đề lạm phát, biến động giá hàng hóa, dấu hiệu suy thoái qua một số chỉ số kinh tế ở nhiều thị trường đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của các DN trong nước. Trước tình hình đó, Công ty Đại Thiên Lộc xây dựng chính sách chăm sóc khách hàng tốt nhất, liên lạc thường xuyên để nắm bắt nhu cầu khách hàng, diễn biến của thị trường. Từ đó hoạch định chiến lược kinh doanh hiệu quả, linh hoạt và thích ứng trong từng thời điểm, từng thời kỳ nhằm bảo đảm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Có được kết quả xuất siêu ngay trong giai đoạn khó khăn được cho là do những bước chuẩn bị chu đáo, thực hiện những cam kết để xuất khẩu hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) ngày càng khắt khe. Bà Đinh Thị Kim Nhung, Giám đốc Công ty Cơ khí Đức Kim Tinh (TP.Dĩ An), cho biết công ty chuyên sản xuất các loại linh kiện cho máy móc, thiết bị để cung ứng cho các DN tại Việt Nam và xuất khẩu. Trong 3 năm qua, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, để bảo đảm doanh thu, ngoài liên tục tìm thêm đối tác trong nước, DN cũng mở thêm thị trường xuất khẩu, bảo đảm việc làm cho người lao động và giữ mức tăng trưởng cao.

“Trong năm 2022, công ty vẫn có đơn hàng trong nước và xuất khẩu đạt với kế hoạch đề ra. Đó là động lực để công ty nỗ lực hơn trong năm 2023. Theo đó công ty tập trung khai thác tốt thị trường nội địa, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; tiếp tục kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu”, bà Đinh Thị Kim Nhung cho biết thêm.

Đối với ngành gỗ hiện nay, để khắc phục khó khăn từ thị trường xuất khẩu chủ lực đang gặp khó, không ít DN đã tự tìm được “lối thoát” bằng cách “bắt tay” với những đối tác lớn và uy tín để thúc đẩy xuất khẩu. Đơn cử, Công ty Cổ phần Gỗ An Cường đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với Sumitomo Forestry America cung cấp toàn bộ nội thất cho các dự án công ty này đầu tư tại thị trường Mỹ từ năm 2022 trở đi, với mục tiêu doanh số sẽ tăng lên 50 triệu đô la Mỹ vào năm 2025. Mới đây, để góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam tại Úc, Thương vụ Việt Nam tại Úc đã đưa ra thông tin thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng dụng cụ thể dục thể thao, phụ kiện và đồ chơi sang Úc là cần thiết và có nhiều tiềm năng. Qua khảo sát, năng lực sản xuất của các DN Bình Dương về dụng cụ thể dục thể thao, phụ kiện và đồ chơi là tương đối cao.

Tín hiệu khả quan

Tín hiệu vui cho năm 2023 xuất hiện sớm khi Cục Thống kê Bình Dương thông tin hơn 50% DN trong cuộc điều tra mới đây tin tưởng năm 2023 sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định, kinh tế Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện nay, Việt Nam đã ký kết hơn 15 FTA song phương và đa phương với các khu vực và quốc gia trên thế giới. Các FTA đòi hỏi DN phải thay đổi tư duy, quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, Đại tá Ngô Minh Thuấn cũng bày tỏ về sự lạc quan dự báo năm 2023, với việc Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero Covid, phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và đón nhận làn sóng dịch chuyển thương mại đầu tư từ Trung Quốc, Việt Nam vẫn là điểm sáng về kinh tế ở khu vực và thế giới.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Giày da và túi xách Bình Dương, cho biết ngành da giày được định hướng phát triển theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chuyển từ gia công sản xuất sang các hình thức đòi hỏi năng lực cao hơn. Thúc đẩy, tạo gắn kết, phối hợp giữa các nhà sản xuất, thiết kế phát triển sản phẩm và kinh doanh để định hướng và tạo ra các xu hướng thời trang cho thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm và thương hiệu quốc gia. Kỳ vọng với định hướng phát triển rõ ràng, các cơ quan liên quan sẽ xây dựng được chính sách đủ mạnh, tạo lợi thế cạnh tranh, từng bước vượt qua khó khăn thách thức, tiếp tục khẳng định vị thế Bình Dương trên trường xuất khẩu.

 Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương: “Tôi kỳ vọng lĩnh vực công nghiệp sẽ phát triển mạnh và vấn đề xuất nhập khẩu của các DN sẽ tiếp tục được cải thiện. Trong đó, trên cơ sở những hiệp định thương mại tự do đã ký kết sẽ tạo cơ hội mới để DN tiếp tục xuất khẩu. Sở Công thương sẽ nỗ lực hơn nữa để làm tốt vai trò là “cầu nối”, giúp DN tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm kiếm các thị trường mới”.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=565
Quay lên trên