Dầu Tiếng: Khởi động 2 cụm công nghiệp

Cập nhật: 14-03-2012 | 00:00:00

Quy hoạch và kêu gọi đầu tư 2 cụm công nghiệp: Vật liệu xây dựng và Chế biến nông sản trên địa bàn huyện Dầu Tiếng là 1 trong 29 công trình trọng điểm, dự án lớn có tính đột phá trong kế hoạch phát triển đô thị Bình Dương 2011-2015 do UBND tỉnh đề ra nhằm cụ thể hóa Chương trình hành động số 19 của Tỉnh ủy về phát triển đô thị văn minh, hiện đại, có bản sắc. Theo đó, Dầu Tiếng đang chuẩn bị cho những bước khởi động đầu tiên trong kế hoạch này...  Đường ĐT744 cơ bản hoàn thành sẽ tạo động lực cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ở Dầu Tiếng

Không nên... lệ thuộc cao su nhiều quá!

Trưởng phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng Trần Hải Trang, cho biết ngay từ đầu năm 2012, UBND huyện nhận được chủ trương quy hoạch, kêu gọi đầu tư cụm công nghiệp Chế biến nông sản và Vật liệu xây dựng và cũng đã giao cho Phòng Kinh tế khảo sát tình hình, lợi thế, điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện chủ trương này. Ông Trang còn cho biết không phải chờ chủ trương này, từng bước đưa công nghiệp về huyện, Đảng bộ Dầu Tiếng đã xác định từ lâu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện giai đoạn 2011-2015. Việc xác định mục tiêu này hết sức đúng đắn và cần thiết. Bởi hiện nay, Dầu Tiếng lệ thuộc quá nhiều vào cao su. Cao su tăng giá, đời sống của người dân khá giả, nhưng khi cao su rớt giá thì đời sống người dân sẽ gặp khó khăn. Vì thế, “đưa công nghiệp, dịch vụ - thương mại phát triển là bài toán mà chúng tôi đang tính tới, nhằm giải quyết lao động tại địa phương và tránh tình trạng người dân phụ thuộc quá nhiều vào cây cao su” - ông Trang lý giải.

Con số thống kê cho biết Dầu Tiếng đã thu hút 178 dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, bởi chưa có 1 khu, cụm công nghiệp nào đầu tư xây dựng bài bản, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nên đa phần dự án đầu tư đều nằm bên ngoài. Trước tình hình đó, thời gian qua, Dầu Tiếng cũng đã khắc phục bằng cách tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Cụ  thể là đường ĐT744 đến nay đã cơ bản hoàn thành; Cụm công nghiệp Thanh An cũng hoàn thành xong khâu đền bù giải tỏa, san lấp mặt bằng, phần còn lại là đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà máy xử lý nước thải đang chờ sự quyết tâm gấp rút của nhà đầu tư...

Khởi đầu cho định hướng...

Song song với Cụm công nghiệp Thanh An, Phòng Kinh tế huyện Dầu Tiếng đang ráo riết tham mưu với UBND huyện để có hướng quy hoạch và kêu gọi đầu tư 2 cụm công nghiệp Vật liệu xây dựng và Chế biến nông sản. Ông Trang cho hay: “Chúng tôi đang chuẩn bị báo cáo với huyện, tỉnh về khảo sát địa điểm. Đối với cụm công nghiệp Vật liệu xây dựng, chúng tôi đề xuất xây dựng tại ấp Hàn Nù, xã An Lập với quy mô 150 ha. Qua khảo sát được biết, tâm lý doanh nghiệp muốn đầu tư về địa điểm này. Lý do là vì khu vực này gần nguồn nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, dân cư thưa thớt, ít ảnh hưởng đến đời sống người dân. Thêm vào đó, giao thông thuận lợi, kết nối với huyện Bến Cát dễ dàng, việc tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp loại hình này cũng khá thuận tiện.

