Người đàn ông 58 tuổi đau đầu âm ỉ suốt hai tuần, uống thuốc không bớt, chụp CT phát hiện phình động mạch não dọa vỡ.
Bệnh nhân được đưa vào khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chờ can thiệp nút túi phồng bằng lò xo kim loại.
Phình động mạch não là hiện tượng một đoạn mạch máu trong não có đường kính lớn hơn bình thường, xảy ra khi đoạn mạch máu yếu, bị phình dưới áp lực của dòng máu. Nếu không được phát hiện, điều trị, túi phồng sẽ tăng dần kích thước, vỡ, gây chảy máu dưới nhện (một dạng chảy máu não).
"Đây là một bệnh lý nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới vỡ túi phình, chảy máu não đe dọa tính mạng người bệnh hoặc để lại di chứng nặng nề", TS.BS Lương Tuấn Anh, khoa Chẩn đoán và Can thiệp Tim mạch, nói.
Các bác sĩ can thiệp mạch cho bệnh nhân.
Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ra phình động mạch não như bẩm sinh, thuốc lá, béo phì..., đáng chú ý nhất là bệnh lý tăng huyết áp.
Triệu chứng phình mạch máu não thường không rõ ràng và âm thầm tiến triển cho tới khi túi phồng bị vỡ, bệnh nhân đột ngột đau đầu nhiều, nôn và buồn nôn. Vì vậy, người bệnh cần sàng lọc phát hiện sớm khi có dấu hiệu nghi ngờ phình động mạch não như tự nhiên xuất hiện đau đầu, đau đầu âm ỉ kéo dài nhiều ngày, đau đầu nhiều hơn các lần đau trước hay đáp ứng kém với các thuốc thông thường.
Chẩn đoán phình động mạch đòi hỏi chụp CT đa dãy hoặc cộng hưởng từ mạch máu não. Còn về điều trị, có hai phương pháp gồm phẫu thuật kẹp cổ túi phồng và can thiệp nội mạch. Phẫu thuật đòi hỏi mở sọ và không phải lúc nào cũng thực hiện được, trong khi can thiệp nội mạch có thể giải quyết hầu hết trường hợp và hiện là sự lựa chọn của phần lớn bệnh nhân, nếu không có trở ngại về tài chính.
Theo VNE