Đầu ra vẫn khó

Cập nhật: 05-09-2011 | 00:00:00

Mặc dù hiện nay diện tích trồng rau an toàn (RAT) trên địa bàn Bình Dương ngày càng phát triển về quy mô và nhu cầu sử dụng RAT của người tiêu dùng (NTD) ngày  càng cao. Thế nhưng RAT vẫn kẹt đầu ra.

   Sản xuất rau an toàn đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, bảo đảm kỹ thuật nhưng đầu ra khó, giá bán thấp nên chưa thu hút nhiều nông dân tham gia

Đánh đồng với rau thả nổi

Có một thực tế là khi người tiêu dùng (NTD) ra chợ khó có thể phân biệt được đâu là RAT với rau bình thường để mua. Bởi rau canh tác theo quy trình an toàn với rau sản xuất truyền thống đều cùng được đưa ra chợ và bán với giá như nhau. Hiện nay, diện tích sản xuất RAT của toàn tỉnh Bình Dương là 47,5 ha; trong đó diện tích nằm trong dự án RAT của tỉnh là 10 ha, được thí điểm ở hai huyện Tân Uyên và Bến Cát. Đây là hai dự án được cấp kinh phí hỗ trợ cho bà con tham gia sản xuất mô hình là 40% giống và 20% vật tư, với tổng số vốn hơn 150 triệu đồng và được hỗ trợ về đầu ra cho sản phẩm. Sản phẩm RAT của hai mô hình mới này đã được nhập vào bán tại siêu thị Co.opMart Bình Dương. Tuy nhiên số lượng tiêu thụ ở siêu thị có giới hạn nên còn một số lượng lớn RAT phải bán ra ngoài chợ chẳng khác nào như rau trôi nổi.

Anh Nguyễn Hữu Hiền, Tổ trưởng Tổ sản xuất RAT của thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) cho biết: “Lượng hàng mà siêu thị Co.opMart đặt hàng ngày bình quân từ 80 – 100kg sản phẩm, trong đó, hành lá từ 30 – 50kg, còn rau cải là 30kg/ngày. Trong khi khả năng cung cấp sản phẩm của Tổ sản xuất lên đến 1 tấn rau/ngày. Mặc dù trên địa bàn tỉnh hiện xuất hiện rất nhiều trung tâm thương mại, siêu thị nhưng vẫn chưa thấy họ đặt hàng. Do đó, đa số rau vẫn phải bán cho thương lái tiêu thụ tại các chợ là chính và như vậy kết quả bị đánh đồng với các loại rau bình thường khác”. Đó là RAT nằm trong dự án thí điểm được hỗ trợ đầu ra, còn lại tất cả sản phẩm của bà con nông dân sản xuất RAT dù theo chương trình Việt GAP nhưng cũng phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm của mình. Anh Nguyễn Ngọc Dũng, ở phường Bình Chuẩn, TX.Thủ Dầu Một nói: “Tôi trồng RAT theo mô hình nhà lưới đã được gần 10 năm. Cũng vì kế nghiệp cha ông để lại nhưng tôi thấy trồng RAT tốn kém và vất vả hơn nhiều so với trồng rau bình thường theo lối truyền thống, song đến khi đem ra chợ bán thì giá chẳng cao hơn các loại rau trôi nổi khác ở ngoài chợ”. Còn chị Lê Thị Kim Phượng, ở khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An, cho biết: “Trồng RAT theo đúng quy trình của Việt GAP, chất lượng rau bảo đảm an toàn cho sức khỏe của NTD, tuy vậy nhiều khi mang rau ra chợ bán lại bị chê là rau không ngon...”.

Chúng tôi đến chợ hỏi những người bán rau về nguồn gốc của những bó rau cũng như độ an toàn cho sức khỏe NTD thì đa phần không biết nguồn gốc xuất xứ của rau. Chị Lê Thị Xoan, người bán rau lâu năm ở chợ Bình Điềm (phường Phú Hòa, TX.TDM) cho biết: “Tôi ra chợ đầu mối mua các loại rau về bán. Còn để biết đó là rau được trồng theo kỹ thuật sản xuất RAT hay là rau thường thì tôi không rõ”. Tham vấn ý kiến của NTD, cô Nguyễn Thị Phương cho biết: “Cô ra chợ mua rau thì chỉ biết mua thôi rồi về mình ngâm qua nước muối, chứ để phân biệt mà mua được RAT thì cô không biết. Mua rau chợ, chẳng khác nào là khuất mắt trông coi cháu à!”.

Đầu ra vẫn là bài toán khó

Mặc dù Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Chi cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Sở Công Thương làm việc với Ban giám đốc Siêu thị Co.opMart Bình Dương để thực hiện hợp đồng mua bán rau giữa siêu thị và nông dân trồng RAT, nhưng mới chỉ ở hai mô hình nằm trong dự án nói trên. Ngoài ra, công tác hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm RAT ở các diện tích canh tác khác vẫn là bài toán khó. Bà Nguyễn Thị Hưng, Trưởng phòng trồng trọt, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Thực tế hiện nay, sản xuất RAT của bà con nông dân vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ. Trong khi đó, người nông dân vừa phải lo sản xuất, vừa phải sơ chế và bao gói sản phẩm... rồi tự mình đưa vào tiêu thụ. Hiện tại, để có thể bao tiêu tất cả sản phẩm của bà con sản xuất được thì đây vẫn còn là vấn đề rất khó khăn. Theo tôi, để đẩy mạnh đầu ra cho RAT, người sản xuất vẫn phải bảo đảm chất lượng, thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật trồng RAT, bảo đảm chất lượng, giữ lòng tin của NTD”. RAT để có thể vào được siêu thị ngoài thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật trồng rau, bà con nông dân phải ghi nhật ký chăm sóc rau hàng ngày, phải có bảng hiệu, đăng ký giấy chứng nhận của cơ quan. Trong khi đó, bà con vẫn chưa quen với công việc ghi chép hàng ngày. Mặt khác, muốn có được giấy chứng nhận thì cũng còn là thủ tục không phải dễ lấy, khiến đầu ra đã khó lại càng khó khăn hơn.

Anh Huỳnh Văn Khải, là người đầu tiên làm mô hình trồng rau mầm ở TX.Thủ Dầu Một cho biết: “Anh đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm RAT của mình với cơ quan, nhưng khi đến làm việc với bên siêu thị, họ yêu cầu phải có giấy phép kinh doanh thì mới nhập rau mầm của anh”. Hiện nay, ngoài bán RAT ra các chợ thì nhiều Tổ hợp tác cũng như bà con sản xuất RAT đã tìm đường để tiêu thụ sản phẩm bằng cách liên kết với các bếp ăn công nghiệp. Anh Nguyễn Hữu Hiền, cho biết, các anh đang liên hệ với các bếp nấu ăn cho các công ty để họ hợp đồng mua rau của Tổ hợp  tác.

Để có thể phát triển diện tích trồng RAT cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm, thiết nghĩ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cần xây dựng một dự án riêng cho RAT. Bình Dương là tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp và dịch vụ rất nhanh, nhu cầu tiêu thụ rau quả cho người lao động hàng ngày là rất lớn. Do đó, cần phải khuyến khích phát triển các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất RAT, áp dụng theo quy trình Việt GAP đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chi cục Bảo vệ thực vật và các cơ quan chức năng phải là cầu nối giữa sản xuất với người tiêu dùng, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho những đơn vị sản xuất có uy tín, giúp đỡ họ bố trí hệ thống bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Đặc biệt là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ ở các siêu thị.

PHƯƠNG AN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên