Kỳ 3: Xây dựng hạ tầng thông minh, thúc đẩy thu hút đầu tư
Bình Dương đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng Thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh đã và đang đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thông minh, bền vững, góp phần thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Từ giao thông thông minh
Phát triển hệ thống giao thông thông minh được coi là một trong những trụ cột quan trọng, cốt lõi để phát triển hạ tầng kỹ thuật, là đòn bẩy thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Hệ thống giao thông thông minh - Intelligent Transportation System (viết tắt ITS) là hệ thống các ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hướng tới mục tiêu cung cấp các giải pháp, dịch vụ hữu ích cho người và phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, hệ thống này cũng giúp tổ chức giao thông an toàn, thuận tiện hơn.
VSIP I - Hình mẫu trong phát triển khu công nghiệp xanh
Để đạt được mục tiêu tự động hóa trong giao thông vận tải, ITS cần trải qua 3 giai đoạn gồm thu thập thông tin, xử lý thông tin và đưa thông tin đã xử lý đến người và phương tiện. Cả 3 giai đoạn này đều được thực hiện tự động thông qua các ứng dụng công nghệ và viễn thông.
Hiện Bình Dương ứng dụng mô hình TOD - đô thị phát triển theo hướng dựa vào đầu mối giao thông công cộng, nhằm phát triển chuỗi đô thị gắn liền với xây dựng các tuyến xe buýt nhanh BRT, giao thông kết nối vùng. Giao thông công cộng là một lĩnh vực được tỉnh chú trọng trong phát triển ITS.
Tháng 10-2022, Công ty TNHH Becamex Tokyu cùng các đơn vị Phenikaa-X, Nippon Koei Vietnam và các sở ngành chức năng ra mắt chuyến xe tự hành đầu tiên tại thành phố mới Bình Dương, tiến hành thử nghiệm chính thức phương tiện xe không người lái trên tuyến đường công cộng. Với các tính năng thông minh nổi bật như hệ thống giám sát hành trình, hệ thống kiểm soát làn, cảnh báo va chạm và điều chỉnh vận tốc, xe tự hành hướng đến mục tiêu phát triển đô thị thông minh từ giải pháp giao thông thông minh. Bình Dương kỳ vọng dự án sẽ góp phần vào sự phát triển cả về phương diện giao thông công cộng và đổi mới sáng tạo đúng như tinh thần của Vùng thông minh Bình Dương.
Bên cạnh đó, Bình Dương còn dành nguồn lực đầu tư cho hệ thống camera giám sát, kết nối với trung tâm điều hành để nâng cao hiệu quả trong công tác điều tiết giao thông, kịp thời xử lý, giải tỏa các khu vực có nguy cơ ùn tắc, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Cơ sở dữ liệu BigData, Internet vạn vật IoT, các nền tảng ứng dụng khác hiện đang được tỉnh tích hợp trong quá trình phát triển các hạ tầng kỹ thuật để ngày càng hoàn thiện hệ sinh thái giao thông, quản lý và điều tiết giao thông thông minh.
Đến khu công nghiệp xanh
Xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo, hiện tỉnh đang định hướng chuyển đổi các KCN truyền thống sang mô hình KCN thông minh - sinh thái. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Thực hiện nghiên cứu chuyển hướng sản xuất sang xu hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giá trị xuất khẩu lớn, gắn sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
Trên tinh thần đó, Bình Dương luôn chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các yếu tố môi trường bền vững và đóng góp vào thúc đẩy phát triển các KCN đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái.
Mô hình Khu công nghiệp khoa học công nghệ sẽ được tỉnh xây dựng tại huyện Bàu Bàng
Bình Dương đang triển khai xây dựng KCN khoa học công nghệ (KHCN). Đây là một sáng kiến chiến lược của Becamex IDC - một trong những dự án trọng điểm của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương. KCN KHCN tập trung triển khai một khu vực nhằm thu hút các tập đoàn, đặc biệt cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất mũi nhọn có giá trị gia tăng cao phù hợp giai đoạn hiện nay. Đồng thời, quy hoạch khu vực nghiên cứu và phát triển, thực nghiệm KHCN, kết nối viện, trường - doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế, hướng đến trở thành một trung tâm đào tạo thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nghiên cứu chuyển giao công nghệ…
Theo ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, dự án KCN KHCN ra đời với mong muốn Bình Dương sẽ có những bước đi đột phá, lấy KHCN làm nền tảng để có thể phát triển kinh tế một cách bền vững và cân bằng. KCN KHCN được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi các KCN hiện tại thành các KCN thông minh, với các nhà máy thông minh, tự động, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật…
“Thời gian tới, đứng trước những yêu cầu mới ngày càng khắt khe của thị trường, để tìm kiếm động lực vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, Bình Dương đã và đang tái định hình mô hình phát triển bằng các định hướng lớn như chuyển đổi mô hình phát triển công nghiệp, từ công nghiệp - đô thị - dịch vụ sang công nghiệp - đô thị - dịch vụ thông minh. Nâng cấp các KCN hiện hữu cũng như xây mới các KCN xanh, thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0, giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả, góp phần gia tăng năng suất lao động. Đây được xem là mô hình phát triển hệ sinh thái toàn diện phục vụ cho việc phát triển các KCN, là điểm khác biệt, tạo ra giá trị gia tăng tốt nhất cho nhà đầu tư và người dân toàn khu vực”, ông Mai Hùng Dũng nói.
Bà Nah Yoon Shin, chuyên gia trong lĩnh vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết: “Sự phát triển của KCN sinh thái (EIP) ở Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm làm giàu tri thức, thu hút FDI và tiết kiệm chi phí. Bằng cách thiết lập EIP được quốc tế công nhận, Bình Dương không chỉ thu được những hiểu biết có giá trị và giám sát hiệu suất, mà còn trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư FDI hàng đầu”.
Có thể nói, huy động nguồn lực xã hội hiệu quả trong phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa trong những năm qua của Bình Dương đã tạo đòn bẩy giúp tỉnh thu hút đầu tư hiệu quả. Tính đến nay, toàn tỉnh có 31 KCN với tổng diện tích 12.721 ha, trong đó có 29 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp kín trên 90%. Bình Dương hiện đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI với trên 40 tỷ đô la Mỹ.
PHƯƠNG LÊ - HOÀNG PHONG