Đầu tư, kiên cố hóa các công trình thủy lợi

Cập nhật: 10-06-2022 | 09:00:27

Kinh tế nông nghiệp là thế mạnh của huyện Bắc Tân Uyên với tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm đến 83,02% tổng diện tích đất tự nhiên. Do vậy, việc đầu tư kiên cố hóa các công trình thủy lợi (CTTL) là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển.

Bảo đảm hệ thống tưới tiêu

Trên địa bàn huyện có 8 CTTL, bao gồm 2 hồ chứa (Đá Bàn - Suối Sâu, Dốc Nhàn) và 6 trạm bơm, hệ thống kênh mương tưới tiêu có chiều dài gần 71km. Hiện các công trình đang hoạt động ổn định và phát huy được tác dụng hỗ trợ cho người dân sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất mùa vụ với tổng năng lực thiết kế tưới cho khoảng 789 ha.

Những cánh đồng lúa, vườn hoa màu xanh mơn mởn dọc theo các tuyến kênh thủy lợi chủ yếu nằm ở 3 xã Thường Tân, Tân Mỹ và Lạc An. Những vườn cây ăn trái có múi đem lại hiệu quả kinh tế cao tập trung diện tích lớn nhất ở 2 xã ven sông Đồng Nai, sông Bé là Hiếu Liêm, Tân Định. Hầu hết nông dân ở các địa phương đều nhận định, đầu tư kênh thủy lợi giúp năng suất lúa, hoa màu tăng lên đáng kể. Anh Hà Thiện Thanh Phong, ấp Giáp Lạc, xã Lạc An chỉ tay về phía vườn hoa màu của mình, cho biết: “Bà con ở ấp Giáp Lạc có truyền thống canh tác lúa và hoa màu. Nguồn tưới tiêu từ công trình hồ Dốc Nhàn về cơ bản luôn đủ phục vụ sản xuất, nhờ đó nông dân thuận lợi trong canh tác”.

Việc tiến hành duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Trong ảnh: Công trình thủy lợi hồ Đá Bàn sẽ được tập trung sửa chữa để bảo đảm tưới trong vùng sản xuất

Ông Đặng Minh Lượng, Trưởng trạm Thủy nông huyện, cho biết hạ tầng thủy lợi thường xuyên duy tu, sửa chữa, nâng cấp và nạo vét kịp thời. Công tác quản lý, vận hành hệ thống tự chảy và các trạm bơm điện, hồchứa nước được bảo đảm quan tâm thực hiện, cấp nước theo kế hoạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân”. Anh Vũ Mạnh Cường, phụ trách vận hành trạm bơm Bà Cố, ấp 4, xã Lạc An, cho biết nằm sát sông Đồng Nai, trạm bơm dựa theo con nước đểhàng ngày cấp nước 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Nhờ được đầu tư sửa chữa máy bơm kịp thời, nguồn nước sông Đồng Nai dồi dào nên đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu cho bà con nông dân.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, hàng năm vào mùa khô, một số nông dân ở các vùng xa kênh chính hệ thống thủy lợi Đá Bàn - Suối Sâu (chủ yếu ở xã Tân Mỹ và Lạc An) gặp phải khó khăn nguồn nước tưới tiêu cho vụ đông xuân. Theo đó, đơn vị chức năng đã phối hợp với UBND các xã tổ chức điều tiết nước bảo đảm cấp nước kịp thời phục vụ sản xuất. Mặt khác, Trạm Thủy nông đã đầu tư kinh phí thuê dịch vụ quan trắc thủy văn chuyên dùng cho 2 hồchứa nước tự chảy để có kế hoạch điều tiết nguồn nước tưới tiêu phù hợp. Bên cạnh đó, trạm khuyến cáo người dân bảo vệ các CTTL, bảo đảm dòng chảy thông suốt, tuổi thọ công trình cao.

Ông Đặng Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc An, cho biết: “Mùa khô lượng nước trong hồtự chảy không đủ đáp ứng tưới tiêu đồng đều, UBND xã phối hợp cơ quan chuyên môn tiến hành điều nước cho từng khu vực theo lịch cụ thể. Hầu hết bà con nông dân lấy nước theo lịch trình đểbảo đảm tất cả các cánh đồng, vườn cây luôn được tưới mát”.

Chú trọng đầu tư, nâng cấp

Việc phân khai nguồn kinh phí đầu tư sửa chữa các CTTL sẽ đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương. Điển hình, trong năm 2021, tuyến kênh tự chảy Đá Bàn - Suối Sâu (đoạn từ đường ĐH436 - giáp Suối Sâu), xã Đất Cuốc đã được tiến hành nạo vét. Tiếp theo là công trình suối Tân Lợi, nhánh Suối Sâu (đoạn từ cống qua đường Đất Cuốc đến Suối Sâu, xã Đất Cuốc) cũng được nạo vét, hoàn thành vào quý I-2022.

Việc đầu tư nạo vét kênh mương đã giúp bảo đảm dòng chảy, cung cấp nguồn nước tưới phục vụ cho nông nghiệp. Ông Nguyễn Minh Hùng, nông dân tại xã Lạc An, cho biết hệ thống kênh mương bảo đảm sẽ giúp những người nông dân chủ động được nước tưới đểgieo cấy đúng thời vụ. Bên cạnh đó, nông dân thuận lợi trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sản xuất, thu nhập tăng lên, đời sống ngày một khá hơn.

Những CTTL được đầu tư, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy nông nghiệp của huyện phát triển nhanh chóng trong những năm qua. Nói về nhiệm vụ phát triển kinh tế trong những năm tiếp theo, ông Thái Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh việc đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hạ tầng nông thôn và hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện và thủy lợi. Đểkhai thác, vận hành có hiệu quả hệ thống CTTL, phục vụ sản xuất, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình hiện có nhằm bảo đảm yêu cầu tưới và tiêu thoát nước cho 100% diện tích sản xuất nông nghiệp nằm trong khu vực tưới của hệ thống thủy lợi do huyện đầu tư; phổ biến, nhân rộng việc áp dụng các kỹ thuật tiết kiệm nước, nhất là đối với các vùng khan hiếm nguồn nước.

Từ nay đến năm 2030, huyện tập trung nâng cấp, sửa chữa 2 hồ chứa nước, 6 trạm bơm, kiên cố hóa hệ thống kênh mương; hoàn thành và đưa vào sử dụng theo phương án chuyển đổi công năng hồ Đá Bàn, xây dựng mới 2 trạm bơm tại xã Lạc An và xã Thường Tân; nghiên cứu đánh giá nhu cầu nước tưới trong nông nghiệp để đầu tư hệ thống thủy lợi lấy nước từ sông Bé cho các xã Tân Định, Hiếu Liêm; hoàn thiện mới hệ thống thủy lợi, các trạm bơm và kênh mương được lấy nước từ sông Đồng Nai; tiếp tục đầu tư, nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến và tiết kiệm nước.

TIẾN HẠNH - PHƯƠNG THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1773
Quay lên trên