Để phục vụ công tác cải cách hành chính theo hướng chuyển đổi số (CĐS), năm 2023, Bình Dương đã đầu tư thêm nhiều hạ tầng số để phục vụ công tác quản lý nhà nước theo hướng quản lý số phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu
Ông Nguyễn Lộc Hà, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết trong năm 2023, hạ tầng số được tỉnh quan tâm đầu tư theo hướng hiện đại hóa. Trung tâm Dữ liệu tỉnh vận hành các hệ thống, dữ liệu, phần mềm, nền tảng dùng chung của tỉnh. Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đặt tại Trung tâm Dữ liệu tỉnh đã kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là một trong 20 tỉnh đầu tiên hoàn thành việc kết nối và trên 10 cơ sở dữ liệu chia sẻ của các bộ ngành, Trung ương để thúc đẩy việc khai thác thông tin, kiểm tra chéo dữ liệu.
Trung tâm Giám sát điều hành thông minh kết nối dữ liệu và tích hợp với hơn 1.000 chỉ số giám sát ở 27 lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh với 146 bảng điều hành ở các lĩnh vực; 25 dịch vụ công (DVC) trực tuyến thiết yếu thuộc lĩnh vực chuyên ngành theo quy định tại Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được triển khai hoàn chỉnh. Ứng dụng Bình Dương số, chữ ký số cho người dân đã được triển khai quyết liệt để phục vụ công tác triển khai DVC trực tuyến, CĐS tại địa phương.
Bình Dương đã thành lập nhiều tổ công nghệ số cộng đồng với trên 3.000 thành viên đến từng tổ, khu phố, DN tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân thực hiện Đề án 06, kích hoạt định danh điện tử; nâng cao kiến thức, kỹ năng công nghệ số cho người dân, DN; thúc đẩy mạnh mẽ CĐS tại địa phương…
Thời gian qua, đông đảo người dân trong tỉnh đã được hỗ trợ cài đặt chữ ký số miễn phí
Phát triển hạ tầng phục vụ CĐS, chính quyền số
Có thể nói, hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, hạ tầng công nghệ số, nền tảng số… là những hạ tầng rất quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế số, xã hội số. Theo quan điểm chung của tỉnh, hạ tầng số phải được ưu tiên phát triển nhanh, phát triển trước với tiêu chuẩn và chất lượng cao, liên tục được cập nhật để bảo đảm kết nối, tạo lập, duy trì dòng chảy dữ liệu phục vụ cho mục tiêu CĐS, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Theo kế hoạch phát triển hạ tầng số của tỉnh đến năm 2025 vừa được UBND tỉnh ban hành cuối tháng 12- 2023, hạ tầng số phải đạt mục đích phát triển nhanh, phát triển trước, phục vụ xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Phát triển hạ tầng số góp phần hoàn thành các mục tiêu trong nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, các nghị quyết chuyên đề, định hướng của tỉnh. Vì vậy, tỉnh đang quyết tâm phát triển hạ tầng số băng thông rộng, siêu rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo kế hoạch chung, đến năm 2025, 100% khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh được cung cấp dịch vụ băng rộng di động với tốc độ tải xuống trung bình thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; tối thiểu 30% cột ăng ten phục vụ phát sóng viễn thông di động được dùng chung (ít nhất là 2 nhà mạng); 100% hạ tầng kỹ thuật ngầm được đầu tư dùng chung; 100% cột điện được dùng chung; 100% trụ sở UBND cấp xã có kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng với tốc độ tối thiểu là 100Mbps…
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phát triển hạ tầng số của tỉnh đến năm 2025; chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan tham mưu chính sách khuyến khích các DN tham gia đầu tư phát triển hạ tầng số; tăng cường dùng chung hạ tầng giữa các DN viễn thông, dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật của các ngành khác. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện phát triển hạ tầng số, sử dụng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành giao thông, xây dựng, điện, nước; hỗ trợ các DN đầu tư hạ tầng số trong việc bảo vệ, xử lý các vụ việc phá hoại hạ tầng số, cản trở xây dựng, lắp đặt các công trình viễn thông trên địa bàn…
HỒ VĂN