Dầu Tiếng - Dấu ấn oai hùng

Cập nhật: 16-08-2013 | 00:00:00

Bài 1: Ngược dòng thời gian

Gần 7 thập niên trôi qua, Bến Súc, Thanh Tuyền, Định Thành, Định An… của huyện Dầu Tiếng đã đi vào lịch sử với những tên đất, tên người còn mãi vang danh qua hai cuộc kháng chiến thần thánh chống giặc ngoại xâm. Vùng Dầu Tiếng anh hùng hôm nay được nhuộm bằng máu xương của lớp lớp người đi trước, họ đã vượt qua biết bao đắng cay, khổ nhục, kiên trì, bền bỉ đấu tranh cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại.

  Lễ cắt băng khánh thành Khu di tích Làng công nhân cao su thời Pháp thuộc ở Dầu Tiếng (Lô 50 - Làng 14)

 Từ kiếp nô lệ…

NGÀY NÀY NĂM ẤY

 NGÀY 16-8-1945

Theo lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, một đơn vị quân giải phóng do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào, nơi Đại hội Quốc dân đang họp, tiến về TX.Thái Nguyên, mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước. Ở nhiều tỉnh xa, lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương đến chậm, nhưng nhờ thấm nhuần các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trước đó, nhất là tinh thần chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, khi được tin Nhật đầu hàng đồng minh, lãnh đạo Đảng, Mặt trận đã kịp thời, chủ động phát động quần chúng nổi dậy.

Đã 68 năm trôi qua, người dân xã Thanh Tuyền (Dầu Tiếng) vẫn không sao quên được hình ảnh người dân Bưng Còng, Rạch Kiến bị bọn cướp nước cướp bóc, bắt xâu, bắt lính, hãm hiếp phụ nữ, đốt nhà, phá làng. Quên sao được những năm tháng làm kiếp trâu ngựa, bị đẩy vào con đường cùng không lối thoát, chỉ biết: “Hận cuộc đời cu li, giận thằng cai, thằng xu”. Vì miếng cơm manh áo mới “bán thân đổi lấy đồng xu, thịt xương vùi góc cao su mấy tầng”. Dân công tra có tên có tuổi do cha ông đặt để gọi, sống chết để đời truyền kiếp. Vậy mà bọn chủ Tây gọi công nhân bằng số, ai đến trước số nhỏ, ai đến làm sau số lớn. Không chỉ chúng gọi mà bắt người thân, bạn bè, bà con, anh em gọi nhau bằng số mà chúng đã đặt. Một sự tủi nhục vô bờ bến...

Ngược dòng thời gian, năm 1917, thế chiến thứ nhất sắp kết thúc, hàng loạt công ty tư bản Pháp theo chân đội quân viễn chinh kéo sang Đông Dương. Vùng đất Dầu Tiếng được thiên nhiên kiến tạo trên một địa thế rất thuận lợi nằm bên sông Sài Gòn nhanh chóng rơi vào tay Công ty Michelin. Với điều kiện thuận lợi về giao thông cũng như thổ nhưỡng, những tên tư bản đã không chậm trễ trong việc triển khai chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”. Trước hết là phá rừng, thu củi gỗ và tạo quỹ đất để trồng cao su. Quá trình khai thác, khẩn hoang cũng là quá trình chiêu tập công nhân làm thuê. Người dân ở các xã, ở ấp tổng Bình Thạnh Thượng, Gò Dầu, Trảng Bàng, Củ Chi… được thuê mướn tới khẩn hoang và cứ thế trở thành những công nhân đồn điền (thực chất là những cu li). Công việc của những người làm thuê hết sức nặng nhọc, mỗi ngày làm 12 đến 14 giờ dưới cái nắng như đổ lửa, ăn gạo ẩm, cá khô mục và thường xuyên bị bọn chủ Tây đánh đập dã man. Đời sống của culi chật vật vô cùng. Những túp lều tranh tồi tàn, những bộ quần áo chằng đụp, gạo đỏ, cá khô muối mặn cứ lặp đi lặp lại hết tháng này qua năm khác. Ốm đau, sốt rét rừng không có thuốc men chữa trị, quyền con người bị tước đoạt khiến những người làm thuê như sống trong địa ngục trần gian. Hiện thực phũ phàng ấy khác hẳn với những gì dân phu được hứa hẹn trước khi điểm chỉ giao kèo làm việc cho chủ Tây.

Vào đầu năm 1930, một cuộc đấu tranh lớn nổ ra ở Phú Riềng. Công nhân kéo cờ đỏ búa liềm và tập hợp trên 5.000 công nhân từ các làng về bao vây chủ sở mấy ngày liền đòi giải quyết các yêu sách. Mặc dù cuộc đấu tranh bị bọn chủ cấu kết với quân đội, binh lính chính quyền thực dân đàn áp, song công nhân Phú Riềng đã làm một sự kiện động trời, làm cho giới chủ Tây một phen khiếp đảm, lo sợ. Sự kiện Phú Riềng mùa xuân năm 1930 tác động mạnh đến công nhân ở các đồn điền cao su Dầu Tiếng.

