Bài 2: Trước thời khắc lịch sử
> Bài 1: Ngược dòng thời gian
Cùng với sự kiện Phú Riềng mùa xuân 1930 và nhất là đời sống của những người làm thuê bị bọn chủ Tây và tay sai không ngừng bóc lột tàn bạo, các cuộc đình công của công nhân liên tiếp nổ ra. Phong trào công nhân đồn điền ngày càng phát triển mạnh mẽ khi có sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Từ đây, phong trào công nhân cao su đã có đường hướng đấu tranh rõ ràng, cũng như chuẩn bị kỹ lưỡng cho ngày đứng lên cởi bỏ xiềng xích…
“Vỡ bờ’
Cuộc bãi công của 5.000 công nhân ở Phú Riềng làm náo động cả Nam kỳ lục tỉnh và tác động trực tiếp đến đội ngũ công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng. Trong các làng cao su, công nhân từ lâu vốn đã quen với đòn roi của bọn chủ và cai xu, chỉ biết chịu đựng khổ nhục mà không dám kháng cự, có chăng chỉ là vài vụ vì bực tức quá nên đập chén, phá cây. Sau sự kiện Phú Riềng, người dân và công nhân bắt đầu bàn tán về hành động mà từ trước đó không ai dám nghĩ đến. Câu chuyện nhanh chóng lan truyền đã cổ động dân chúng xích lại gần nhau, đoàn kết tạo sức mạnh và chờ thời cơ.
Phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng có một quá khứ đấu tranh đáng tự hào. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng ra quân trồng tái canh
Lúc bấy giờ, Công ty Michelin điều một tên chủ sở nổi tiếng hung hăng ở Phú Riềng về Dầu Tiếng cai quản. Việc này đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong giới công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng. Ngày 10-2- 1930, tức là chỉ sau một tuần kể từ khi xảy ra sự kiện Phú Riềng, hàng trăm công nhân các làng ở Dầu Tiếng đã bỏ việc kéo về chợ trung tâm. Nhiều nhân chứng sau này kể lại rằng, lúc đó, người cầm dao, kẻ vác cuốc đi thành từng tốp, sau nhập cuộc thành đoàn người thẳng tiến về chợ Dầu Tiếng. Vừa đi họ vừa hô khẩu hiệu: “…không được cho công nhân ăn gạo ẩm, cá thối, không được đánh đập công nhân!”. Nhận thấy tình hình ngày càng rối rắm, tên chủ sở đã cầu cứu lính mã tà nhà việc xã Định Thành ra ngăn cản đoàn người. Tuy nhiên, đoàn người vẫn tiến lên mỗi lúc một đông. Không còn kiểm soát được tình hình, bọn lính đã nổ súng vào đám đông khiến hai người chết ngay tại dốc chợ. Súng nổ, người chết nhưng không vì thế mà đoàn người chùn bước, ngược lại họ càng lấn tới, bọn lính không bắn nữa rồi lui dần. Một người trong đoàn người đứng lên cao nhất nói to trước mọi người: “Chúng ta làm thuê cho chủ lâu rồi, nghèo đói nhưng ông chủ vẫn không nới tiền công; gạo mục, cá thối vẫn không được thay đổi. Mấy chục năm rồi hết chịu đựng nổi nên phải ra đây nói với ông chủ biết, nhưng ông chủ lại sai người bắn công nhân, không trả lời những yêu cầu của công nhân, cho nên chúng ta không về, không đi làm, bắt ông chủ phải bồi thường nhân mạng…”. Người kia vừa nói xong, mọi người hô theo làm ầm cả một khu chợ. Công nhân không giải tán, lính rút lui, chủ đồn điền buộc phải sai người ra đấu dịu và hứa thực hiện những yêu cầu của công nhân.
Sự kiện ngày 10-2 là ngòi nổ đầu tiên phá tan sự im lặng chịu đựng của người phu đồn điền Dầu Tiếng trong một thời gian dài. Đây cũng là sự kiện lịch sử đánh dấu sự khởi đầu của phong trào công nhân cao su Dầu Tiếng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc sau này.
Thành lập chi bộ Đảng đầu tiên
Sau cuộc đình công của công nhân vào ngày 10-2, giới chủ đã thay đổi chính sách cai trị. Từ đánh đập dã man được thay bằng cúp phạt. Biện pháp này làm tê liệt những cuộc đấu tranh của công nhân nhằm tăng nhịp độ khai thác, bòn rúc sức lao động tinh vi hơn.
Những yêu cầu của công nhân trong cuộc đình công đầu tiên đã được giới chủ hứa nhưng không thực hiện. Những cách đối xử tàn tệ của bọn cai xu đối với công nhân lại tiếp tục như trước. Ngày 15-12-1932, hơn 1.000 công nhân từ các làng cao su đồng loạt nghỉ việc, tổ chức đình công rồi kéo về văn phòng chủ sở đồn điền nêu yêu sách: “Chống chế độ gạo mục, cá thối; bảo đảm tiền lương; lương thực không được bớt xén; ngày làm việc 8 tiếng, chống đánh đập ức hiếp công nhân”. Ban đầu, bọn chủ Tây ra sức đối phó, cầu cứu binh lính các nơi về đàn áp, bắn vào đoàn người biểu tình, song trước sự kiên quyết của công nhân chủ sở buộc phải chấp thuận những đề nghị của công nhân, bồi thường nhân mạng. Tiếp đó là cuộc đình công quy mô lớn hơn với 2.000 người tham gia. Cuộc đấu tranh diễn ra mấy ngày liền, vườn cây bị bỏ hoang, nhà máy đình trệ sản xuất. Trước khí thế áp đảo của công nhân, chủ sở đành phải nhượng bộ, giải quyết những yêu sách của những người biểu tình. Đây là thắng lợi quan trọng nhất của phong trào công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công cuộc đấu tranh với chế độ hà khắc của chủ sở. Trong những cuộc đấu tranh của công nhân đã xuất hiện những hạt giống đỏ, đi đầu trong phong trào như: Đặng Dân, Đinh Công Toàn…
Phong trào công nhân đang trên đà phát triển mạnh mẽ cần có một tổ chức cách mạng đứng đầu để lãnh đạo quần chúng. Các đồng chí Văn Công Khai và Nguyễn Văn Tiết được cử về Dầu Tiếng để tuyên truyền, vận động, xây dựng cơ sở, tiến tới thành lập chi bộ Đảng. Đồng chí Văn Công Khai là đảng viên cộng sản từng làm công nhân cao su đồn điền Dầu Tiếng nhiều năm, còn đồng chí Nguyễn Văn Tiết là đảng viên hoạt động tại Chi bộ Bình Nhâm, Lái Thiêu.
Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Dầu Tiếng được thành lập vào cuối năm 1936 trực thuộc Thành ủy Sài Gòn gồm các đồng chí: Văn Công Khai, Nguyễn Văn Tiết, Đặng Dân và Đinh Công Toàn. Sự kiện này là bước ngoặt lịch sử của phong trào công nhân ở Dầu Tiếng. Từ đây, phong trào đấu tranh của công nhân đã có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng thông qua chi bộ đồn điền.
Cuối năm 1944 đầu năm 1945, phong trào công nhân ở Dầu Tiếng hoạt động mạnh mẽ. Hưởng ứng lời kêu gọi: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, phong trào của công nhân cao su Dầu Tiếng ngày càng sôi nổi hơn. Đội tự vệ cứu quốc nhà máy ra đời, công nhân trang bị gậy gộc, giáo mác hăng hái tập luyện chờ thời cơ cùng cả nước vùng lên cướp chính quyền.
Bài 3: Đất anh hùng viết tiếp kỳ tích
TRÍ DŨNG - HÒA NHÂN