Tương tự với cụm công nghiệp Vật liệu xây dựng, Dầu Tiếng cũng đang khẩn trương khảo sát địa điểm xây dựng cụm công nghiệp Chế biến nông sản tại xã Long Hòa. Đây là khu vực có thể tiếp nhận sản phẩm nông sản của nông dân từ các xã Minh Tân, Minh Thạnh, Minh Hòa cũng như các khu vực lân cận. Tuy nhiên, cụm công nghiệp này thu hút loại hình gì cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng. Thế mạnh của Dầu Tiếng là cây cao su và chăn nuôi. 2 loại nông sản này có đặc điểm công nghiệp chế biến, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, khi kêu gọi thu hút đầu tư, điều quan trọng là Dầu Tiếng phải ưu tiên tính đến bài toán xử lý ô nhiễm, để mang lại hiệu quả sản xuất - kinh doanh thực sự.

Bên cạnh xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư tại các cụm công nghiệp, Dầu Tiếng sẽ khuyến khích phát triển kinh tế cá thể, hợp tác xã đầu tư vào các ngành nghề truyền thống, nhằm tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu cho ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động địa phương. “Ngoài các ngành công nghiệp đó, tỉnh nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, tránh ô nhiễm môi trường trong sản xuất, góp phần phát triển ổn định và bền vững trên quê hương Dầu Tiếng”, ông Trang mong muốn như thế. Ngoài ra, trong giải pháp quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương đến năm 2015, Chương trình hành động số 19 vừa ban hành, tỉnh còn đề ra chủ trương thành lập khu, cụm công nghiệp tập trung gắn với đô thị Long Hòa - Dầu Tiếng để tiếp nhận các dự án đầu tư không phù hợp bố trí ở khu vực phía Nam, từng bước hình thành đô thị vệ tinh, tiết kiệm đầu tư kết cấu hạ tầng, khuyến khích chuyển đổi công năng vùng đô thị phía Nam...

Chủ trương đã có, mục tiêu đã rõ ràng, lợi thế cũng đã tính đến. Vấn đề còn lại là các bước tiến hành tiếp theo là quy hoạch, giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng, đưa dự án nhanh chóng đi vào hoạt động. Theo đó, “chúng tôi đang đề nghị thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất để giúp các nhà đầu tư có thể hợp đồng triển khai dự án được nhanh hơn, thuận lợi hơn” - ông Trang một lần nữa phấn khởi cho biết.

Th.s, KTS, Phó giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Văn Minh: Thực hiện 2 dự án quy hoạch đầu tư cụm công nghiệp ở Dầu Tiếng sẽ góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn

Dầu Tiếng đang từng bước thay da đổi thịt nhờ vào cây cao su. Như vậy, sao không tập trung đầu tư chiều sâu phát triển nông nghiệp, nhất là cây cao su mà Dầu Tiếng phải chuyển sang phát triển công nghiệp? Trao đổi nhanh với phóng viên Báo Bình Dương, Th.S, KTS, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Huỳnh Văn Minh, cho biết: 

- Dầu Tiếng hiện chiếm trên 20% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; trừ phần đóng góp của Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, đóng góp vào ngân sách của cả huyện chỉ đạt khoảng 2,5% trong tổng thu ngân sách của tỉnh. Để tăng nguồn thu cho ngân sách thì chỉ có công nghiệp hóa, hiện đại hóa mới giải quyết được bài toán này. Và công nghiệp hóa bằng việc đưa công nghiệp chế biến vào vùng nguyên liệu sẽ kích thích nông nghiệp phát triển mạnh hơn, bền vững hơn không chỉ cho Dầu Tiếng mà cho tỉnh Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên. Vì thế, định hướng phát triển của tỉnh đã đề ra một số ngành nghề không khuyến khích phát triển khu vực phía Nam như gốm sứ, vật liệu xây dựng có thể di dời về đây, tạo công ăn việc làm từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

- Như vậy, bên cạnh phát triển 2 cụm công nghiệp đó, Dầu Tiếng phải làm gì để phát triển đô thị nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại?

- Tôi nghĩ, Dầu Tiếng phải nhanh chóng hoàn thành quy hoạch và triển khai đề án xây dựng nông thôn mới để hoàn thành mục tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ gắn với tiến trình hiện đại hóa, đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới; sớm đầu tư hoàn thành các tuyến đường giao thông trọng điểm, trong đó có đường mòn Hồ Chí Minh; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; đẩy nhanh đầu tư hạ tầng xã hội để bảo đảm an sinh xã hội. Có như vậy, Dầu Tiếng nhanh chóng phát triển đô thị nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.

- Xin cảm ơn ông! 

H.Nhân

Hòa NHÂN - Đình HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3806
Quay lên trên