Phá bỏ xiềng xích

Như cuộc hẹn hò của lịch sử, cứ mỗi dịp đến mùa thu Tháng Tám cả nước rộn ràng đón mừng ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), những địa danh lưu dấu chiến công xưa trên đất Dầu Tiếng lại hiện về trong ký ức mỗi con người đất Việt với biết bao bồi hồi xúc động và tự hào. Thời gian dẫu có trôi bao lâu đi nữa thì mãi mãi những tấm lòng trung kiên, dâng hiến cả cuộc đời mình cho Dầu Tiếng vẫn luôn hiển hiện. Quên sao được những chiến sĩ cộng sản đầu tiên với tấm lòng trung kiên như Đặng Dân, Đinh Công Toàn, Trần Văn Lắc… đã hiến tặng tuổi xuân của mình cho quê hương Dầu Tiếng. Họ đã thấm thía biết bao tủi hờn của kiếp người mất nước. Không thể mãi làm người nô lệ, họ đã gan dạ vượt qua hiểm nguy, tập hợp, kêu gọi người người đứng lên giành chính quyền, giành độc lập tự do cho quê nhà.

Còn đó âm vang đêm 24-8-1945 lịch sử, công nhân cao su Dầu Tiếng, nông dân xã Định Thành mà nòng cốt là lực lượng thanh niên tiền phong, lực lượng tự vệ công nhân với chiến sĩ Trần Văn Lắc lãnh đạo nhất tề nổi dậy. Trên tay dù chỉ tầm vông vạt nhọn, xà beng, giáo mác nhưng đoàn người cứ thế tiến vào nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cao su, các cơ sở sản xuất, nhà chủ, sếp, xu cai… của bọn chủ Tây mà đến. Cùng với lực lượng Thanh niên Tiền phong, Thanh niên Cứu quốc dưới sự chỉ huy của Huỳnh Văn Sớm, Huỳnh Văn Lơn, người dân Dầu Tiếng ào ạt vùng lên bao vây đánh Nhật, kháng Pháp giành chính quyền thắng lợi. Còn đó âm vang của những lời ca “…xông pha lên đàng, ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông…”, rồi đến “này thanh niên ơi đứng lên đáp lời sông núi” vang lên bên bếp lửa hồng trên khắp thị trấn Định Thành và cả 22 làng cao su rồi đến Bến Súc. Những âm vang ấy đã thổi vào lòng thanh niên trai tráng trong làng, các làng sở công nhân, nhân dân các thôn ấp lòng khát khao tự do vô bờ bến. Về Dầu Tiếng ngắm nhìn cánh rừng bạt ngàn cao su, nghe lại những cung điệu của bài ca Lên đàng ai ai cũng có thể soi lại mình, có quyền kiêu hãnh về địa danh đã đi vào lịch sử nhân loại.

Quên sao được những người con ưu tú Nguyễn Văn Chiêu, Nguyễn Văn Thượng, Huỳnh Văn Hoài… họ khát khao độc lập, tự do đến cháy bỏng, bất chấp mọi thủ đoạn đàn áp của kẻ thù đã kêu gọi đồng bào cùng nhau xuống đường giành lại hạnh phúc, tự do cho riêng mình. Từng con người hối hả tay cầm khẩu hiệu, miệng reo hò, cùng nhau kiên quyết đứng lên giành độc lập dân tộc.

Làm sao quên được, trên mảnh đất rừng núi bạt ngàn thân thương của quê hương mình, người dân Dầu Tiếng không được quyền làm chủ. Họ ngậm đắng nuốt cay đến trụ sở hãng Mechelin đưa ngón tay quẹt mực, điểm chỉ vào thẻ giao kèo tự nguyện trói cuộc đời mình vào kiếp cu li, cuộc đời cùng cực, đói khát triền miên.

Cũng chính từ những cơ cực ấy, người dân Dầu Tiếng đã hòa mình vào dòng thác cách mạng để giải phóng dân tộc. Để rồi lần lượt ra đời những đội du kích mật, những đảng viên trung kiên, những đội vũ trang tuyên truyền, đội biệt động thị trấn, những đêm vạt cây cao su, đốt mủ, những buổi đình công, đấu tranh của công nhân đồn điền Mechelin, những cuộc hội gặp trong chiến khu, những trận diệt ác phá tề công đồn, phục kích, tiến vào công sở xóa bỏ hoàn toàn bộ máy tay sai ở địa phương.

Cùng với cả nước, cuối tháng 8, đầu tháng 9 mùa thu 1945, cờ đỏ sao vàng phấp phới trên bầu trời Dầu Tiếng. Người dân Dầu Tiếng lần đầu tiên cảm nhận được không khí tự do đang vươn tới. Niềm hạnh phúc đến tột cùng dâng tràn khi nhìn thấy kẻ đàn áp, bóc lột lần lượt đầu hàng trước cách mạng. Ách công tra của người công nhân làm thuê được cởi bỏ và nát vụn dưới sức mạnh ghê gớm của hàng ngàn con người đang đứng lên vì không thể nào không đứng lên. Và cũng chính dòng thác cách mạng ấy đã biến giấc mơ thành sự thật, từ thân phận nước mất, nhà tan trở thành công dân tự do của đất nước độc lập, tự do.

Bài 2:Trước thời khắc lịch sử

  HÒA NHÂN - TRÍ DŨNG
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên