Đầu năm “xông đất” các nhà kinh tế: Thách thức quản lý

Cập nhật: 24-02-2010 | 00:00:00

“Trong 4 năm (2005-2008), chúng ta ban hành 17.000 văn bản pháp lý, trong đó một nửa là các công văn hướng dẫn thi hành. Số văn bản này bằng 18 năm trước đó! Điều ấy thể hiện sự lạc hậu của cơ chế so với sự phát triển của thị trường. Nếu như không thay đổi thể chế và nâng cao năng lực thì sẽ không theo kịp được sự phát triển của thị trường và khi đó Nhà nước sẽ dùng các biện pháp hành chính nhiều hơn để can thiệp vào thị trường”, TS Nguyễn Đình Cung, nhận định.

Tăng giá ngoại tệ sẽ khiến cho nhập khẩu trở nên đắt đỏ, nhưng xuất khẩu lại chiếm lợi thếSự tỉnh táo cần thiết

Nhận định nền kinh tế và thị trường ngày càng đa dạng, phát triển nhanh chóng, nhưng TS Nguyễn Đình Cung nói thẳng: “Tư duy và nhận thức của Nhà nước có thể chưa theo kịp”. Chính vì lẽ đó, nền kinh tế hiện nay có quá nhiều các chính sách điều hành nhưng là các chính sách điều hành chưa thật sự phát huy hiệu quả. “Nên chú trọng về các chính sách vi mô và việc cải thiện chính sách vi mô sẽ củng cố được các chính sách vĩ mô. Nên bỏ các chính sách bao cấp, trợ cấp, bảo hộ... Những thay đổi như vậy sẽ đưa ra được các kỳ vọng về lạm phát tốt để ổn định các cân đối vĩ mô”, ông Cung đề xuất.

PGS.TS Trần Đình Thiên đúc kết: “Chu kỳ khủng hoảng kinh tế của Việt Nam là 10 năm”. Khủng hoảng xảy ra, theo ông Thiên, là do có vấn đề về cơ cấu và vấn đề cơ cấu đã trở thành nghiêm trọng. “Mục tiêu của các chính sách đều là tăng trưởng của nền kinh tế. Chúng ta cứ loay hoay với mục tiêu tăng trưởng và đã phải trả giá rất nhiều”.

TS Bùi Quang Tuấn, nhìn nhận khủng hoảng kinh tế đang tác động đến tư duy về mô hình và triết lý kinh tế hiện đại. Đã có nhiều quan điểm cho rằng khủng hoảng kinh tế là “sự thất bại của thị trường tự do” và do đó họ ủng hộ sự can thiệp của Nhà nước. “Đây là cách nhìn nhận mang tính chất phiến diện. Việt Nam là một nền kinh tế thị trường phát triển chưa hoàn chỉnh nên sự thất bại không thể đổ lỗi cho thị trường”. TS Tuấn nhấn mạnh.

TS Võ Trí Thành lập luận rằng vấn đề đặt ra không phải là lựa chọn thị trường và Nhà nước mà nên coi đây là hai yếu tố bổ sung lẫn nhau. Ông khuyến cáo: “Đừng vội vã chuyển đổi cực quá sớm. Câu chuyện điều hành chính sách là khi nào thì điều hành theo luật, khi nào thì điều hành theo tình thế? Can thiệp của chính sách vĩ mô trong giai đoạn của khủng hoảng và rút lui ra khỏi khủng hoảng như thế nào?”.

Ở góc nhìn khác, TS. Vũ Đình Ánh tin rằng Nhà nước can thiệp với mục đích để thị trường hoạt động tốt hơn. Song, ông Ánh thừa nhận mô hình chủ nghĩa tư bản sẽ tự nó tìm cách phục hồi và đi lên tốt hơn so với các mô hình khác; ở đây còn là việc giới quản lý chưa hiểu rõ về thị trường nên muốn can thiệp thị trường phải dùng các biện pháp hành chính.

Đau đầu chuyện tỷ giá

Trong nền kinh tế có mức độ đô la hóa như của Việt Nam, theo TS. Võ Trí Thành, các chính sách tài khóa và tiền tệ rất khó thống nhất. Điều này tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ tài chính. Ông cũng cho rằng trong 2 năm qua, Việt Nam đã sử dụng quá nhiều biện pháp hành chính, đơn cử như trần lãi suất, nên đặt nền kinh tế hiện tại trong một trạng thái mất cân đối đang diễn ra nghiêm trọng và có xu hướng tăng.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng không nên đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu bằng mọi cách, mà là vấn đề lạm phát và các cân đối vĩ mô của nền kinh tế. Quan tâm đến vấn đề tỷ giá giữa đồng đô la và đồng nhân dân tệ, vì đây là một trong những điểm bất ổn của nền kinh tế thế giới.

Theo các nhà kinh tế, trong cơ chế tỷ giá thả nổi, một mặt tỷ giá phụ thuộc vào cán cân thương mại trước đó, mặt khác bản thân tỷ giá lại là yếu tố điều chỉnh cán cân thương mại trong tương lai trở về trạng thái cân bằng trong mối quan hệ tổng thể với các dòng vốn khác. Giả sử ở một thời điểm nào đó, nhu cầu nhập khẩu tăng cao khiến nhu cầu ngoại tệ trong nước tăng lên tương ứng. Nếu tỷ giá được thả nổi, giá ngoại tệ sẽ tăng một cách tương đối so với giá bản tệ. Sự tăng giá ngoại tệ khiến cho nhập khẩu trở nên đắt đỏ, đồng thời xuất khẩu lại được lợi. Nhờ cơ chế này khiến cho nhu cầu nhập khẩu giảm, xuất khẩu được lợi dẫn đến cung ngoại tệ sẽ tăng. Kết quả là không những nhập siêu giảm mà giá ngoại tệ cũng giảm trở lại. Cả cán cân thương mại và tỷ giá trở về trạng thái cân bằng.

NGUYỄN CAO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=324
Quay lên trên