Việc vận động, tuyên truyền người dân tham gia đấu nối nước thải là hoạt động rất thiết thực, phục vụ chính đời sống người dân. Qua hoạt động này còn góp phần cùng địa phương bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; đồng thời thể hiện trách nhiệm của mỗi người dân đối với cộng đồng.
Hệ thống xử lý nước thải tại Chi nhánh Xử lý nước thải Tân Uyên được đầu tư hiện đại
Đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại
Chi nhánh Xử lý nước thải Tân Uyên thuộc Dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên là hệ thống thu gom nước thải riêng biệt (không lẫn nước mưa) nằm trong quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước tỉnh Bình Dương. Dự án được đầu tư với mục tiêu thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt của các hộ dân, khu dân cư, trường học, cơ quan Nhà nước… Dự án có tổng công suất 60.000m3/ngày đêm.
Chi nhánh Xử lý nước thải Tân Uyên giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 893 tỷ đồng, công suất 15.000m3/ngày đêm. Hiện chi nhánh xử lý khoảng 9.000m3/ngày đêm (đạt 60% công suất thiết kế giai đoạn 1); mạng lưới thu gom có tổng chiều dài tuyến ống khoảng 119km; có 6 trạm bơm nâng. Nước thải sau khi được thu gom (cấp 3) sẽ đi qua đường ống truyền tải (cấp 1, 2) đến Chi nhánh Xử lý nước thải Tân Uyên; nước thải sau khi qua các giai đoạn xử lý đạt tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được xả ra nguồn tiếp nhận là hạ lưu suối Bưng Cù.
Bà Cổ Kim Tuyến, Giám đốc Chi nhánh Xử lý nước thải Tân Uyên, cho biết trong công tác vận hành, cán bộ, nhân viên chi nhánh luôn chú trọng bảo trì, bảo dưỡng hệ thống máy móc, trang thiết bị, mạng lưới thu gom nước thải… nhằm bảo đảm hoạt động ổn định, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thoát nước thải của người dân trong vùng dự án, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Đẩy nhanh công tác đấu nối nước thải
Dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên nằm trong vùng giáp ranh của 3 địa phương là TP.Dĩ An, TP.Thuận An và TP.Tân Uyên, với diện tích 1.193 ha; đã lắp đặt 6.621 hộp đấu nối. Hiện Chi nhánh Xử lý nước thải Tân Uyên đã thực hiện đấu nối 3.340 hộp đấu nối (đạt tỷ lệ 50,4% so với số hộp lắp đặt của dự án); trong đó TP.Thuận An (gồm các phường Bình Chuẩn, An Phú, Thuận Giao) đã đấu nối được 2.462 hộp, TP.Tân Uyên (gồm các phường Thái Hòa, Tân Phước Khánh) đã đấu nối được 466 hộp.
Bà Cổ Kim Tuyến cho biết thời gian qua, Chi nhánh Xử lý nước thải Tân Uyên đã phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia đấu nối nước thải, với nhiều hình thức như: Tổ chức họp dân; lồng ghép tuyên truyền vào cuộc họp của khu phố… Nhờ đó, người dân đã nắm bắt được thông tin của Dự án thoát nước và xử lý nước thải khu vực Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác đấu nối nước thải. Bên cạnh đó, đối với hộ gia đình khó khăn, hộ nhà trọ được hỗ trợ miễn phí 100% chi phí nhân công đấu nối nước thải nhằm giảm bớt một phần chi phí cho người dân… Bằng những cách làm này đã tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, từ đó mỗi gia đình tích cực tham gia đấu nối thoát nước thải, góp phần bảo vệ môi trường trên địa bàn.
Bà Trần Thị Ngọc Đức, ở phường An Phú, TP.Thuận An, chia sẻ: “Sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn về ý nghĩa, hiệu quả của việc đấu nối thoát nước thải, tôi đã đăng ký tham gia ngay. Tới đây, tôi sẽ vận động người thân và bà con trong khu phố tham gia thực hiện đấu nối thoát nước thải sinh hoạt”.
Ông Đỗ Đức Trí, Trưởng phòng Kinh doanh Chi nhánh Xử lý nước thải Tân Uyên, cho biết đơn vị bảo đảm việc thi công đấu nối thoát nước thải diễn ra trong ngày, hoàn trả mặt bằng sạch sẽ cho các hộ dân, không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người dân. Để nâng cao tỷ lệ đấu nối, phát huy hiệu quả của công tác này, trong thời gian tới chi nhánh tiếp tục phối hợp với các phường tích cực tuyên truyền vận động để người dân hiểu rõ hơn về lợi ích của công tác này.
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG