Nằm ở phía đông bắc tỉnh, huyện Phú Giáo được ví như “viên ngọc thô” với tiềm năng phát triển to lớn. Những năm qua, huyện tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư kết nối, thúc đẩy phát triển KT-XH. Trong ảnh: Công trình tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đoạn qua huyện Phú Giáo đang được tập trung hoàn thành
Thay đổi diện mạo
Là địa phương thuần nông với nhiều khó khăn, những năm gần đây Phú Giáo đang đổi thay mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường trọng điểm được đầu tư xây dựng, như: ĐT741, ĐT750, tuyến Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng... cùng hệ thống giao thông nội bộ hoàn thiện, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, thu hút du lịch, góp phần thúc đẩy KT-XH huyện phát triển.
Những ngày đầu năm 2024, có dịp về huyện Phú Giáo, dừng chân tại công trình xây dựng thuộc tuyến tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng (đoạn thuộc xã Tam Lập), chúng tôi chứng kiến một không khí thi công hối hả. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, tính đến cuối tháng 10-2023, dự án xây dựng đường từ cầu Tam Lập đến Đồng Phú (tỉnh Bình Phước), khối lượng thi công đạt 48%, mặt bằng bàn giao đạt 93%, đối với dự án xây dựng đường từ ngã ba Tam Lập đến Bàu Bàng tiến độ thi công đạt 78,8%, mặt bằng bàn giao đạt 90%. Ngay từ đầu năm, huyện đã yêu cầu các nhà thầu huy động nhân lực, máy móc thiết bị tập trung thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành theo kế hoạch.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện, cho biết công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và nhánh rẽ Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Đồng Phú khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ mở ra cho huyện Phú Giáo tiềm năng phát triển kinh tế về phía đông tại các xã Tam Lập, An Bình cùng các địa phương khu vực phía tây như Vĩnh Hòa, Tân Long. Ngoài ra, đường tạo lực còn tạo sự kết nối giao thông giữa các tuyến đường vành đai của huyện, các tuyến đường xã để tạo một mạng lưới giao thông thông suốt cho địa phương.
Ngoài ra, các tuyến đường xã liên kết các vùng sản xuất nông nghiệp đã được UBND huyện tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng đã góp phần bảo đảm nhu cầu đi lại, sản xuất trên địa bàn. Bên cạnh giao thông, huyện còn chú trọng đầu tư vào các lĩnh vực khác, như: Điện, nước, viễn thông, giáo dục, y tế... Hệ thống điện lưới được nâng cấp, bảo đảm cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt. Hệ thống cấp nước được đầu tư mở rộng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Các trường học, bệnh viện được xây dựng mới, nâng cấp, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và y tế. Với sự đầu tư đồng bộ hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, huyện Phú Giáo đang chuyển mình đổi thay từng ngày, diện mạo huyện ngày càng trở nên khang trang, hiện đại, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.
Kinh tế bứt phá
Nhờ đầu tư hạ tầng đồng bộ, KT-XH của huyện Phú Giáo có bước phát triển mạnh mẽ. Ngành công nghiệp của huyện phát triển cả về quy mô và chất lượng, đang trở thành ngành kinh tế quan trọng. Cụ thể, huyện đã đưa vào hoạt động Cụm công nghiệp Tam Lập 1 và chuẩn bị đầu tư 4 cụm công nghiệp mới.
Hiện nay, huyện Phú Giáo được biết đến như là “thủ phủ” của các khu nông nghiệp công nghệ cao. Ngoài cây cao su chiếm hơn 80% diện tích đất trồng cây lâu năm, trên địa bàn đã hình thành một số vùng nông nghiệp chuyên canh cây ăn trái có múi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kinh tế trang trại bước đầu đã góp phần làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Đặc biệt, huyện có các điểm du lịch tiềm năng, như khu du lịch sinh thái Suối Rạt thuộc địa bàn xã An Bình, Di tích cầu sông Bé, Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên thuộc ấp Cây Khô, xã Tam Lập... Việc đầu tư đồng bộ hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông sẽ là điều kiện thuận lợi thúc đẩy tiềm năng du lịch của huyện nhà. Trong đó, chú trọng triển khai mô hình du lịch nông nghiệp công nghệ cao, gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao theo định hướng phát triển làng thông minh.
Với hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, KT-XH phát triển, huyện Phú Giáo đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư và người dân sinh sống. Ông La Văn Bình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Chỉ, tại xã Tam Lập, cho biết hơn 30 năm gắn bó với địa phương, ông hiểu và cảm nhận rõ sự thay đổi, chuyển mình của vùng đất khó này. Với ông và cả cộng đồng dân tộc Sán Chỉ, vùng đất lành đã hóa quê hương, yêu thương như máu thịt. Hiện nay, ấp nào cũng có đường giao thông rộng rãi, bê tông hoặc thảm nhựa. Đời sống của người dân xã Tam Lập nói chung, đồng bào dân tộc Sán Chỉ nói riêng có sự chuyển mình phát triển mạnh mẽ.
Theo lãnh đạo huyện Phú Giáo, những năm qua huyện đã chú trọng tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, coi đây là nhiệm vụ quan trọng để phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Mục tiêu của huyện tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển bền vững gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp và nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Chú trọng phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, nâng dần tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. |
TIẾN HẠNH - LÝ HUY