Thống kê mới nhất của Grant Thornton International cho thấy 92% số công ty nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam hy vọng sẽ có được lợi nhuận trong năm 2010. Đây là kết quả khả quan nhất mà tổ chức này ghi nhận được.
1. Việt Nam
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 91 điểm (*)
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 92%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 95%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 64%
Cùng với động thái hạ giá đồng tiền trong năm 2009, Chính phủ Việt Nam mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Lợi thế này tiếp tục được khẳng định khi đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một lần nữa điều chỉnh tỷ giá đồng bản tệ so với đôla Mỹ. Giá trị đồng Việt Nam giảm cũng đồng nghĩa với việc Intel, hãng sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới, kiếm được nhiều tiền hơn từ dự án trị giá hơn 1 tỷ USD của mình tại Việt Nam. Và Intel không phải là trường hợp duy nhất.
(*) Điểm số do tạp chí BusinessWeek đưa ra dựa trên số lượng công ty dự báo khả quan về lợi nhuận.
2. Ấn Độ
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 65 điểm
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 72%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 79%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 56%
Tăng trưởng thần kỳ trong những năm qua, Ấn Độ là thị trường không thể bỏ qua đối với cả Ford Motor và Volkswagen. Hai gã khổng lồ trong ngành công nghiệp ôtô này dự kiến sẽ đầu tư vào quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này khoảng 6 tỷ USD trong vòng 2 năm tới. Ấn Độ cũng được đánh giá là một trong những địa chỉ lý tưởng cho các dự án đầu tư phục vụ xuất khẩu.
3. Philippines
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 59 điểm
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 69%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 80%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 49%
Là trạm trung chuyển hàng hóa lý tưởng trên biển Thái Bình Dương, trong những năm gần đây, Philippines còn là nơi HSBC, Deutsche Bank, JPMorgan Chase, Dell, và rất nhiều đại gia trong ngành công nghiệp và viễn thông của thế giới lựa chọn để đặt nhà máy và các văn phòng đại diện khu vực. Không chỉ thúc đẩy hoạt động tài chính, lựa chọn này của các tập đoàn còn kích thích lĩnh vực xây dựng tại Manila và nhiều thành phố khác.
4. Brazil
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 57 điểm
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 64%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 76%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 63%
Sau 6 tháng suy thoái gây ra giảm phát trong năm 2009, nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latin hy vọng sẽ đạt được mức tăng trưởng 5,2% năm nay. Theo khảo sát của Grant Thornton, Brazil là sự lựa chọn hàng đầu của các công ty trong lĩnh vực khai mỏ và cơ khí. Đồng bản tệ tăng giá 34% trong năm 2009 so với đôla Mỹ đã kích thích tiêu dùng trong nước nhưng lại là trở lực lớn đối với xuất khẩu. Brazil hiện là nền kinh tế xuất khẩu nhiều cà phê và khí thiên nhiên nhiều nhất thế giới.
5. Chile
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 56 điểm
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 62%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 80%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 47%
Lớn thứ 5 và cũng là nền kinh tế ổn định nhất châu Mỹ Latin, thế mạnh của kinh tế Chile là lĩnh vực khai mỏ. Hãng khai khoáng lớn nhất thế giới BHP Billiton đã và đang đầu tư nhiều tỷ USD để mở rộng dự án mỏ đồng Escondida tại nước này. Vào tháng 1/2010, Chile trở thành quốc gia đầu tiên tại khu vực Mỹ Latin gia nhập tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế OECD.
6. Australia
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 54 điểm
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 63%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 68%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 50%
So với nhiều nền kinh tế lớn khác, Australia ít chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới do thị trường xuất khẩu chính của nước này là Trung Quốc tiếp tục có nhu cầu lớn đối với quặng sắt và than đá. Trong khi BHP Billiton và Rio Tinto tiếp tục khẳng định thế mạnh trong lĩnh vực khai mỏ thì Chevron, ExxonMobil và Royal Dutch Shell đã biến Australia trở thành một gã khổng lồ về năng lượng với dự án khí thiên nhiên trị giá 43 tỷ đôla Australia tại bờ biển tây bắc nước này
7. Đan Mạch
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 50 điểm
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 64%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 57%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 27%
Những tín hiệu lạc quan đã trở lại với kinh tế Hy Lạp sau một năm 2009 đầy những khó khăn, khi mà nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu này suy thoái 4,3%, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong vòng 4 năm. Gói kích thích kinh tế trị giá 10,6 tỷ USD và chính sách lãi suất thấp đã có tác dụng thúc đẩy chi tiêu tại quốc gia 5,5 triệu dân này. Ngân hàng trung ương Đan Mạch có công lớn trong việc giữ thị trường nhà đất ổn định. Giá nhà chỉ tăng 1,5% trong năm 2009 trong khi lương trung bình dự kiến sẽ tăng 2,2% vào đầu năm nay.
8. Thụy Điển
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 50 điểm
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 61%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 65%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 41%
Thụy Điển là quê hương của rất nhiều hãng công nghiệp nặng nổi tiếng thế giới như Volvo AB, hãng sản xuất xe tải lớn thứ 2 thế giới, SKF AB, hãng chế tạo vòng - ổ bi lớn nhất thế giới… Những gã khổng lồ này là động lực chính giúp kinh tế Thụy Điển thoát khỏi suy thoái và Chính phủ nước này dự báo mức tăng GDP 3% trong năm nay.
9. Armenia
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 45 điểm
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 55%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 68%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 39%
Nền kinh tế 3,2 triệu dân của Armenia chịu ảnh hưởng nặng nề (GDP giảm 14,4%) từ suy thoái kinh tế thế giới cũng như những bất ổn trong khu vực nhưng Chính phủ nước này hy vọng kinh tế có thể tăng trưởng khoảng 1% trong năm 2010. Cùng với sự hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và nỗ lực gia nhập đời sống kinh tế châu Ấu, vốn đầu tư nước ngoài vào Armenia dự kiến tăng 50% trong năm nay.
10. Nam Phi
Đánh giá khả năng sinh lợi của vốn đầu tư: 44 điểm
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm lợi nhuận: 60%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm doanh thu: 71%
Số doanh nghiệp kỳ vọng có thêm nhân lực: 38%
Nam Phi là nước xuất khẩu bạch kim, mangan lớn nhất thế giới, và cũng là nước có sản lượng vàng đứng thứ 3 toàn cầu. Việc giá kim loại tăng trong năm 2009 đã mang lại nguồn lợi lớn cho các công ty khai mỏ có mặt tại nước này như Anglo American, BHP Billiton và Xstrata. Ngành tài chính ngân hàng cũng được xem là rất có tiềm năng tại Nam Phi khi những đại gia như Barclays hay Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đều đã có mặt tại quốc gia này. Với kim ngạch chiếm khoảng 7% giá trị xuất khẩu, ngành công nghiệp ôtô Nam Phi đang thu hút sự quan tâm của General Motors, Toyota và Volkswagen.
(Theo VnE)