Đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ Thủ Dầu Một: Cần phương án thiết kế phù hợp - Kỳ 1

Cập nhật: 22-04-2024 | 08:58:39

 Kỳ 1: Tiểu thương gặp khó

Tình trạng chợ Thủ Dầu Một xuống cấp, vắng khách hàng khiến tiểu thương gặp nhiều khó khăn. Chính quyền, Ban Quản lý (BQL) chợ cũng mong muốn sớm tháo gỡ khó khăn, đầu tư xây dựng chợ gắn với phát triển văn hóa của thành phố.

 Tiểu thương tại chợ Thủ Dầu Một luôn trong tình trạng buôn bán ế ẩm do vắng khách

 Bù lỗ vì bám chợ

Chợ Thủ Dầu Một từng là một trong những chợ lớn, đông khách hàng. Thế nhưng tình cảnh của các tiểu thương hiện hết sức khó khăn. Chúng tôi đến chợ Thủ vào một sáng cuối tuần với mong muốn chứng kiến cảnh khởi sắc hơn các ngày trong tuần, nhưng không khí ảm đạm bao trùm, vẫn trong tình trạng người bán nhiều hơn người mua. Trong khu nhà lồng, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng, các mảng vôi vữa bong tróc lộ cả gạch, các gian hàng san sát nhau, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.

Hơn 9 giờ 30 phút sáng, chị Đỗ Thị Cẩm Tú mới dọn hàng. Tôi vào mua một số món đồ trẻ em và lân la trò chuyện. “Tôi gắn bó với chợ từ lúc trẻ tới giờ cũng đã 30 năm. Trước đây buôn bán tại chợ đủ trang trải cuộc sống cả gia đình. Gắn bó gần gũi với ngôi chợ này từ lâu, khó có thể nghỉ bán dù buôn bán ế ẩm vài năm nay rồi”, chị Tú tâm tình. Chị cho biết thêm, với 4 căn ki-ốt liền nhau mỗi tháng trả tiền thuê 9 triệu đồng, kể cả điện, nước. Trung bình chi phí mỗi ngày 300.000 đồng nhưng có ngày cả vốn và lãi vẫn không đủ số tiền đó. Giờ tuổi chị cũng đã lớn không biết chuyển đổi làm nghề gì nên đành bám chợ.

Theo hướng tay chị Tú chúng tôi nhìn thấy xung quanh các căn ki- ốt bên cạnh đa phần được thuê làm kho chứa hàng của các hộ có mặt tiền kinh doanh. Đi sâu vào trong chợ chúng tôi gặp cô chủ sạp hàng phụ liệu Kim Ngân. Cô cho biết giờ doanh số bán hàng đã giảm 70% so với trước kia. “Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã bù lỗ 300 triệu đồng, bây giờ vẫn tiếp tục bù lỗ. Tôi đã bán ở chợ 28 năm giờ nghỉ cũng không biết làm gì. Buôn bán qua mạng phải chuẩn bị máy móc, nhân lực, thật khó khăn. Chỉ mong BQL chợ xem xét tình hình hoạt động mà giảm phí cho thuê”.

 Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ đầu tư Thủ Dầu Một: “Chúng tôi đã lập phương án thiết kế xây dựng chợ mới theo hướng vừa bảo đảm yếu tố gìn giữ bản sắc truyền thống, vừa bảo đảm văn minh, hiện đại và đạt các tiêu chí của chợ loại I. Chúng tôi đang tập trung chuẩn bị chứng minh nguồn lực tài chính khoảng 200 tỷ đồng (30% kinh phí xây dựng) để xin phép thủ tục đầu tư xây dựng, nâng cấp chợ Thủ Dầu Một trong thời gian tới”.

Nhà đầu tư quyết tâm

Ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một, cho biết năm 2012, UBND tỉnh có quyết định về việc chuyển giao cho Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ đầu tư Thủ Dầu Một quản lý, đầu tư xây dựng và kinh doanh chợ. Đây là chợ hạng 1 có tổng diện tích đất sử dụng 8.595,7m2. Hiện cơ sở vật chất của chợ Thủ Dầu Một đã xuống cấp, gây nguy cơ cháy, nổ, mất an ninh trật tự. Theo quyết định này, Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ đầu tư Thủ Dầu Một có trách nhiệm đầu tư, cải tạo, xây dựng chợ theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống và phù hợp với quy hoạch định hướng phát triển TP.Thủ Dầu Một. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa thực hiện được do khó khăn nhiều vấn đề.

 Tình trạng xuống cấp trầm trọng của chợ Thủ Dầu Một tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

“TP.Thủ Dầu Một đang xem xét phương án quy hoạch chợ bán lẻ nông sản thực phẩm ven sông với diện tích 2 ha tại phường Chánh Nghĩa nhằm di dời các hộ kinh doanh. Qua rà soát, trong chợ Thủ Dầu Một hiện còn 54 hộ kinh doanh. Nhằm bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, UBND TP.Thủ Dầu Một đã chỉ đạo lực lượng công an tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở bà con tự phòng ngừa để bảo đảm tài sản, tính mạng”, ông Võ Chí Thành cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ đầu tư Thủ Dầu Một, cho biết đơn vị này nắm rõ tình trạng khó khăn của các tiểu thương. BQL chợ cũng vừa sửa chữa mái chợ vòm tránh dột trong mùa mưa. Tuy nhiên, trên thực tế chợ đã quá cũ nát, việc sửa chữa một số hạng mục cũng chỉ mang tính tạm thời. Việc xin giấy phép sửa chữa, nâng cấp cũng gặp nhiều khó khăn nhưng BQL chợ đã hết sức cố gắng.

“Hiểu được khó khăn của tiểu thương trong xu hướng doanh số sụt giảm chung của chợ truyền thống, chúng tôi đã học tập mô hình kinh doanh thương mại điện tử, đang triển khai phương án lập app để hỗ trợ các tiểu thương bán hàng qua mạng với những thao tác đơn giản, phù hợp nhằm giải quyết khó khăn trước mắt”, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm. (Còn tiếp)

 TIỂU MY  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=852
Quay lên trên