Quá trình phát hiện
Theo chỉ thị của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia (KHXH&NVQG) (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) mà trực tiếp là Viện Khảo cổ học đã triển khai 3 chương trình khảo cổ học: Trường Sa, Tây nguyên và Nam bộ, bắt đầu từ năm 1993.
Trong 3 năm 1993, 1994 và 1995, Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Bảo tàng Khánh Hòa và đơn vị Hải quân vùng IV, vùng V, tiến hành điều tra và khai quật khảo cổ trên các đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết và Song Tử Tây. Kết quả khai quật thu được những di tích và di vật khảo cổ học, cung cấp nhiều tư liệu quan trọng để nghiên cứu quá trình cư trú của con người trên các đảo này.
Kết quả điều tra, khai quật khảo cổ học ở quần đảo Trường Sa những năm qua, cùng với các chương trình khảo cổ học Tây nguyên và Nam bộ là nội dung chính của một Hội thảo khoa học tổ chức tại Trung tâm KHXH&NVQG vào năm 1995. Cùng với việc đánh giá về những đóng góp to lớn của công tác khảo cổ học của 3 chương trình này, một yêu cầu mới được đặt ra là, cần tiếp tục điều tra, khai quật trên các đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Đó là lý do của đợt điều tra, khai quật trên 7 đảo còn lại thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm 1999, Viện Khảo cổ học tiến hành điều tra và khai quật khảo cổ học trên 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, gồm: Sơn Ca, Sinh Tồn, Phan Vinh (Hòn Sập), An Bang, Trường Sa Đông (Đá Đông), Tốc Tan và Đá Tây. Những kết quả điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học quần đảo Trường Sa đã triển khai trong 2 đợt 1993-1994 và 1995-1999 là nguồn tư liệu vật thật quan trọng khẳng định sự có mặt sớm nhất của người Việt cổ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tư liệu về địa tầng và hiện vật
Nhiều chứng cứ khoa học chứng tỏ sự hiện diện của người Việt Nam tại Trường Sa. Trong 2 đợt khảo cổ, Viện Khảo cổ học đã điều tra 6 đảo (Song Tử Tây, Phan Vinh, An Bang, Trường Sa Đông, Tốc Tan và Đá Tây) thám sát và khai quật trên 4 đảo (Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn) với tổng diện tích 183m2.
Đồ gốm men phát hiện tại đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết
Đất trên các đảo đều được hình thành bằng vụn san hô, có cấu tạo như sau: Dưới cùng là vụn san hô màu trắng không có dấu vết cư trú (sinh thổ); lớp giữa là vụn san hô lẫn phân chim, mùn thực vật có màu đen, tơi, xốp, hiện vật khảo cổ thường phát hiện ở lớp này; trên cùng là đất canh tác, một số đảo ở lớp này, ngoài vụn san hô, mùn thực vật, còn lẫn đất sét (mang từ đất liền ra để trồng cây xanh, rau...). Trong 4 đảo được khai quật đều có tầng văn hóa là đất mùn màu đen, trong chứa hiện vật khảo cổ. Tuy nhiên, độ dày lớp văn hóa ở mỗi đảo khác nhau, từ 10 - 40cm.
Nhìn chung địa tầng trong các hố khai quật bị xáo trộn nặng nề. Quan sát những nơi còn tương đối ổn định, kết hợp với thống kê hiện vật có thể thấy được có 2 giai đoạn phát triển khác nhau. Giai đoạn sớm tương đương với các di tích của văn hóa Sa Huỳnh muộn - Champa sớm, có niên đại khoảng một vài thế kỷ đầu Công nguyên. Giai đoạn muộn trong khoảng thời giai khá dài, từ thế kỷ 13 - 14 cho đến đầu thế kỷ 20.
Trên các đảo Song Tử Tây, Phan Vinh, An Bang, Trường Sa Đông, do quá trình bê tông hóa, hầu như không còn diện tích khai quật, nên chỉ điều tra, quan sát địa tầng qua các hố đào sẵn và thu nhặt hiện vật trên mặt đất.
Tổng số hiện vật thu được trong 2 đợt điều tra, khai quật trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là 498 hiện vật. Trong đó, gốm thô 33 hiện vật, chiếm 6,62%; đồ gốm sứ các loại 236 hiện vật, chiếm 48,00%; đồ sành 212 hiện vật, chiếm 42,57%; mũi ngói 1 hiện vật, chiếm 0,20% và tiền kim loại thời Nguyễn 16 đồng, chiếm 3,21%.
Sự có mặt liên tục của người Việt
Từ những tư liệu khảo cổ học thu được chúng ta có thể khẳng định sự có mặt liên tục của người Việt Nam trên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Trên đảo Trường Sa Lớn, phát hiện được những mảnh gốm thô có chất liệu, màu sắc, kỹ thuật chế tác tương tự như đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh - một văn hóa thời đại Sắt phân bố rộng ở đất liền, miền Nam Trung bộ, có niên đại tương đương với văn hóa Đông Sơn ở Bắc bộ và văn hóa Dốc Chùa ở Nam bộ. Những nghiên cứu khảo cổ học còn cho biết, trên đảo Palawan, một hòn đảo thuộc Philippines, gần đảo Trường Sa, các nhà khảo cổ học Philippines đã tìm thấy di tích văn hóa Sa Huỳnh, trong đó có khuyên tai hai đầu thú. Văn hóa Sa Huỳnh đã lan tỏa đến Philippines thì gốm Sa Huỳnh có mặt ở Trường Sa là hiển nhiên.
Cùng với gốm thô Sa Huỳnh, trên đảo Trường Sa Lớn và Nam Yết, các nhà khảo cổ phát hiện được đồ gốm sứ Việt Nam thuộc các thế kỷ muộn hơn. Có thể thấy, đồ gốm sứ thuộc 2 giai đoạn: Trước thế kỷ 15 và sau thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Nhóm có niên đại trước thế kỷ 15, có đặc trưng là hoa văn khắc chìm dưới men. Men phủ bên ngoài có màu vàng chanh, trôn có bôi men màu sôcôla. Nhóm có niên đại muộn, tập trung vào các thế kỷ 17 - 18, chủ yếu là sứ hoa lam, được làm từ cao lanh, bên ngoài phủ men tro, màu lam vẽ chìm dưới men.
Trên đảo Nam Yết, qua điều tra đã thu được 16 đồng tiền thời Nguyễn, có niên hiệu Minh Mạng và Tự Đức. Sự có mặt của tiền kim loại thời Nguyễn trên đảo Nam Yết là phù hợp với những ghi chép của Lê Quý Đôn trong Phủ Biên tạp lục, viết năm 1776. Theo Lê Quý Đôn, các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã lập những đội Hoàng Sa và Bắc Hải để đến các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Côn Lôn cũng như các đảo ở Hà Tiên để thu lượm hải sản và các sản vật của những tàu đắm. Tuy nhiên, với các hiện vật thu được trong các hố khai quật ở Trường Sa, cho thấy sự có mặt của người Việt Nam trên các đảo này còn sớm hơn nhiều, ít ra là từ cuối thời Trần (Hà Văn Tấn 1999: 5 - 10).
Những tư liệu khảo cổ học trên quần đảo Trường Sa và các đảo ven bờ góp phần khẳng định rằng, đã tìm thấy những chứng cứ khoa học hiển nhiên về các hoạt động trên biển cả của cư dân tiền sử Việt Nam cũng như của người Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. Những tư liệu này cũng hiển nhiên góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải quốc gia.
T.S (tổng hợp)