Đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế phải bảo đảm bền vững

Cập nhật: 21-12-2021 | 21:00:43

(BDO) Chiều 21-12, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (KKT) Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã chủ trì hội nghị trực tuyến “Diễn đàn xúc tiến đầu tư và định hướng phát triển khu công nghiệp (KCN), KKT trong thời gian tới”. Diễn đàn được kết nối trực tuyến đến 300 điểm cầu trong và ngoài nước.

Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, Ban quản lý các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Đại biểu tham gia diễn đàn tại điểm cầu Bình Dương.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý các KKT, đến nay Việt Nam có 395 KCN, khu chế xuất (KCX) được thành lập với tổng diện tích hơn 123.000 ha, trong đó có 291 KCN, KCX đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 87.100 ha. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đi vào hoạt động đạt 70,9%. Có 18 KKT ven biển đã được thành lập với tổng diện tích 857.600 ha. Diện tích cho thuê các dự án trong KKT đạt trên 33.000/99.200 ha. 

Các KCN, KKT đã thu hút 10.996 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn 230,2 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 69% và 10.211 dự án trong nước với số vốn đầu tư 2,54 triệu tỷ đồng, vốn thực hiện đạt khoảng 46,5%. Trong số này có những dự án lớn như các dự án của Tập đoàn Samsung (khoảng 17 tỷ USD); dự án của LG (1,5 tỷ USD), Formossa (12 tỷ USD), Vingroup, Sungroup, Trường Hải, Hòa Phát…

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) trong KCN, KKT đạt 138 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 55% kim ngạch xuất khẩu của cả nước); đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 137.000 tỷ đồng; tạo việc làm cho 4 triệu lao động, chiếm 6,8% lực lượng lao động của cả nước.

Định hướng trong thời gian tới, Việt Nam phát triển về số lượng và quy mô KCN, KKT phải bảo đảm bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; hình thành hệ thống KCN nòng cốt, các KKT trọng điểm với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia; phát triển các loại hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị. 

Việt Nam cũng thúc đẩy phát triển KCN, KKT theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN, KKT thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường; đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN, KKT; khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân trong xây dựng, phát triển KCN, KKT...

Thảo luận tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, để tiếp tục thu hút mạnh đầu tư vào các KCN, KKT trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người lao động trong doanh nghiệp và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển…

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận, giải đáp về cơ chế, chính sách và cơ hội thu hút đầu tư vào KCN, KKT giai đoạn tới.

Tin, ảnh: Ngọc Thanh

Chia sẻ bài viết
Tags
Việt Nam

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1124
Quay lên trên