Đình Vĩnh Phước tọa lạc tại khu phố 3, thị trấn Thái Hòa, huyện Tân Uyên và ở một địa thế khá đẹp. Mặt đình hướng về phía nam, đón ngọn gió mát lành từ sông Đồng Nai chảy qua, nền đình ở vị trí cao, thoáng mát và khuôn viên đình rộng rãi rợp bóng cây cổ thụ. Dựa vào sắc phong của vua Tự Đức ban cho Thành Hoàng của đình mà ta biết được lịch sử đình có từ trước năm 1853. Đến khoảng năm 1910, đình được xây dựng lại và trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đình Vĩnh Phước vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính cho đến hiện nay.
Có thể nói, trong nghệ thuật trang trí đình làng, chạm khắc gỗ chiếm một vị trí quan trọng. Đình Vĩnh Phước tiêu biểu cho nghệ thuật, nguyên tắc trang trí chạm khắc gỗ trong đình làng Bình Dương và là ngôi đình hiện còn lưu giữ dấu ấn một thưở vàng son của nghệ thuật chạm khắc gỗ.
Đình Vĩnh Phước lưu giữ được hệ thống nhang án, khám thờ đầy đủ mang những nét chạm khắc tiêu biểu cho nghệ thuật chạm khắc gỗ trong đình làng Bình Dương những thập niên cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tất cả các bàn nhang án, khám thờ đều được gia công tỉ mỉ bằng những nét chạm khắc tinh xảo; đề tài, đồ án hoa văn phong phú, bố cục hài hòa.
Những đề tài chính được thể hiện ở những đồ án hoa văn lớn: con dơi ngậm giỏ hoa (biểu trưng cầu Phúc - Lộc - Thọ); đồ án kết hợp 3 con vật gồm con Công, con Khỉ, con Nai mang ý nghĩa cầu địa vị và tài lộc; đồ án Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng); những đề tài mang tính trang trí như tứ thời (bốn mùa), bát vật (tám vật quý) thì được phối hợp trang trí ở những vị trí phụ, kết hợp cùng hoa văn dây lá tạo nên sự hài hòa liền mối cho tổng thể trang trí.
Rồng là hình tượng được thể hiện đặc biệt trong nghệ thuật chạm khắc ở đình, bởi Rồng chính là hình tượng biểu trưng cho thần Thành Hoàng. Rồng ở đình thần Vĩnh Phước mang phong cách Rồng cuối triều Nguyễn với đầu lớn, hai mắt to tròn, lộ ra ngoài, thân mảnh, uốn lượn. Hình tượng Rồng được thể hiện dày đặc với nhiều vị trí, tư thế cũng như kỹ thuật khác nhau. Người xem có thể chiêm ngưỡng dáng vẻ dữ tợn khi “Long hàm thọ” (Rồng ngậm chữ Thọ), mạnh mẽ tranh đấu khi “Lưỡng long tranh châu” (hai con Rồng tranh trái châu) nhưng cũng có khi mềm mại uốn lượn khi Rồng ở tư thế bay lên ở những Long trụ (cột Rồng) nhưng tất cả đều toát lên sự uy nghi, mạnh mẽ, đầy khí chất của Rồng và cũng là sức mạnh, uy quyền của thần Thành Hoàng.
Vẻ đẹp của những đồ án hoa văn được thể hiện tối đa qua sự kết hợp của kỹ thuật và ánh sáng trong đình. Người thợ biết sử dụng kỹ thuật chạm thủng cho những đồ án lớn để tạo sự thông thoáng, kỹ thuật chạm nổi cao ở những vị trí quan trọng, kỹ thuật chạm nổi thấp ở những chi tiết nhỏ. Kết hợp với ánh sáng tranh tối tranh sáng trong đình làm cho không gian trong đình mang dáng vẻ kỳ ảo, thâm u, tĩch mịch mà lại trang nghiêm.
Điều đặc biệt và làm nên giá trị của nghệ thuật chạm khắc ở đình Vĩnh Phước đó là vẫn giữ được nguyên tắc truyền thống trong sắp đặt hệ thống nhang án, khám thờ. Với kết cấu 3 gian, gian bên trái là tượng trưng cho dương với hình tượng Rồng, mặt trời chạm thực hoặc chạm cách điệu là Rồng khúc; trong khi đó gian bên phải tượng trưng cho âm thì hình tượng thể hiện cũng tượng trưng cho âm với hình ảnh chim Phụng, mặt trời cách điệu là hoa hướng dương và Rồng lá; ở gian giữa hình tượng được sử dụng chủ yếu là Rồng và được phối hợp với nhiều hình tượng khác biểu thị là nơi dung hợp giữa hai yếu tố âm - dương.
Đình Vĩnh Phước nói riêng, các ngôi đình ở Bình Dương nói chung tuy không có được kết cấu đồ sộ, hệ thống trang trí phức tạp như những ngôi đình miền Bắc nhưng cũng thể hiện nghệ thuật chạm khắc đỉnh cao trong nghệ thuật trang trí dân gian. Bình Dương có trên 200 ngôi đình nhưng số ngôi đình giữ được nghệ thuật chạm khắc gỗ như đình Vĩnh Phước hiện còn rất ít. Việc đánh giá đúng mức cũng như đầu tư kịp thời để tôn vinh, bảo quản đình là công việc cấp thiết mà các nhà quản lý cần thực thi.
Bài 2: Đình Tân An - “Hội hè đình đám”
ĐỖ THANH