Đầu tư vào công nghiệp phụ trợ ngành may mặc tăng mạnh

Cập nhật: 01-07-2015 | 08:31:55

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bình Dương đã thu hút trên 614 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều đáng chú ý là có đến hơn 50% số vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành may mặc. Điều này không chỉ cho thấy những nỗ lực kêu gọi đầu tư rất đúng hướng của tỉnh mà còn tạo điều kiện cho một trong những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh phát triển bền vững.

 Lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành may mặc tại Bình Dương đang thu hút mạnh vốn đầu tư. Trong ảnh: Sản xuất quần jean tại Công ty Đại Tây Dương (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1, TX.Thuận An) Ảnh: P.LÊ

Vốn đầu tư tăng nhanh

May mặc là một trong những ngành sản xuất công nghiệp chủ lực, mang về kim ngạch xuất khẩu lớn cho Bình Dương trong nhiều năm qua. Tuy vậy, dù đã rất cố gắng phát triển nhưng phụ liệu may trong nước hiện chỉ có các cơ sở sản xuất một số chủng loại phụ liệu chính như chỉ may, bông tấm, mex dính, cúc nhựa, khóa kéo, băng chun, nhãn mác, bao bì... Những phụ liệu này chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường trong nước, phần còn lại vẫn phải nhập khẩu.

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ cho may mặc, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào những bước đàm phán cuối cùng, trong thời gian qua Bình Dương đã có những nỗ lực lớn trong việc thu hút đầu tư vào ngành này. Kết quả cho thấy, tháng 8-2014, Công ty TNHH Liên doanh Nam Phương Textile được thành lập dựa trên cơ sở hợp tác giữa Tập đoàn Haputex Development Limited (Hồng Kông, Trung Quốc) và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Việt Hương (chủ đầu tư Khu công nghiệp Việt Hương 1 và 2 tại Bình Dương). Nam Phương Textile sau đó đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất vải dệt các loại có vốn đầu tư 120 triệu đô la Mỹ, quy mô xây dựng trên diện tích 12 ha. Dự án này được triển khai theo 3 giai đoạn và sau khi hoàn tất, nhà máy sẽ giải quyết việc làm cho 3.000 lao động và cung cấp gần 100 triệu mét vải/ năm cho ngành may mặc.

Trước đó, đầu năm 2014, Công ty TNHH KyungBang Việt Nam tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (huyện Bàu Bàng) đã tăng vốn đầu tư thêm hơn 54,2 triệu đô la Mỹ để mở rộng sản xuất sợi cotton chất lượng cao nhằm phục vụ cho ngành dệt may tại Việt Nam và xuất khẩu. Đây là doanh nghiệp đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may trên địa bàn tỉnh, với nhà máy sản xuất sợi giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 40 triệu đô la Mỹ. Sau khi tăng vốn, công ty đã nâng vốn đầu tư lên hơn 94,2 triệu đô la Mỹ.

Đặc việt, vào ngày 29-6 vừa qua, tại UBND tỉnh, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư lên đến 274 triệu đô la Mỹ cho giai đoạn 1 và tăng thêm hơn 700 triệu đô la Mỹ cho giai đoạn 2, đây là một trong những dự án lớn nhất cho công nghiệp phụ trợ ngành may mặc của Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung tính đến thời điểm này. Mục tiêu của công ty là đầu tư sản xuất sản phẩm xơ tổng hợp polysester bao gồm các sản phẩm sợi cotton, sợi tổng hợp và dệt kim… Đây là những sản phẩm thiết yếu cho ngành may mặc Việt Nam hiện nay.

Tăng sức mạnh cho ngành may mặc

Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, Bình Dương đã thu hút những dự án đầu tư lớn vào công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may từ các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh sự nhanh nhạy của nhà đầu tư trong việc nắm bắt thời cơ trước những chuyển biến thuận lợi trong việc ký kết TPP, hầu hết nhà đầu tư vào lĩnh vực này tại Bình Dương đều cho rằng, cùng với môi trường đầu tư thuận lợi, sự hỗ trợ tận tình của UBND tỉnh là điểm then chốt để họ quyết định mạnh tay đầu tư tại tỉnh.

Ông Cheng Cheng Yu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Polytex Far Eastern cho biết: “Tập đoàn Far Eastern đã đầu tư một công ty may mặc tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 1 (Bình Dương) từ năm 2007. Chúng tôi rất tin tưởng vào môi trường đầu tư ở đây cũng như cách làm việc hiệu quả của Tổng Công ty Đầu tư Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC) nói riêng. Chính vì thế, tập đoàn quyết định đầu tư số vốn lớn, lên đến 274 triệu đô la Mỹ, đưa Polytex Far Eastern lên hàng thứ 3 trong số các công ty con của tập đoàn trên thế giới”. Ông Cheng Cheng Yu cho biết thêm, ông và các cộng sự rất ngạc nhiên trước sự nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ từ phía Bình Dương. Chính vì thế, từ khâu tiếp xúc đến khi được trao giấy chứng nhận đầu tư chỉ mất có 12 ngày.

Ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong các dự án đầu tư nước ngoài tại Bình Dương từ đầu năm 2015 đến nay, Bình Dương rất hoan nghênh và trân trọng dự án đầu tư của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam). Đây là dự án thuộc ngành công nghiệp phụ trợ đầu tư vào Khu công nghiệp Bàu Bàng, phù hợp với chủ trương, định hướng kêu gọi và thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thu hút đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp phụ trợ để tăng cường sức mạnh cho ngành may mặc nói riêng và các ngành công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nói chung.

Rõ ràng, Bình Dương đã có sự nỗ lực rất lớn trong việc thu hút, mời gọi nhà đầu tư đến tỉnh phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành may mặc. Điều này không chỉ giúp nhà đầu tư chủ động nắm bắt cơ hội mới trước những chuyển biến tích cực của TPP và các hiệp định thương mại tự do khác mà còn giúp cho ngành công nghiệp may mặc trong tỉnh cũng như cả nước phát triển ổn định, bền vững hơn, qua đó góp phần gia tăng giá trị sản xuất, ổn định đời sống cho người lao động.

 

 KHÁNH VINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1492
Quay lên trên