Dấu CR mỗi nơi một kiểu: Người tiêu dùng rối bời

Cập nhật: 12-10-2010 | 00:00:00

Thực hiện Thông tư số 21/2009/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) về việc ban hành và thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử, đến nay trên thị trường đã có nhiều sản phẩm có gắn dấu hợp quy (CR). Tuy nhiên, mỗi sản phẩm một kiểu dấu CR nên người tiêu dùng (NTD) không biết đâu là dấu thật, đâu là dấu giả. Trong khi đó, ngành chức năng cũng bó tay vì việc quản lý, in ấn dấu CR thuộc về doanh nghiệp (DN).  

Lộn xộn dấu hợp quy

Biết thông tin sau ngày 15-9, 6 loại thiết bị điện và điện tử kinh doanh ngoài thị trường phải có dấu CR gồm: dụng cụ nung nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun nước và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm đầu khác, ấm đun nước, nồi cơm điện, quạt điện. Chị Nguyễn Thị Hồng, yên tâm đi lựa chọn một nồi cơm điện mới thay cho chiếc nồi “siêng thì chín biếng thì sống”. Thế nhưng, dạo một hồi chị Hồng rối bời, bởi dấu CR lộn xộn, không theo một tiêu chuẩn nào. Cái thì phía bên trái dấu CR có tên đơn vị chứng nhận HQ, phía dưới có dãy số; có cái thì bên trái chẳng có gì, phía dưới thì cả số, tên. Nhiều loại thì dấu CR in mờ nhạt, thậm chí có dấu chỉ như tờ giấy photo... Chị Hồng bực bội nói: “Tưởng đâu khi quy định có gắn dấu CR thì NTD dễ chọn mua được sản phẩm bảo đảm chất lượng, chứ dấu CR như thế này biết cái nào giả, cái nào thật mà phân biệt. Chẳng khác nào đánh đố NTD”.

 

Doanh nghiệp tự in ấn, quản lý dấu CR nên ngành chức năng không thể phát hiện dấu CR bị làm giả

Đúng như ý kiến của chị Hồng, hiện nay trên thị trường, nhiều sản phẩm của 6 loại thiết bị điện và điện tử theo quy định đã được gắn dấu CR. Tuy nhiên, không ít sản phẩm được gắn để đối phó với ngành chức năng. Vì vậy, dấu CR mỗi nơi một kiểu và nhiều nơi dấu CR chỉ như tờ giấy photo. Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh cũng thừa nhận: “Qua đợt kiểm tra, nhắc nhở các nơi kinh doanh các mặt hàng này, tôi thấy có rất nhiều kiểu dấu CR, trong đó một vài nhãn hiệu sử dụng dấu CR chẳng khác gì tờ giấy photo. Điều này gây khó khăn cho NTD trong việc lựa chọn sản phẩm có chất lượng khi cả người có chuyên môn cũng không thể nhận biết được”.

Cần thống nhất dấu CR

Thông tư số 21/2009/TT-BKHCN của Bộ KH-CN về việc ban hành và thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử quy định 6 loại thiết bị điện, điện tử khi tung ra thị trường phải công bố hợp quy (CBHQ). Tuy nhiên, bộ không quy định cơ quan quản lý, in ấn dấu CR mà giao cho DN tự quản lý và in ấn. Vì vậy, không ít DN lựa chọn cách in đơn giản nhất để tiết kiệm chi phí.

Lo ngại trước việc dấu CR bị làm giả, trong những buổi thanh, kiểm tra các DN đã CBHQ trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Thành Hiển, đều kiến nghị các DN nếu có thể nên hợp đồng với đơn vị sự nghiệp của Bộ Công an để in dấu CR nhằm chống giả, đồng thời quản lý được dấu CR. Bởi trước quy định này thì nhiều DN nhỏ không có năng lực sản xuất không được cấp giấy chứng nhận hợp quy sẽ chuyển sang làm hàng giả, hàng nhái. Trước gợi ý này, ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Chất lượng Công ty TNHH Media consumer Electric Việt Nam cho biết: “Công ty sẽ theo dõi phản ứng của thị trường, nếu có dấu hiệu làm hàng giả nhãn hiệu thì công ty sẽ tính tới. Bởi làm theo cách này chi phí sẽ cao hơn”.

Trước tình hình này, ông Nguyễn Thành Hiển cho biết, hiện nay Thanh tra Sở KH-CN chuẩn bị tiến hành kiểm tra dấu CR trên thị trường. Sau đợt kiểm tra, chúng tôi sẽ có kiến nghị gửi Tổng cục về việc nên thống nhất dấu CR hoặc có thể nên quy định cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm in ấn, quản lý dấu CR. Có như vậy thì ngành chức năng mới có thể biết được dấu CR nào là thật, cái nào giả để có biện pháp xử lý. Còn lỏng lẻo kiểu này thì... bó tay.

THU THẢO

Được biết, trước tình hình loạn kiểu dấu CR, ngày 23-10-2008, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có văn bản số 1520/TĐC-ĐGPH hướng dẫn cách thể hiện dấu hợp quy trên mũ bảo hiểm (hiện nay văn bản này được áp dụng cho các thiết bị điện, điện tử và đồ chơi trẻ em) gửi Trung tâm Kỹ thuật 1, 2, 3 và Trung tâm Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn. Theo đó có 2 loại dấu CR. Đối với các sản phẩm sản xuất và công bố trong nước thì có mẫu: bên trái của dấu CR là tên tổ chức chứng nhận. Phía dưới là số giấy chứng nhận, 2 số cuối năm được chứng nhận và số lần chứng nhận bổ sung. Đối với hàng nhập khẩu thì bên trái của dấu CR cũng là tên tổ chức chứng nhận; còn phía dưới là số seri (do tổ chức chứng nhận quy định) cho số lượng hàng hóa thuộc lô được chứng nhận. Thế nhưng sau hơn 2 năm, mẫu dấu CR vẫn không thống nhất, gây khó khăn cho NTD.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên