Sự kiện giáo sư toán học trẻ tuổi Ngô Bảo Châu giành giải thưởng danh giá Fields vừa được trao tặng tại Đại hội Toán học thế giới thực sự đã làm nức lòng hàng triệu trái tim Việt. Sự tự hào đó là hiển nhiên đối với bất cứ một quốc gia nào mỗi khi người của quốc gia đó bước lên đỉnh vinh quang của thế giới. Với người Việt ta, niềm tự hào qua sự kiện vừa nêu là vô cùng lớn, quá ý nghĩa, bởi đây là lần đầu tiên trong ngành toán học, một nhà khoa học Việt Nam “hiên ngang” đứng ở đỉnh cao nhất, được cộng đồng các nhà toán học toàn thế giới vinh danh.
Từ sự kiện mang tên Ngô Bảo Châu, theo sát những chi tiết xoay quanh nhân vật lừng danh toàn cầu này mà báo chí khai thác, chúng ta lại phải nói đến những dấu lặng trong việc đãi ngộ nhân tài cùng quá trình đào tạo, sử dụng họ. Không phải đến khi Ngô Bảo Châu được thế giới vinh danh chúng ta mới vội vàng đặt ra vấn đề mời giáo sư trẻ tuổi này về Việt Nam làm việc. Trước đó, dù không thường xuyên nhưng Ngô Bảo Châu cũng đã có sự cộng tác, hỗ trợ cho Viện Toán học và một số trường đại học trong nước. Nhưng sự giúp đỡ đó hoàn toàn bằng tấm lòng của giáo sư đối với cố quốc chứ chắc chắn không đòi hỏi gì hơn. Nhưng một khi tính tới chuyện cống hiến lâu dài cho ngành toán học nước nhà mà đích thân Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đưa ra lời mời đối với Ngô Bảo Châu thì đi kèm là đòi hỏi cần phải có một chính sách đãi ngộ tương xứng. Chỉ có như vậy mới mong “giữ chân” được tài năng, đó là chưa kể đến cần phải có một môi trường làm việc thực sự phù hợp cùng với hàng loạt vấn đề liên quan...
Vui mừng, tự hào với tài năng là một việc, đãi ngộ, sử dụng họ lại là một chuyện khác. Thử hỏi, các nhà khoa học có thể cống hiến được không một khi đồng lương được trả “quá bèo”. Cũng với trường hợp Ngô Bảo Châu, một giáo sư công tác tại Viện Toán học quốc gia cho rằng, dù có vận dụng tối đa những quy định cho phép, mức lương tháng cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng. Nghe mà cảm thấy chạnh lòng thay cho “bộ óc toán học” thương hiệu toàn cầu. Không chỉ là buồn cho nhà khoa học Ngô Bảo Châu mà nỗi buồn này là của chung các nhà khoa học khác. Chúng ta không đủ kinh phí trả lương bởi còn nghèo hay là chúng ta chưa có một sự tôn trọng đúng mức các tài năng khoa học. Nhìn rộng ra trên các lĩnh vực khác lại cảm thấy những nghịch lý rất khó tìm câu trả lời. Một ngôi sao bóng đá người Việt hải ngoại trở về thi đấu tại quê nhà có thể hưởng mức lương tới cả 10.000 USD/tháng, lẽ nào ngôi sao toán học Ngô Bảo Châu lại không thể sánh bằng? Một cô hoa hậu có thể nhận giải thưởng tới nửa tỷ đồng, trong khi một huy chương vàng quốc tế toán, lý, hóa... của các tài năng trẻ chỉ được vài chục triệu đồng, lẽ nào tri thức “mất giá” trước sắc đẹp đến thế chăng?
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng dấu lặng của các tài năng là sự thật đã phơi bày, lẽ nào cứ chấp nhận vậy!
TRIỆU PHONG