Đầu ra cho nông sản: Cần sự liên kết chặt chẽ

Cập nhật: 17-07-2010 | 00:00:00

  Sự liên kết trong sản xuất là một yêu cầu cần thết cho các hộ nông dânĐầu ra cho nông sản là nhu cầu bức xúc của các hộ làm nông nghiệp bởi lẽ đầu ra ổn định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nông nghiệp phát triển bền vững. Tuy nhiên việc tạo ra sự ổn định này vẫn còn là bài toán khó cho người nông dân.

Đầu ra ổn định, sản xuất phát triển

Nông nghiệp Bình Dương trong thời gian qua đã có những bước phát triển đột phá, nhiều vùng chuyên canh đã hình thành. Hơn nữa nông dân tỉnh ngày càng chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu cũng như lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Song tại nhiều địa phương, người nông dân hiện đang rất khó khăn trong việc tìm ra thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm của mình. Tình trạng được mùa mất giá, giá cả bấp bênh cũng xuất phát từ việc sự liên kết giữa nông dân và thị trường chưa thực sự hiệu quả. Nhìn lại thời gian qua, những người nông dân trồng điều, tiêu trên địa bàn tỉnh là người hiểu rõ hơn ai hết quy luật khắc nghiệt này và người nông dân thường rất bị động vì họ thường rất thiếu kiến thức về thị trường cũng như ít nhận được sự tư vấn từ các cơ quan chuyên môn. Chính vì vậy khi có các biến cố về giá cả xảy ra thì người nông dân vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.

Tại huyện Phú Giáo trong thời gian qua xuất hiện mô hình trồng nấm hiệu quả, mới mẻ và cũng là hướng đi đúng cho nông dân vì đây là vùng đáp ứng đầy đủ nhu cầu về nhân công và nguồn nguyên liệu cho mô hình này. Tuy nhiên người trồng nấm tại đây lại than thở về đầu ra, nhiều hộ trồng nấm do không tìm được sự liên kết với các đơn vị tiêu thụ nông sản nên họ chỉ có thể đem ra buôn bán nhỏ lẻ tại các chợ trên địa bàn huyện. Tình trạng này cũng đã xuất hiện tại nhiều câu lạc bộ trang trại khác của tỉnh, tuy có sự liên kết ở đầu vào như phân bón, vật tư nông nghiệp nhưng sản phẩm của họ khi tiêu thụ lại không thể liên kết với nhau được nên đã tạo ra sự thiệt thòi không đáng có cho một số thành viên. Không chỉ có nấm, mà thực tế đang diễn ra là hiện nay nhiều mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh phải qua tay các lái buôn nhỏ lẻ; ngay cả mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao và được coi như sản phẩm chủ lực của tỉnh như mủ cao su thì người nông dân cũng phải bán cho các điểm thu mua nhỏ lẻ. Điều này làm cho nông dân thiệt thòi vì phải qua nhiều khâu trung gian rồi mới đến nhà máy chế biến.

Cần liên kết chặt chẽ hơn

Hiện nay cũng có một số mô hình tốt trong hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc bao tiêu đầu ra nông sản cho nông dân. Nhưng việc này cũng chỉ gói gọn ở một vài loại nông sản như chăn nuôi heo tập trung, nuôi gà gia công. Từ thực tế này có thể nói, liên kết giữa 4 nhà tạo ra sự cân bằng trong sản xuất nông nghiệp và tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ nông sản thời gian qua còn “mơ hồ”, chưa đi vào thực tế đời sống. Thiết nghĩ, trong thời gian tới các “nhà” cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa nhằm hướng đến một mục đích chung là làm cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững và an toàn. Ông Nguyễn Văn Khái, nông dân huyện Bến Cát cho rằng: “Nếu so sánh thì nông dân Bình Dương không thua gì nông dân các tỉnh, thành khác. Để nông dân tiếp tục phát triển ổn định thì các cấp, các ngành cần phải có sự hỗ trợ hơn nữa và sát cánh cùng người nông dân để đưa sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà ra thị trường thế giới. Cần tiếp tục hỗ trợ xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của nông dân tỉnh và chuyển giao nhiều hơn nữa các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho nông dân để sản phẩm nông nghiệp Bình Dương đủ sức cạnh tranh trên thị trường”. Chỉ ra một trong những “liên kết” cần “thuốc trị”, chủ trang trại Phương Uyên tại Tân Uyên Lê Văn Xê cho rằng “lao động trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số chưa qua đào tạo nghề, kiến thức KHKT mới chưa được chuyển giao kịp thời cho các hộ nông dân. Người nông dân đang gặp phải một rào cản lớn trong việc tiếp cận các tiến bộ KHKT để ứng dụng vào sản xuất nên dẫn đến việc sản phẩm nông nghiệp chưa có chất lượng cao vì vậy mà sản phẩm nông nghiệp chưa thể tiếp cận với thị trường. Đây là vấn đề cần khắc phục”.

Bên cạnh những đề xuất trên, tổ chức sản xuất hợp lý cho nông dân thì yếu tố quan trọng là phải giúp cho nông dân có sự liên kết chặt chẽ hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, việc hình thành nên các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp với sự tham gia chủ động của nông dân trong tư cách người tham gia quản lý sẽ giảm bớt rất nhiều rủi ro trong sản xuất của người nông dân; tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng nông sản của họ là cần thiết hiện nay.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=397
Quay lên trên